Ngân hàng Nhà nước ngưng phát hành tín phiếu
Trên kênh thị trường mở, NHNN thực hiện đấu thầu lãi suất tín phiếu NHNN với kỳ hạn 28 ngày ở 3 phiên đầu tuần và tạm dừng trong 2 phiên giao dịch cuối tuần.
Tổng khối lượng tín phiếu phát hành trong tuần trước giảm về 15 ngàn tỷ đồng, ở lãi suất trung bình là 1,2% (giảm 30 điểm cơ bản so với cuối tuần trước đó). Trong khi đó, với 65 ngàn tỷ đồng đáo hạn, tổng khối lượng tín phiếu đang lưu hành trên thị trường giảm mạnh về mức 154,65 ngàn tỷ đồng (từ mức 204,65 ngàn tỷ đồng).
Đối với lãi suất liên ngân hàng, lãi suất kỳ hạn qua đêm tiếp tục hạ nhiệt và kết tuần ở mức 0,74% - giảm 20 điểm cơ bản so với tuần trước đó. Chênh lệch giữa lãi suất VND-USD kỳ hạn qua đêm qua duy trì ở mức trên -400 điểm cơ bản.
Từ cuối tháng 9, dưới diễn biến bất lợi từ đồng USD quốc tế và để giảm áp lực lên tỷ giá, Ngân hàng Nhà nước đã phát hành lượng lớn tín phiếu ra thị trường nhằm điều tiết lãi suất trên thị trường 2 lên mức hợp lý hơn, giảm tình trạng đầu cơ chênh lệch lãi suất.
Áp lực lên tỷ giá đã phần nào được hạ nhiệt kể từ đầu tháng 11, khi chỉ số DXY đã đảo chiều giảm nhẹ (giảm -0,8% so với cuối tháng 10) hay các đồng tiền là quốc gia có đối tác thương mại lớn với Việt Nam cũng đã lên giá đáng kể (như KRW tăng 2,5%, EUR tăng 0,93% hay THB tăng 0,82%).
Do vậy, động thái ngưng phát hành tín phiếu của Ngân hàng Nhà nước một mặt xuất phát từ nguyên nhân trên và một mặt đến từ nhu cầu từ ngân hàng thương mại trên kênh tín phiếu sẽ giảm trong bối cạnh các ngân hàng thương mại cần phải chuẩn bị thanh khoản cho mùa cao điểm tín dụng vào cuối năm.
Trung tâm Phân tích và Tư vấn Đầu tư CTCP Chứng khoán SSI (SSI Research) rủi ro về tỷ giá vẫn còn hiện hữu khi chênh lệch lãi suất vẫn ở mức lớn và nhiều khả năng Ngân hàng Nhà nước sẽ linh hoạt sử dụng kênh tín phiếu (có thể với các kỳ hạn ngắn hơn) nếu cần thiết...
Tỷ giá USDVND hạ nhiệt
Trong tuần trước, tâm điểm chú ý đến từ phát biểu thận trọng của Chủ tịch Cục Dữ trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) và nhấn mạnh quan điểm của FED trong kỳ họp tháng 11 vừa rồi, cho thấy mục tiêu lớn nhất vẫn là đưa lạm phát về mức 2%.
Trong giai đoạn đó, việc điều hành chính sách tiền tệ theo hướng thận trọng và tránh nguy cơ nới lỏng trở lại quá sớm hoặc thắt chặt quá mức.
Về số liệu kinh tế, chỉ số niềm tin tiêu dùng tại Mỹ do Đại học Michigan khảo sát được ở mức 60,4 điểm trong tháng 11, giảm xuống từ 63,8 điểm của tháng 10 và đồng thời thấp hơn mức 63,7 điểm theo dự báo. Trong tuần này, thông tin về chỉ báo lạm phát CPI của Mỹ là tâm điểm đáng chú ý nhất.
Tính đến cuối ngày 10/11, công cụ dự báo lãi suất của CME cho thấy thị trường đang định giá 90% là FED sẽ giữ nguyên lãi suất cho kỳ họp tháng 12.
Về biến động của đồng USD (thông qua chỉ số DXY), DXY dao động trong biên độ hẹp quanh vùng 105-106 điểm nhưng có xu hướng tăng dần và các đồng tiền chủ chốt đều giảm giá so với USD như JPY -1,43%, GBP -1,24%, EUR -0,42%.
Đối với các đồng tiền trong khu vực, KRW tiếp tục ghi nhận tăng giá tuần thứ 2 liên tiếp (+0,39%) trong khi các đồng tiền khác đều giảm giá so với USD.
Trên thị trường trong nước, diễn biến tỷ giá USDVND tích cực hơn khi tăng giá tương đối mạnh so với USD. Tỷ giá liên ngân hàng kết tuần ở vùng VND 24.325 - tương đương với mức tăng giá của VND gần 1% trong vòng 1 tuần.
Tương tự, tỷ giá niêm yết của VCB đóng cửa hạ nhiệt nhanh chóng, về mức VND 24.100-24.470 - giảm 270 đồng so với cuối tuần trước đó. Tỷ giá trên thị trường tự do biến động ít hơn, khi chi giảm 50 đồng cho cả 2 chiều mua và bán.