‘Nếu chờ đến quý IV mới nới room tín dụng sẽ mất cơ hội phục hồi’
TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn - Chính sách Tiền tệ Quốc gia, cho rằng nếu chờ đợi đến quý IV mới nới room tín dụng là hơi muộn và có thể sẽ mất cơ hội phục hồi. Ngân hàng Nhà nước nên xem xét trong tháng tới, bởi nếu không khơi thông sớm sẽ tăng nợ đọng lẫn nhau, cực kỳ nguy hiểm và nợ xấu ngân hàng sẽ tăng lên.
Tại tọa đàm “Phát triển nguồn vốn cho bất động sản: Dư địa và gợi ý các giải pháp bền vững” diễn ra sáng 24/8, các chuyên gia đều cho rằng room tín dụng tăng lên 15-16% là mức có thể chấp nhận được.
Trả lời câu hỏi về việc vì sao Ngân hàng nhà nước chưa nới room tăng trưởng tín dụng, TS. Cấn Văn Lực cho biết ngân hàng còn băn khoăn chuyện chưa nới room do hai nguyên nhân là lo ngại lạm phát và thanh khoản hệ thống ngân hàng. Trong bối cảnh lạm phát chủ yếu do chi phí đẩy, nếu có thể kiểm soát giá xăng dầu và giá heo thì có thể tự tin kiểm soát được lạm phát dưới 4%.
Do đó, không nên quá lo ngại về lạm phát mà bóp nghẹt thị trường để có thể tận dụng được cơ hội phục hồi. Khi cả thế giới đang đối mặt với lạm phát thì Việt Nam đã kiểm soát được, đó là một cơ hội rất tốt.
Ông Lực thông tin thanh khoản hệ thống ngân hàng hiện nay hoàn toàn trong khả năng kiểm soát. Tỷ lệ cho vay so với vốn lưu động trong thị trường 1 theo tính toán sơ bộ đến thời điểm hiện nay là 92%, vẫn ở mức an toàn. Tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn hiện nay 25,2% và ngưỡng cho phép của Ngân hàng nhà nước bắt đầu từ 1/10 năm nay là 34%, tức là vẫn trong tầm kiểm soát.
Theo quan sát của ông Lực, dòng vốn trung và dài hạn chảy vào hệ thống các ngân hàng đang mạnh hơn, đặc biệt là từ tháng 6,7,8. Tỷ trọng vốn ngắn hạn và trung dài hạn hiện nay đã khác không còn ở tỷ lệ 20% - 80% như trước đây mà đã cải thiện hơn rất nhiều.
Về chuyện nới room, TS. Cấn Văn Lực cho rằng nếu chờ đợi đến quý IV/2022 là hơi muộn và có thể sẽ mất cơ hội. Ngân hàng Nhà nước cần lưu ý đến vấn đề này và theo ông nên xem xét trong tháng tới, bởi nếu không khơi thông sớm sẽ bị mất cơ hội, tăng nợ đọng lẫn nhau cực kỳ nguy hiểm và nợ xấu ngân hàng tăng lên.
Ông Lực cũng lưu ý thêm rằng nhu cầu vốn tín dụng trong năm nay tăng trưởng cao gắn với nhu cầu thực hơn so với trước rất nhiều do nền kinh tế phục hồi, sản xuất kinh doanh được đẩy mạnh, doanh nghiệp có nhu cầu vốn để hoạt động.
TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn - Chính sách Tiền tệ Quốc gia, cũng cho rằng vấn đề được quan tâm nhất hiện nay là việc các ngân hàng có được nới room tín dụng hay không. Room cũ thì nhiều ngân hàng cạn kiệt. Về vấn đề cấp room mới, theo quan điểm của ông, muốn chống lạm phát chi phí đẩy thì phải dùng thuế mà chống, khi giảm lạm phát xuống dưới mức kỳ vọng thì có thể nới room.
Số liệu do TS. Cấn Văn Lực công bố hồi đầu năm cho thấy, tăng trưởng tín dụng bình quân 3 năm (2019-2021) của Mỹ là 14%. Đối chiếu theo con số này, TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng room tín dụng tăng lên 15-16% là mức có thể chấp nhận được.