Năm huyện ngoại thành của TP.HCM sẽ lên thành phố
Thủ tướng Chính phủ vừa ký ban ký Quyết định số 1711/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch TP. HCM thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo quy hoạch được phê duyệt, TP. HCM đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ trở thành một đô thị toàn cầu, hội tụ đầy đủ các yếu tố văn minh, hiện đại, nghĩa tình, năng động và sáng tạo.
Thành phố sẽ sở hữu nguồn nhân lực chất lượng cao, dịch vụ và công nghiệp hiện đại, dẫn đầu cả nước về kinh tế xanh, kinh tế số và xã hội số.
TP. HCM sẽ giữ vững vai trò là trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, dịch vụ, văn hóa, giáo dục, khoa học - công nghệ, đồng thời hội nhập quốc tế sâu rộng.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân đầu người được kỳ vọng sẽ thuộc nhóm dẫn đầu cả nước, mang lại chất lượng cuộc sống cao, môi trường sống bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, và gìn giữ bản sắc văn hóa độc đáo.
Bên cạnh đó, TP. HCM sẽ tập trung phát triển các mô hình kinh tế then chốt như kinh tế biển, kinh tế xanh, kinh tế số và kinh tế chia sẻ.
Về tổ chức không gian, TP. HCM sẽ tập trung vào ba trọng điểm: phát triển vành đai kinh tế, phân chia các tiểu vùng đô thị, và tăng cường liên kết vùng thông qua 9 trục không gian chủ đạo.
Phát triển 6 thành phố trực thuộc
Quy hoạch cũng đề ra phương án phát triển các khu chức năng quan trọng, bao gồm: Khu thương mại tự do (Cần Giờ), 33 khu công nghiệp, 7 cụm công nghiệp, 14 khu du lịch, và trung tâm tài chính.
Đáng chú ý, tiếp tục phát triển TP. HCM là đô thị đặc biệt bao gồm khu vực đô thị trung tâm và 6 đô thị trực thuộc gồm: TP. Thủ Đức (đô thị loại I) và 5 đô thị vệ tinh cơ bản đạt tiêu chuẩn để nâng cấp lên thành phố (gồm các huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè, Cần Giờ).
Hình thành không gian phát triển mới cho thành phố thông qua việc quy hoạch, xây dựng không gian ngầm, không gian nước, không gian số. Triển khai quy hoạch, xây dựng không gian ngầm trên địa bàn thành phố trong quá trình quy hoạch đô thị.
Không gian thành phố được tổ chức theo định hướng đa trung tâm, đa chức năng và hình thành các khu đô thị tri thức sáng tạo, các khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ với mô hình thành phố trong thành phố. Phát triển phù hợp các vùng đệm, vùng sinh thái giữa các đô thị và các đô thị với khu vực đô thị trung tâm.
Sau năm 2030, bắt đầu xây dựng các đô thị theo mô hình thành phố đa trung tâm, gồm: khu vực đô thị trung tâm, đô thị Thủ Đức, đô thị Củ Chi - Hóc Môn, đô thị Bình Chánh, đô thị Quận 7 - Nhà Bè và đô thị Cần Giờ (đô thị sinh thái biển).
Ranh giới chính thức của các đô thị được xác định theo quyết định thành lập đô thị được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đến năm 2050, hoàn thành việc xây dựng TP. HCM theo mô hình thành phố đa trung tâm.