Ngân hàng Nhà nước chia lại “room” tín dụng

Mới đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa có thông báo mức tăng trưởng tăng thêm cho các tổ chức tín dụng theo các nguyên tắc và tiêu chí cụ thể. Theo đó, một số ngân hàng có thể được hưởng lợi lớn.

Theo báo cáo tài chính quý III/2023, tính tới cuối quý III/2023, nhiều ngân hàng vẫn có mức tăng trưởng tín dụng khá tốt. Cụ thể, VPBank tăng tín dụng hơn 19%, MSB tăng 17,1%, MB tăng 16,4%, Techcombank tăng 13,1%, LPBank tăng 11,9%,  TPBank 11,7%... Như vậy, chiểu theo room tín dụng được cấp tháng 7/2023, nhiều ngân hàng đã sử dụng gần hết hạn mức của cả năm chỉ sau 3 quý.

Ngân hàng Nhà nước chia lại “room” tín dụng - Ảnh 1

Theo báo cáo tài chính riêng lẻ quý III/2023, đến cuối tháng 9/2023, cho vay khách hàng của ngân hàng MSB đạt 140,4 nghìn tỷ đồng, tăng 18,2% so với đầu năm. Trong khi đó, con số này tại Techcombank là gần 462,8 nghìn tỷ đồng, tăng 12,4%; tại OCB là gần 131,5 nghìn tỷ đồng, tăng 9,7% so với đầu năm.

Đáng chú ý, tại ngân hàng mẹ VPBank, báo cáo cho thấy, đến cuối quý III/2023, dư nợ cho vay đã đạt hơn 454 nghìn tỷ đồng, tăng 25,5% so với đầu năm. Đây cũng là nhà băng ghi nhận mức tăng trưởng tín dụng cao nhất hệ thống trong 9 tháng đầu năm.

Các chuyên gia đánh giá việc nới room tín dụng của NHNN là động thái cần thiết phải làm ngay để giải quyết vấn đề thanh khoản của cả ngân hàng và nền kinh tế trong giai đoạn cuối năm, đồng thời đáp ứng nhu cầu vốn để thực hiện kế hoạch phục hồi kinh tế - xã hội.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Công điện về điều hành tăng trưởng tín dụng những tháng cuối năm 2023. Công điện yêu cầu NHNN rút kinh nghiệm việc điều hành tăng trưởng tín dụng chậm năm 2022, khẩn trương rà soát toàn diện kết quả cấp tín dụng của hệ thống các tổ chức tín dụng đối với nền kinh tế, từng ngành, từng lĩnh vực;

Kết quả cấp tín dụng của từng tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại đến thời điểm hiện tại, để theo thẩm quyền và quy định của pháp luật có biện pháp điều hành tăng trưởng tín dụng năm 2023 kịp thời, hiệu quả, khả thi, bảo đảm cung cấp đủ vốn tín dụng phục vụ nền kinh tế và an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng, tuyệt đối không để tắc nghẽn, ách tắc, chậm trễ, không đúng thời điểm.

Theo một chuyên gia kinh tế, về bản chất việc điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng ở một số ngân hàng không làm thay đổi mục tiêu chung của toàn ngành. Bởi, NHNN điều chỉnh từ nhà băng mới sử dụng chưa đến một nửa chỉ tiêu được cấp sang ngân hàng đã gần hết room. Cách điều hành linh hoạt này sẽ giúp dòng vốn được khơi thông, góp phần giúp doanh nghiệp hoạt động trở lại trong giai đoạn cuối năm nay.

Dưới góc độ của người làm kinh doanh, một số doanh nghiệp bất động sản chia sẻ, việc nới hạn mức tín dụng chỉ có ý nghĩa với các doanh nghiệp đang có gói vay và cần huy động tài chính, nhưng với doanh nghiệp vay mới, đang chuẩn bị thủ tục thì thời gian còn lại một tháng từ nay đến cuối năm là không đủ để giải ngân. Chưa kể, lãi suất cho vay 4-5% chỉ áp dụng cho một số lĩnh vực sản xuất, kỳ hạn ngắn, còn đối với lĩnh vực cho vay bất động sản thì lãi suất vẫn còn cao. Các doanh nghiệp kiến nghị ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất để có thể tiếp cận nguồn vốn rẻ hơn.

Thiện Phúc

Theo Chất lượng và cuộc sống