Ngân hàng bội thu: Lãi cao nhất gần tỷ USD, tăng mạnh nhất gần 300%
Dù kinh tế khó khăn nhưng lợi nhuận ngành ngân hàng vẫn ghi nhận sự tăng trưởng tích cực. Nhiều ngân hàng đạt lợi nhuận trên vạn tỷ đồng. Một số nhà băng ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng tới ba chữ số.
Loạt ngân hàng có lợi nhuận trên vạn tỷ đồng
Hiện có 29 ngân hàng (bao gồm 27 ngân hàng niêm yết và Agribank, BaoViet Bank) đã công bố báo cáo tài chính quý II/2024.
Trong đó, có 7 ngân hàng đạt được mức lợi nhuận trước thuế trên 10.000 tỷ đồng là Vietcombank, Techcombank, BIDV, MB, Agribank, VietinBank và ACB. Tổng lợi nhuận của 7 ngân hàng này đạt hơn 102.000 tỷ đồng, chiếm gần 2/3 lợi nhuận của 29 ngân hàng đã công bố kết quả kinh doanh và tương đương khoảng 60% lợi nhuận toàn ngành.
Trong đó, Vietcombank tiếp tục giữ vững vị trí quán quân toàn ngành với lợi nhuận trước thuế nửa đầu năm đạt kỷ lục 20.835 tỷ đồng, tăng 2% so với cùng kỳ năm trước. Tính riêng quý II/2024, lợi nhuận trước thuế của Vietcombank đạt hơn 10.116 tỷ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ 2023. Đây cũng là quý thứ ba liên tiếp Vietcombank đạt được mức lợi nhuận trước thuế trên 10.000 tỷ đồng.
Trong nửa đầu năm nay, hầu hết nguồn thu chủ chốt của Vietcombank đều sụt giảm so với cùng kỳ. Động lực tăng trưởng lợi nhuận của Vietcombank đến từ việc cắt giảm chi phí dự phòng rủi ro tín dụng, tương ứng giảm gần 34% so với cùng kỳ 2022 xuống còn 3.021 tỷ đồng.
Đứng ở vị trí thứ hai trong bảng xếp hạng toàn ngành về quy mô lợi nhuận là Techcombank với lợi nhuận nửa đầu năm đạt 15.628 tỷ đồng, tăng 39% so với cùng kỳ. Động lực tăng trưởng lợi nhuận chính của Techcombank trong nửa đầu năm đến từ thu nhập lãi thuần khi nguồn thu chủ chốt này đạt trên 18.000 tỷ đồng, tăng trưởng 40,2% so với cùng kỳ.
Theo sát Techcombank là BIDV lãi trước thuế hơn 15.549 tỷ đồng trong nửa đầu năm, tăng 12% so với cùng kỳ, là ngân hàng tăng trưởng tốt nhất trong nhóm Big4. Các nguồn thu chính của BIDV trong nửa đầu năm đều tăng trưởng so với cùng kỳ 2023, đặc biệt là thu nhập ngoài lãi. Riêng quý II/2024, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng này đạt 8.159 tỷ đồng, tăng 17,4% so với cùng kỳ năm trước và là mức lãi theo quý cao kỷ lục của BIDV.
Vị trí tiếp theo là MB khi ghi nhận mức lợi nhuận 6 tháng đầu năm đạt 13.428 tỷ đồng, tăng 5% so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế quý II/2024 của MB đạt 7.633 tỷ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ.
Kết quả này là nhờ MB đã tập trung gia tăng các khoản thu ngoài lãi như hoạt động dịch vụ, hoạt động kinh doanh ngoại hối và chứng khoán. Điều này đã giúp tổng thu nhập hoạt động của MB trong nửa đầu năm tăng trưởng hơn 11%.
Đứng thứ năm trong danh sách các ngân hàng lãi lớn nhất là Agribank với lợi nhuận trước thuế trong nửa đầu năm đạt 13.269 tỷ đồng, giảm 1,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong nửa đầu năm nay, cả thu nhập lãi thuần và thu ngoài lãi của Agribank đều tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước. Nhưng chí phí hoạt động và đặc biệt là chi phí dự phòng tăng mạnh đã khiến lợi nhuận của "ông lớn" này tăng trưởng âm và là ngân hàng quốc doanh duy nhất ghi nhận lãi đi lùi trong nửa đầu năm.
Đứng ở vị trí thứ 6 là VietinBank. Lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm của VietinBank đạt 12.960 tỷ đồng, tăng 3,4% so với cùng kỳ 2023 và trong quý II/2024 đạt 6.750 tỷ đồng, tăng 3% so với cùng kỳ. Động lực tăng trưởng lợi nhuận của VietinBank đến từ thu nhập lãi thuần khi nguồn thu quan trọng này tăng tới 20% so với cùng kỳ.
ACB đứng ở vị trí thứ 7 khi đạt mức lợi nhuận trước thuế 10.500 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2024, tăng trưởng tín dụng 12,8%, tiếp tục thuộc nhóm ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu thấp nhất. Riêng quý II/2024 lợi nhuận trước thuế của ACB đạt 5.600 tỷ đồng, tăng trưởng 16% so với cùng kỳ nhờ tăng trưởng tốt về quy mô, cải thiện phí dịch vụ và kiểm soát chi phí chặt chẽ.
Nhiều ngân hàng không đạt được mức lợi nhuận trên 10.000 tỷ đồng nhưng cũng có mức lãi ấn tượng trong 6 tháng đầu năm nay. Có thể kể đến VPBank với lãi trước thuế 6 tháng đạt 8.665 tỷ đồng, HDBank đạt 8.164 tỷ đồng, SHB đạt 6.860 tỷ đồng và LPBank đạt 5.919 tỷ đồng...
Nhà băng có mức tăng trưởng lợi nhuận cao nhất
Báo cáo tài chính từ 29 ngân hàng cho thấy lợi nhuận ngành này tiếp tục tăng tốc. Hầu hết đều ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận dương.
Tính riêng trong quý II, lợi nhuận trước thuế của những ngân hàng trên tăng trưởng 23% so với cùng kỳ, mang về khoảng 76.100 tỷ đồng. Lũy kế nửa đầu năm, lợi nhuận các nhà băng trên đã tăng 16%, đạt gần 148.400 tỷ đồng.
Trong cả năm 2023, tổng lợi nhuận của 28 ngân hàng có công bố báo cáo tài chính thường xuyên chỉ tăng trưởng 3,8% và có nhiều thời điểm từng giảm so với năm trước.
Xét về tốc độ tăng trưởng lợi nhuận trong 6 tháng đầu năm, BVBank (Bản Việt) đang dẫn đầu, tăng 284% so với cùng kỳ, tiếp đến là LPBank (tăng 142%) và VPBank (tăng 68%).
BVBank cho biết lợi nhuận 6 tháng đầu năm đạt 152,7 tỷ đồng, tăng 284%, đạt 76% kế hoạch năm. Riêng trong quý II, lãi trước thuế hợp nhất của nhà băng này đạt 83,4 tỷ đồng, gấp gần 6 lần (tăng 486%) so với cùng kỳ năm trước.
Còn Ngân hàng TMCP Lộc Phát Việt Nam (LPBank) trong quý II đạt lợi nhuận trước thuế 3.033 tỷ đồng, gấp gần 3,5 lần so với cùng kỳ. Lũy kế 6 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế của LPBank đạt 5.918,88 tỷ đồng, tăng142%. Với kết quả trên, LPBank đã đạt được 56% kế hoạch lợi nhuận năm nay.
Với VPBank, việc lợi nhuận trước thuế nửa đầu năm đạt 8.665 tỷ đồng, tăng 68%, được ngân hàng này lý giải do kiểm soát chi phí vốn hiệu quả, tập trung khai thác tối đa các cơ hội kinh doanh.
Ngoài ra, một số nhà băng khác cũng có mức tăng trưởng vượt trội về lợi nhuận, như SeABank (61%), HDBank (49%), Techcombank (39%),...
Bên cạnh một số ngân hàng ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng mạnh trong quý II, một số nhà băng lại có kết quả kinh doanh không mấy khả quan.
Điển hình, lợi nhuận trước thuế của BaoVietBank trong quý II chỉ đạt 17,5 tỷ đồng, giảm 1,8% so cùng kỳ năm 2023; lũy kế 6 tháng đầu năm đạt 25,79 tỷ đồng, tăng 4,42% so với cùng kỳ.
Lợi nhuận 6 tháng của PGBank cũng đi lùi khi chỉ đạt gần 268 tỷ đồng, giảm 6,6% so với cùng kỳ. Riêng quý II, lợi nhuận trước thuế của PGBank tăng 0,6% so với quý II/2023, đạt 151 tỷ đồng.
Như vậy, bức tranh kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm của ngành ngân hàng có sự phân hóa rõ nét. Những nhà băng có chiến lược kinh doanh tốt, nguồn vốn dồi dào và đa dạng hóa được các nguồn thu phí sẽ có nhiều cơ hội tăng trưởng và giữ được mức lợi nhuận tốt.
Đáng chú ý, nhóm ngân hàng có vốn nhà nước có sự tăng trưởng yếu trong khi nhiều ngân hàng cổ phần ghi nhận lợi nhuận tăng vọt, có nơi tăng trưởng ba chữ số so với cùng kỳ năm trước.