Nên hồi sinh hay khai tử những dự án chậm tiến độ?

Hiện nay, trên thị trường tồn tại hàng loạt dự án “dở dở ương ương”, thời gian thi công đã trải dài nhiều năm nhưng không có dấu hiệu hoàn thành, ngàn nghìn tỷ đồng đổ vào đầu tư theo đó mà bốc hơi. Tìm cách giải quyết dự án “treo” hiện là vấn đề nan giải đang được chính quyền quan tâm hàng đầu.

 

Nên hồi sinh hay khai tử những dự án chậm tiến độ? - Ảnh 1

Các dự án, quy hoạch treo nhiều năm khiến hàng ngàn ha đất bị bỏ hoang, ảnh hưởng đến sinh kế của hàng chục nghìn hộ dân. Việc xử lý các dự án chậm tiến độ là thách thức đối với những nhà cầm quyền. Thực tế, chính quyền đang tìm cách hồi sinh những dự án vẫn còn hy vọng và giải quyết thẳng tay những dự án “chết” để giảm thiểu thiệt hại.

Hàng trăm dự án “treo” trong nhiều năm

Ở phía Bắc, Thủ đô Hà Nội hiện đang tiến hành kiểm tra 404 dự án, trong đó có đến 60 dự án chậm tiến độ. Tỉnh Thanh Hóa tiến hành thanh tra và phát hiện 164 dự án chậm tiến độ trên địa bàn tỉnh.

Miền Trung tại tỉnh Quảng Nam hiện có 1.126 dự án, trong đó có 57 dự án bị thu hồi, 119 dự án hết thời hạn.

Phía Nam, tại TP.HCM cũng đang gặp phải vấn đề tương tự, hiện trên toàn thành phố có 29 dự án trọng điểm, trong đó 11 chưa được phê duyệt, 18 dự án đang triển khai nhưng chậm trễ làm cho người dân quan tâm đến dự án rất bức xúc.

Trong số đó, nhiều dự hạ tầng giao thông được rót hàng tỷ đồng nhưng cũng bị “treo” trong nhiều năm. Chẳng hạn như dự án “Tuyến đường sát đô thị thí điểm TP.Hà Nội, đoạn Đoạn Nhổn - Ga Hà Nội” có vốn đầu tư là 34.000 tỷ đồng, hiện nay chỉ mới đạt 75% trong khi thời gian dự kiến hoàn thành trong năm 2015.

Tại Thái Nguyện dự án mở rộng giai đoạn 2 Nhà máy Gang thép Thái Nguyên được triển khai xây dựng vào năm 2007 với vốn đầu tư dành chạm mốc 8.100 tỷ đồng nhưng đến năm 2013 đã dừng thi công cho đến năm ngoái dự án mới bắt đầu tái thi công trở lại.

Năm 2011, dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 được thi công với vốn đầu tư 41.799 tỷ đồng đây là một trong số những dự án trọng điểm của ngành điện. Tuy nhiên việc vướng phải nhiều khó khăn và các vấn đề về pháp luật nên đã dừng thi công từ tháng 8/2018.

Không riêng gì dự án Nhiệt điện Thái Bình, phần lớn các dự án trên thị trường thường xuyên gặp vướng mắc về các giấy tờ pháp lý. Điều này gây nhiều căn trở khiến các dự án chậm tiến độ thi công hay phải bỏ ngang trên thị trường.

Theo đánh giá từ ông Lê Đức Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa nguyên nhân các dự án chậm tiến độ trên địa bàn tỉnh là do công tác tác thẩm định yếu kém, nhà đầu tư không có năng lực. Chính quyền địa phương nghiêm túc thực hiện quyết định thu hồi các dự án đang trì hoãn để tránh lãng phí nguồn lực.

Hàng loạt dự án đang gặp vướng mắc về pháp lý suốt nhiều năm vẫn chưa hoàn thiện 
Hàng loạt dự án đang gặp vướng mắc về pháp lý suốt nhiều năm vẫn chưa hoàn thiện 

Tìm cách giải quyết dứt điểm tình trạng dự án chậm tiến độ

Hiện tại, chính quyền đã từng bước giải quyết những dự án đang “ngâm” trên cả nước. Trong đó, tại Thủ đô Hà Nội sau khi xem xét đã kiến nghị thu hồi 29 trong tổng số dự án chậm tiến độ.

Tại TP.HCM, UBND thành phố cũng đã tiến hành rà soát các dự án toàn thành phố để tìm cách tháo gỡ khó khăn cho những dự án đang mắc phải tình trạng tương tự.

Hiện nay, một số tỉnh thành đã bắt đầu mạnh tay “khai tử” các dự án treo. Cụ thể, tại tỉnh Ninh Bình đã ra quyết định khai tử 211 công trình, UBND Nghệ An đã thu hòi 200 dự án “treo”. Tiếp tục, chính quyền tỉnh Hà Tĩnh đã thu hồi và xử phạt hành chính đối với 50 trong số 294 dự án chậm tiếng độ trên địa bàn tỉnh.

Mặc dù pháp luật đã có quy định rõ ràng về vấn đề các dự án chậm tiến độ trên thị trường nhưng thực tế công tác quản lý địa phương chưa thực sự phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của mình.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp họi BĐS TP.HCM cho biết: “Điều 64 Luật Đất đai đã quy định thu hồi đất trong trường hợp vi phạm pháp luật về đất đai, nếu phân loại mà dự án đó thuộc phạm vi phát triển của doanh nghiệp, năng lực của doanh nghiệp thì dễ xử lý. Tuy nhiên, chuyện xử lý cũng bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp. Ngoài ra đối với các dự án chậm tiến độ cần phải tìm và gỡ được các nút thắt thì mới tìm hướng xử lý dứt điểm.”

Vì thế bên cạnh việc tìm nút thắt cho câu chuyện chậm tiến độ của dự án, chính quyền cần hoàn thiện hệ thống pháp văn bản pháp luật, quy định về tiêu chuẩn quy hoạch xây dựng, đầu tư xây dựng. Đồng thời thắt chặt các công tác quản lý và kiểm soát các dự án ngay từ khâu thẩm định chủ đầu tư có năng lực giúp giảm bớt tỷ lệ dự án “treo”.

Bên cạnh đó, với các dự án chậm tiến độ cần đưa ra được giải pháp dựa theo tình hình thực tế để đưa ra quyết định nên tiếp tục đổ vốn thúc đẩy dự án vực dậy hay là tuyên án tử hình, loại bỏ thẳng tay các dự án chậm tiến độ trên thị trường.

Theo Chất lượng và Cuộc sống