Ngân hàng: Người thắng lớn, kẻ thua đau trong kinh doanh ngoại hối

Trong khi một số ngân hàng báo lãi lớn từ kinh doanh ngoại hối thì vẫn có trường hợp ghi nhận kinh doanh ngoại hối bị lỗ hoặc giảm trong 9 tháng đầu năm 2020.

Thu nhập từ hoạt động kinh doanh ngoại hối của các tổ chức tín dụng thường gồm: thu từ kinh doanh ngoại tệ giao ngay, thu từ kinh doanh vàng và thu từ các công cụ tài chính phái sinh tiền tệ. Riêng mục thu từ kinh doanh vàng chỉ xuất hiện ở các tổ chức được cấp phép kinh doanh vàng miếng như Sacombank, ACB, SCB, MB, VPBank…, không có ở Vietcombank do Vietcombank không có phép kinh doanh vàng miếng.

Tính đến ngày 30/10, đã có khoảng 25 ngân hàng công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2020. Theo đó, hơn một nửa ngân hàng ghi nhận lãi lớn từ kinh doanh ngoại hối và vàng, mức tăng trưởng thậm chí tính bằng lần.

Nguồn: Tác giả tổng hợp từ BCTC các ngân hàng.
Nguồn: Tác giả tổng hợp từ BCTC các ngân hàng.

Đầu tiên phải kể tới “ông lớn” Vietcombank ghi nhận gần 2.963 tỷ đồng lãi thuần từ kinh doanh ngoại hối trong 9 tháng đầu năm, riêng quý 3/2020 đóng góp 1.034 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 17% và 14% so với cùng kỳ năm trước.

Hay tại BIDV, quý 3/2020 ghi nhận lãi thuần từ hoạt động kinh doanh ngoại hối tăng 28% so với cùng kỳ, đạt 437,5 tỷ đồng, lũy kế 9 tháng đầu năm tăng 16% đạt gần 1.254 tỷ đồng.

Hay tại MB, mặc dù trong quý 3/2020 ghi nhận lãi thuần từ hoạt động kinh doanh ngoại hối giảm nhẹ 5% ở mức hơn 177 tỷ đồng nhưng tính chung 9 tháng đầu năm, MB ghi nhận mức tăng trưởng 10% đạt 518 tỷ đồng.

Tại các ngân hàng quy mô nhỏ hơn cũng báo lãi lớn từ kinh doanh ngoại hối.

Điển hình tại MSB lãi từ kinh doanh ngoại hối 9 tháng đầu năm tăng vọt 133% so với cùng kỳ, đạt 227 tỷ đồng. Hay tại ABBank, quý 3/2020 lãi từ kinh doanh ngoại hối tăng 51% lên gần 108 tỷ đồng, tính chung 9 tháng đầu năm tăng 147% đạt 342 tỷ đồng.

Quý 3/2020, SHB cũng ghi nhận lãi từ kinh doanh ngoại hối tăng 117% lên 56 tỷ đồng. Tính chung 9 tháng đầu năm 2020, tăng gấp 2,3 lần với 131 tỷ đồng.

Ngoài ra, 9 tháng đầu năm, lãi từ kinh doanh ngoại hối tại TPBank tăng gấp 4,7 lần so với cùng kỳ, ghi nhận 142 tỷ đồng; Saigonbank tăng gấp 2,75 lần, ghi nhận gần 23 tỷ đồng; ACB tăng 68% đạt 488 tỷ đồng,…

Bên cạnh đó, vẫn có những ngân hàng ghi nhận hoạt động kinh doanh ngoại hối bị lỗ hoặc giảm trong 9 tháng đầu năm 2020. Chẳng hạn VIB lỗ gần 7 tỷ đồng; Techcombank lỗ gần 13 tỷ đồng; OCB giảm 17%, ở mức 65 tỷ đồng, tuy nhiên riêng quý 3/2020, lãi từ kinh doanh ngoại hối tại OCB tăng gấp 4,7 lần so với cùng kỳ, đạt 39 tỷ đồng,…

Thực tế, 9 tháng đầu năm 2020, giá vàng liên tục có nhiều đợt biến động và tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2019, có thời điểm giá vàng vượt mức 62 triệu đồng/lượng, tăng khoảng 50% so với đầu năm đã mang đến cơ hội vàng gia tăng lợi nhuận cho các ngân hàng được phép kinh doanh vàng miếng. Bởi thị trường vàng càng sôi động, giá vàng càng biến động các tổ chức kinh doanh vàng càng lãi lớn.

Diễn biến giá vàng từ đầu năm 2020
Diễn biến giá vàng từ đầu năm 2020

Bên cạnh đó, chênh lệch giá mua - bán USD trong 9 tháng đầu năm 2020 đã giúp các ngân hàng ghi nhận lãi lớn từ kinh doanh ngoại hối.

Cụ thể, trong 9 tháng đầu năm, chệnh lệch giá mua – bán USD  tại các ngân hàng khá rộng 160-220 đồng/USD, cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2019 chỉ ở mức 100 – 120 đồng/USD. Hơn nữa, chênh lệch giá mua vào USD của các ngân hàng và giá bán USD của các ngân hàng cho Ngân hàng Nhà nước (tỷ giá Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước) khoảng 25 – 85 đồng/USD.

Đáng chú ý, trong 9 tháng đầu năm, NHNN đã mua vào khoảng 12-13 tỷ USD để tăng dự trữ ngoại hối lên mức 92 tỷ USD. Khối lượng ngoại tệ Ngân hàng Nhà nước mua vào trong 9 tháng đầu năm 2020 ước tính bằng khối lượng mua vào cả năm 2019. Vì vậy, đây là một trong những yếu tố giúp các ngân hàng báo lãi lớn từ kinh doanh ngoại hối.

Hà Phương (T/H)

Theo Sở hữu trí tuệ