Ngân hàng bung tiền cuối năm: Lãi suất cho vay xuống mức 8%
Các ngân hàng đang đua nhau giảm lãi suất cho vay để kích cầu tín dụng. Mặt bằng lãi suất cho vay giảm khá nhanh và vẫn đang tiếp tục giảm thêm.
Các ngân hàng thương mại đã tích cực giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh. Đặc biệt, sau 4 lần cắt giảm lãi suất điều hành của NHNN, mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm khá nhanh.
Đơn cử, BIDV vừa công bố triển khai gói tín dụng cho vay khách hàng cá nhân phục vụ mục đích sản xuất kinh doanh với các khoản vay có kỳ hạn dưới 6 tháng lãi suất vay chỉ từ 6,8%/năm và mức lãi suất từ 7,8%/năm đối với các khoản vay từ 6 tháng đến 12 tháng.
Ngoài ra, BIDV còn có gói cho vay trung dài hạn phục vụ nhu cầu đời sống 100.000 tỷ đồng với lãi suất từ 8,5%. Khách hàng vay tín chấp phục vụ nhu cầu đời sống lãi suất chỉ từ 8,2%/năm, riêng với khách hàng là cán bộ công tác trong ngành y tế/giáo dục được hưởng ưu đãi lãi suất từ 8%/năm. Đặc biệt, BIDV áp dụng mức lãi suất cho vay chỉ 6,5% đối với khách hàng sản xuất kinh doanh lĩnh vực xanh…
Đại diện BIDV cho biết, trong 6 tháng đầu năm, ngân hàng này điều chỉnh giảm sàn lãi suất cho vay 4 lần với mức giảm từ 1,1-1,3%/năm; đồng thời có nhiều gói tín dụng ngắn hạn, trung dài hạn với lãi suất ưu đãi từ 0,5-2%/năm, quy mô lên tới 253 nghìn tỷ đồng nhằm hỗ trợ khách hàng phục hồi sản xuất kinh doanh.
Tương tự, Vietcombank mới đưa ra gói tín dụng quy mô 55.000 tỷ đồng cho doanh nghiệp bán lẻ vay bổ sung vốn lưu động với lãi suất từ 6,3%/năm kỳ hạn dưới 12 tháng. Cá nhân vay sản xuất kinh doanh ngắn hạn được áp dụng lãi suất từ 6,5%/năm đối với khoản vay dưới 6 tháng. Ngân hàng này còn áp dụng mức lãi suất cho vay chỉ 6,5% đối với khách hàng sản xuất kinh doanh ở lĩnh vực xanh…
Cùng xu hướng, từ đầu năm đến nay, Agribank đã có 7 đợt giảm lãi suất cho vay và triển khai nhiều chương trình tín dụng ưu đãi cho khách hàng doanh nghiệp, khách hàng cá nhân vay tiêu dùng. Lãi suất cho vay của Agribank thời điểm này đã giảm từ 2-4 điểm % so với đầu năm. Hiện lãi suất cho vay ngắn hạn của Agribank chỉ từ 5%/năm, lãi suất cho vay trung dài hạn chỉ từ 8%/năm.
Nhiều "ông lớn" ngân hàng khác như VPBank, Techcombank, MBBank... cũng công bố các mức giảm lãi suất cho vay từ 0,5-1%/năm.
Việc các ngân hàng lớn giảm lãi suất cho vay cũng tạo áp lực cho các ngân hàng thương mại nhỏ trong cuộc đua giảm lãi suất. Các ngân hàng sẽ phải tính toán kỹ hơn nữa để giảm chi phí hoạt động, hạ tiếp lãi suất cho vay nhằm cạnh tranh được trong bối cảnh cầu tín dụng vẫn đang thấp.
Nhiều ngân hàng thương mại nhỏ đã tham gia vào cuộc đua giảm lãi suất cho vay.
Điển hình, MSB vừa giảm thêm 1% lãi suất cho vay với khách hàng doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV). Cùng với đó, MSB cũng triển khai các gói tín dụng ưu đãi lên đến 10.000 tỷ đồng cho các DNNVV tiềm năng thuộc lĩnh vực ưu tiên như xuất nhập khẩu, thương mại, sản xuất và xây dựng.
SHB cũng tung ra 5.000 tỷ đồng để hỗ trợ các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực ưu tiên như nông lâm nghiệp, thủy sản, xuất khẩu, sản xuất kinh doanh ứng dụng công nghệ cao, với lãi suất từ 8,97%/năm. Ngân hàng này còn dành riêng gói tín dụng 1.000 tỷ đồng cho doanh nghiệp có nhu cầu vay mua ô tô với thời gian vay từ 36 tháng trở lên; lãi suất cho vay từ 9%/năm trong 6 tháng đầu hoặc từ 10,8%/năm trong 12 tháng.
Không chỉ giảm lãi suất cho vay, các ngân hàng còn phân nhóm khách hàng để thiết kế “may đo” những sản phẩm chuyên biệt, phù hợp nhất cho từng nhóm khách hàng chuyên biệt, như quy trình cấp tín dụng đặc thù đối với doanh nghiệp siêu nhỏ; các sản phẩm tín dụng theo lĩnh vực, phù hợp với đặc điểm ngành kèm theo cơ chế cạnh tranh để thúc đẩy phát triển tín dụng ngành.