Nâng hạng thị trường chứng khoán: Không phụ thuộc vào ý chí chủ quan của cơ quan quản lý

Bộ Tài chính nhấn mạnh: Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam sẽ được nâng hạng, nhưng việc nâng hạng thị trường không phụ thuộc vào ý chí chủ quan của cơ quan quản lý.

Trả lời câu hỏi trước bối cảnh từ năm 2018 đến 2022, VN-Index vẫn mức 1200 điểm, Bộ Tài chính đánh giá như thế nào về tính khả thi cho kế hoạch nâng hạng TTCK và dự kiến thời gian nâng hạng, Bộ Tài chính cho biết: Nâng hạng TTCK là một trong những mục tiêu lớn.

Mục tiêu này đã được đưa vào Đề án “Cơ cấu lại TTCK, thị trường bảo hiểm đến năm 2020, định hướng đến năm 2025” và dự thảo Chiến lược phát triển TTCK đến năm 2030.

Theo đó, Việt Nam đặt mục tiêu sẽ được nâng hạng TTCK từ thị trường cận biên lên mới nổi trước 2025.

“Mặc dù nhiều ý kiến chuyên gia đều bày tỏ sự tin tưởng vào việc TTCK Việt Nam sẽ được nâng hạng, nhưng phải nhấn mạnh rằng, việc nâng hạng thị trường không phụ thuộc vào ý chí chủ quan của cơ quan quản lý bất kỳ TTCK nào trên thế giới, vì việc đánh giá, phân loại và xếp hạng thị trường của các tổ chức xếp hạng như MSCI, hay FTSE đều phải tuân theo các nguyên tắc, quy trình và tiêu chí đánh giá của các tổ chức này”, Bộ Tài chính cho biết.

Nâng hạng thị trường chứng khoán: Không phụ thuộc vào ý chí chủ quan của cơ quan quản lý - Ảnh 1Nâng hạng TTCK không phụ thuộc vào ý chí chủ quan của cơ quan quản lý.

Cũng theo Bộ Tài chính, trong thời gian qua, cơ quan quản lý đã, đang nỗ lực và đặt quyết tâm cao để thúc đẩy, rút ngắn lộ trình được nâng hạng của TTCK Việt Nam.

Về khuôn khổ pháp lý: Luật Chứng khoán 2019 và các văn bản hướng dẫn, Luật Đầu tư 2020, Luật Doanh nghiệp 2020 đã từng bước đáp ứng các tiêu chí về nâng hạng thị trường.

Cụ thể là đáp ứng tiêu chí về tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài; tạo điều kiện thuận lợi cho dòng vốn đầu tư; tiếp cận thông tin; đăng ký và mở tài khoản cho nhà đầu tư; bù trừ và thanh toán trên TTCK; tăng cường đưa vào thị trường các công cụ tài chính mới để đa dạng hóa các sản phẩm đầu tư.

Về các hoạt động thực tiễn, cơ quan quản lý thường xuyên trao đổi với MSCI (công ty Morgan Stanley Capital International, tổ chức có uy tín trong lĩnh vực cung cấp các công cụ phân tích thị trường tài chính) và tổ chức cung cấp chỉ số uy tín toàn cầu FTSE Russell. Qua đó cập nhật thông tin thực tế, tìm các giải pháp sửa đổi, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý.

“Hiện nay, dựa trên các tiêu chí mà các tổ chức xếp hạng yêu cầu, Việt Nam đã đạt được nhiều tiêu chí quan trọng. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều tiêu chí cần có quyết tâm chung, sự phối hợp chặt chẽ từ các bộ, ngành liên quan để tháo gỡ khó khăn giúp thị trường sớm được nâng hạng trong thời gian tới”, Bộ Tài chính nhấn mạnh.

Thu Ngân

Theo Doanh nghiệp Việt Nam