Ngân hàng cấp tập phát hành trái phiếu: Tranh thủ hút vốn dài hạn giá rẻ
Nhiều ngân hàng mạnh tay phát hành trái phiếu nhằm bổ sung nguồn vốn và đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn theo quy định.
Huy động hàng trăm nghìn tỷ
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) ấm dần trở lại với nhiều đợt phát hành thành công từ đầu năm 2024, trong đó ngành ngân hàng đã góp công lớn khi mạnh tay phát hành trái phiếu.
Hiệp hội thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) cho hay, trong tháng 7 vừa qua, có 33 đợt phát hành TPDN riêng lẻ trị giá 31.387 tỷ đồng và 1 đợt phát hành ra công chúng trị giá 395 tỷ đồng, nâng số đợt phát hành lũy kế 7 tháng lên 175 đợt riêng lẻ với tổng giá trị 168.433 tỷ đồng và 12 đợt phát hành ra công chúng trị giá 14.586 tỷ đồng. Tổng số TPDN đã phát hành qua 7 tháng là 183.019 tỷ đồng, gấp 2,3 lần so với cùng kỳ năm 2023.
Trong đó, nhóm ngân hàng tiếp tục dẫn đầu với lượng phát hành vượt trội so với các ngành khác. Trong 7 tháng đầu năm nay, các ngân hàng phát hành tới 67,5% tổng giá trị TPDN, tương đương gần 123.000 tỷ đồng. Trong khi đó, nhóm bất động sản đứng thứ 2 chỉ phát hành chỉ xấp xỉ gần 39.350 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng gần 22%.
Riêng trong tháng 7, một số ngân hàng đã phát hành thành công lượng TPDN đáng kể như: MBBank 10.395 tỷ đồng; Vietinbank 4.950 tỷ đồng; SHB 3.000 tỷ; VIB 2.000 tỷ đồng…
Một số ngân hàng phát hành TPDN giá trị lớn nhất từ đầu năm đến nay gồm: Techcombank (17.000 tỷ đồng), ACB (12.700 tỷ đồng), MBBank (8.900 tỷ đồng),... Lãi suất các ngân hàng phát hành phổ biến từ 5,5 - 6,5%/năm tùy kỳ hạn. Lãi suất trái phiếu công chúng của Agribank gần 7%/năm.
Báo cáo thị trường trái phiếu quý II được Công ty CP Chứng khoán VNDirect công bố cho thấy sự phục hồi của hoạt động phát hành TPDN riêng lẻ trong quý II đến từ sự gia tăng phát hành trở lại của nhóm ngân hàng. Cụ thể, trong quý II, nhóm này đã phát hành 85.037 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, chiếm 72,8% tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ phát hành.
LPBank dự kiến phát hành tối đa 12 đợt trái phiếu, tổng giá trị 6.000 tỷ đồng để tăng vốn cấp 2 và cho vay khách hàng. BIDV đã thông qua phương án phát hành trái phiếu riêng lẻ trong năm với tổng giá trị tối đa 3.000 tỷ đồng. Vietinbank dự kiến có 2 đợt phát hành trái phiếu ra công chúng, với giá trị tối đa 8.000 tỷ đồng.
Hội đồng quản trị ACB đã thông qua phương án phát hành trái phiếu riêng lẻ lần 2 trong năm tài chính 2024 với tổng quy mô tối đa 15.000 tỷ đồng. Trước đó, ngân hàng này đã phát hành thành công 8 lô trái phiếu với tổng giá trị gần 23.700 tỷ đồng trong chưa đầy 2 tháng.
Ngân hàng Bản Việt (BVBank) dự kiến có 6 đợt phát hành với tổng cộng 56 triệu trái phiếu. Trong đó, đợt 1 chào bán 15 triệu trái phiếu, thời hạn 6 năm với lãi suất năm đầu tiên cố định 7,9%/năm.
Ở chiều ngược lại, thị trường cũng chứng kiến nhóm ngân hàng tích cực mua lại trước hạn các trái phiếu, nhằm tái cấu trúc kỳ hạn cho nguồn vốn huy động dài hạn này. Những trái phiếu được nhóm ngân hàng mua lại trước hạn đa phần là những trái phiếu có thời gian đáo hạn còn lại dưới 1 năm.
Các nhà băng đã mua lại nhiều nhất TPDN riêng lẻ trước hạn trong quý II là Techcombank (hơn 10.900 tỷ đồng), MB (hơn 9.600 tỷ đồng), OCB (4.900 tỷ đồng).
Vì sao các ngân hàng gia tăng phát hành trái phiếu?
Lý giải việc các ngân hàng gia tăng phát hành trái phiếu riêng lẻ, các chuyên gia phân tích cho biết, đây là hoạt động với mục đích tăng tỷ lệ vốn huy động trung và dài hạn nhằm đảm bảo đủ tỷ lệ tối đa vốn huy động ngắn hạn cho vay trung và dài hạn theo quy định.
Các ngân hàng tăng cường phát hành trái phiếu dài hạn để bổ sung nguồn vốn và an toàn vốn nhằm tuân thủ các quy định về tỷ lệ an toàn hoạt động. Tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn của các tổ chức tín dụng đang ở mức 28,8%, khá sát so với giới hạn 30% theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước.
Ngoài ra, trong bối cảnh nợ xấu tiếp tục gia tăng, ảnh hưởng lên các tỷ lệ an toàn, việc tăng cường bộ đệm nguồn vốn trung dài hạn càng trở nên cấp thiết.
Mặt khác, việc này nhằm cân đối lại nguồn vốn phục vụ nhu cầu tín dụng dịp cuối năm.
Công ty CP Xếp hạng Tín nhiệm Đầu tư Việt Nam (VIS Rating) cho biết trong 5 năm qua, các ngân hàng Việt Nam ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào nguồn vốn thị trường để đáp ứng nhu cầu vốn dài hạn và đảm bảo các yêu cầu về an toàn vốn cho tăng trưởng kinh doanh trong bối cảnh tăng trưởng tiền gửi chậm lại.
VIS Rating dự báo trong 1-3 năm tới, các ngân hàng sẽ cần 283.000 tỷ đồng trái phiếu tăng vốn cấp 2 để hỗ trợ nguồn vốn nội bộ và duy trì tỷ lệ an toàn vốn.
Các ngân hàng sẽ đẩy mạnh phát hành trái phiếu tăng vốn cấp 2 ra công chúng nhiều hơn để có thể khai thác nhu cầu mạnh mẽ của nhà đầu tư cá nhân, vì các tổ chức phát hành sẽ không còn được phát hành riêng lẻ cho các nhà đầu tư cá nhân không phải là nhà đầu tư chuyên nghiệp.
Trái phiếu ngân hàng được đánh giá an toàn hơn so với các ngành nghề khác, với lãi suất dài hạn 3-5 năm ổn định ở mức 5-6%. Đồng thời, trái phiếu ngân hàng cũng thu hút đầu tư dài hạn nhờ lãi suất cạnh tranh và thanh khoản cao hơn so với TPDN.
TS. Võ Đại Lược - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế và chính trị thế giới - nhìn nhận, so với các ngành nghề khác thì trái phiếu của các ngân hàng có mức độ an toàn khá cao. Việc trái phiếu dài hạn 3-5 năm của các ngân hàng phát hành trên thị trường có lãi suất từ 5-6% cho thấy các ngân hàng đang giữ một mặt bằng lãi suất thấp ổn định trong dài hạn.