Ngân hàng hút cổ đông ngoại: Tìm thêm lợi thế để nâng cấp chính mình
Thời gian gần đây, hàng loạt ngân hàng đã nhận về khoản tiền hàng nghìn tỷ đồng nhờ các hợp đồng bán vốn cho đối tác ngoại. Câu chuyện tỷ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài (room ngoại) lại trở thành vấn đề nóng của thị trường. Điều này càng trở nên quan trọng khi nguồn huy động vốn trong nước không đủ dồi dào để gia tăng vốn chủ sở hữu cho ngân hàng, đáp ứng các chỉ tiêu an toàn ngày càng gấp gáp.
Room ngoại và các thương vụ “khủng”
Thương vụ “dậy sóng” trong 3 tháng đầu năm 2023 là VPBank ký kết thỏa thuận phát hành riêng lẻ 15% vốn điều lệ cho Ngân hàng Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC) thuộc tập đoàn tài chính SMFG của Nhật Bản. Thỏa thuận này đưa SMBC Group trở thành nhà đầu tư chiến lược của VPBank, đồng thời VPBank sẽ thu về 35.900 tỷ đồng vốn cấp 1, nâng tổng vốn chủ sở hữu của VPBank từ 103.500 tỷ đồng lên xấp xỉ 140.000 tỷ đồng, trở thành ngân hàng có vốn chủ sở hữu lớn thứ 2 tại Việt Nam.
Đây là thương vụ có giá trị kỷ lục trong lĩnh vực tài chính tại Việt Nam từ trước tới nay, phá vỡ kỷ lục mà chính VPBank tạo ra trước đó khi bán 49% vốn Công ty tài chính FE Credit với giá trị gần 1,4 tỷ USD.
Ông Jun Ohta, Giám đốc điều hành SMBC khẳng định, Việt Nam là thị trường rất quan trọng trong chiến lược phát triển của ngân hàng này. “Mặc dù thế giới đang có nhiều bất ổn, song chúng tôi tin tưởng vào sự phát triển của Việt Nam. SMBC cam kết sẽ hỗ trợ toàn diện để VPBank”, đại diện SMBC cho biết.
Mới đây, Reuters dẫn nguồn tin cho biết, Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (SHB) đang trong quá trình đàm phán bán 20% vốn cho nhà đầu tư nước ngoài. Một số nhà đầu tư Hàn Quốc và Nhật Bản đã tiếp cận SHB trong thương vụ này, với định giá ngân hàng có thể đạt mức 2-2,2 tỷ USD. Thỏa thuận này dự kiến được hoàn tất trong năm nay hoặc đầu năm 2024. SHB hiện là ngân hàng tư nhân lớn hiếm hoi còn trống nhiều room ngoại (tỷ lệ sở hữu nước ngoại chỉ ở mức 6,4%).
Trong khi đó, theo DealStreetAsia - Singapore, ngày 11/7, Ngân hàng số Việt Nam Timo đã gọi vốn thành công 10 triệu USD từ các nhà đầu tư từng tham gia rót vốn tại các vòng gọi vốn trước đó. Trước đó, chuyên trang theo dõi dữ liệu startup CrunchBase cho biết, tính đến trước vòng gọi vốn mới nhất, Timo đã gọi vốn thành công 20 triệu USD thông qua vòng gọi vốn Venture Round năm 2022.
Đầu tháng 7/2023, HĐQT Ngân hàng SeABank đã phê duyệt kế hoạch chào bán riêng lẻ gần 95 triệu cổ phiếu, tương ứng 4,63% số cổ phần hiện có và hơn 3,7% sau khi hoàn thành phát hành, cho Quỹ đầu tư Chính phủ Na Uy. Việc phát hành này được dự đoán mang về cho SeABank ít nhất 1.200 tỷ đồng.
Có phần tương tự, HĐQT LPBank thông qua kế hoạch phát hành riêng lẻ 300 triệu cổ phiếu tương đương 3.000 tỷ đồng mệnh giá cho nhà đầu tư nước ngoài, nâng tỷ lệ sở hữu tối đa của nhà đầu tư nước ngoài lên 15,5%. Còn lãnh đạo Sacombank cũng từng tiết lộ sau khi hoàn thành tái cơ cấu, xử lý nợ xấu trong năm 2023, nhà băng này dự kiến bán 32,5% vốn cổ phần cho 2 đối tác ngoại. Ngoài các cổ phần tư nhân, ngân hàng gốc quốc doanh cũng đang lên kế hoạch bán vốn cho cổ đông ngoại với giá trị ước tính lên tới hàng tỷ USD. Đáng lưu ý là trường hợp của Vietcombank và BIDV.
Vietcombank đang lên kế hoạch phát hành riêng lẻ 6,5% cho nhà đầu tư tài chính nước ngoài, số lượng cổ phiếu phát hành là 307,6 triệu cổ phiếu, thực hiện trong năm 2023-2024. Còn BIDV có kế hoạch chào bán riêng lẻ 9% vốn (455,3 triệu cổ phiếu) ngay trong năm nay.
Theo khảo sát, đến nay, một số ngân hàng đã kín hoặc gần kín tỷ lệ sở hữu vốn ngoại là: ACB, MSB, TPBank…Bên cạnh đó, nhiều ngân hàng vẫn còn nguyên 100% room ngoại hoặc tỷ lệ sở hữu nước ngoài rất thấp như SeABank, Bac A Bank, VietCapital Bank, KienLongBank, PG Bank, VietABank, VietBank…
Nguyên nhân là nhiều ngân hàng chủ động khoá room ngoại để chờ đối tác chiến lược. Chẳng hạn, SeABank đã khóa room ngoại ở mức rất thấp 5% để giữ chỗ cho đối tác chiến lược. Trong khi đó, mặc dù mở room ngoại ở mức tối đa 30% vốn điều lệ, song tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại NCB chỉ là 8,87% vốn điều lệ. Với Eximbank, sau khi Sumitomo Mitsui Banking Corporation thoái vốn, tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại nhà băng này tính ra chỉ là 8,21% vốn điều lệ.
Lý giải về việc ngân hàng khóa room nhà đầu tư nước ngoài, một chuyên gia cho rằng: “Có thể là do ngân hàng chống thâu tóm nhưng quan trọng hơn là họ muốn tìm nhà đầu tư nước ngoài có phong cách quản trị, mô hình kinh doanh phù hợp. Bán lô sỉ luôn có lợi thế hơn so với bán lô lẻ.”
Tìm thêm lợi thế để cạnh tranh
Trong các chỉ số sức khỏe tài chính của hệ thống ngân hàng Việt Nam thì hệ số an toàn vốn (CAR) thấp hơn nhiều so với khu vực. “Mỏng vốn” nên các ngân hàng liên tục tìm cách tăng vốn trong thời gian qua nhưng với tình hình kinh tế hiện nay là không dễ dàng. Trong bối cảnh đó, nguồn vốn ngoại sẽ là nguồn lực quý giá cho các ngân hàng, bao gồm cả nguồn vốn đầu tư trực tiếp (mua cổ phần) lẫn vốn vay.
Ông Phạm Thiên Quang, Giám đốc Khối Quản lý tài sản VNDirect nhận định, huy động vốn từ các tổ chức tài chính quốc tế ngày càng đóng vai trò quan trọng với các ngân hàng. Việc SMBC chi 1,5 tỷ USD mua 15% cổ phần VPBank cho thấy ngân hàng Việt Nam vẫn hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư lớn.
Đại diện VPBank cho hay, việc có thêm gần 36.000 tỷ đồng từ thương vụ bán vốn sẽ giúp ngân hàng mở rộng phạm vi kinh doanh, tăng cường bộ đệm vốn, hiện thực hóa các tham vọng. Đây là lý do năm nay, VPBank nằm trong số ít ngân hàng đặt mục tiêu tăng trưởng cao: Dư nợ tín dụng tăng 35%, huy động vốn tăng 36%, lợi nhuận trước thuế tăng 31%...
Tuy nhiên, lãnh đạo một ngân hàng thương mại cho biết mặc dù mức độ quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài đến ngân hàng trong nước là rất lớn, nhưng nhiều ngân hàng đã cạn room hoặc tỷ lệ room thấp khiến nhà đầu tư không còn mặn mà. Do đó, vấn đề nới room ngoại đã và đang được không ít ngân hàng và chuyên gia đề xuất.
Mới đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đề xuất Chính phủ xem xét quyết định cho các ngân hàng thương mại cổ phần nhận chuyển giao bắt buộc ngân hàng yếu kém được mở “room” ngoại lên đến 49% thay vì 30% như hiện nay, dấy lên hy vọng về cơ hội ngân hàng nội huy động thêm được vốn ngoại.
Tuy nhiên, theo NHNN, hiện nay không nên mở rộng với tất cả mà chỉ nên mở rộng và khuyến khích nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào các tổ chức tín dụng yếu kém và nhận chuyển giao.
NHNN cũng chỉ ra rằng, khoảng 5 năm trở lại đây, đã có hiện tượng một số ngân hàng nước ngoài (chủ yếu từ châu Âu) dần rút vốn đầu tư ra khỏi ngân hàng trong nước, chuyển nhượng cổ phần cho nhà đầu tư trong nước hoặc các ngân hàng châu Á từ Hàn Quốc, Singapore, Nhật Bản. Việc nhà đầu tư nước ngoài thoái vốn hoặc chuyển các khoản đầu tư của họ cho cổ đông khác đồng nghĩa với việc ngân hàng có thể mất đi phần lợi ích từ nhóm khách hàng do nhà đầu tư nước ngoài mang lại (nhóm khách hàng có thể chuyển sang dịch vụ của những tổ chức khác có quan hệ với nhà đầu tư hoặc với tổ chức tín dụng do nhà đầu tư nước ngoài thành lập/tham gia góp vốn). Hơn nữa, quy định về room ngoại bị hạn chế còn do phải đáp ứng yêu cầu của các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đang là thành viên.
Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng, nhà đầu tư nước ngoài bỏ vốn vào ngân hàng Việt là điều tốt cho các nhà băng nội. Việc tham gia của nhà đầu tư nước ngoài đã mang lại những thay đổi tích cực về tài chính, công nghệ, quản trị và điều hành tại các tổ chức tín dụng theo hướng tiếp cận gần hơn với các thông lệ, chuẩn mực quốc tế. Vì vậy, nâng giới hạn sở hữu nước ngoài trong các ngân hàng là cần thiết.
Nhiều chuyên gia chung nhận định, khi được tăng room, ngân hàng sẽ có điều kiện dễ dàng huy động vốn nước ngoài, giúp cải thiện bộ đệm an toàn vốn, giảm thiểu rủi ro hoạt động, cũng như tăng cường chỉ tiêu an toàn vốn.