Ngân hàng Nhà nước giảm phát hành tín phiếu
Chí có 4/10 thành viên tham gia trúng thầu với tổng khối lượng là gần 5.000 tỷ đồng, lãi suất 1% trong phiên chào bán tín phiếu 28 ngày theo cơ chế đấu thầu lãi suất.
Cụ thể, trong phiên 9/10, NHNN tiếp tục chào bán tín phiếu 28 ngày theo cơ chế đấu thầu lãi suất.
Kết quả chỉ có 4/10 thành viên tham gia trúng thầu với tổng khối lượng là gần 5.000 tỷ đồng, lãi suất 1%.
Đây cũng là phiên có khối lượng tín phiếu trúng thầu thấp thứ 2 kể từ đầu đợt phát hành (chỉ cao hơn ngày 29/9 – phiên giao dịch chốt sổ cuối quý III)Như vậy Ngân hàng Nhà nước đã có 13 phiên liên tiếp phát hành tín phiếu và hút ra khỏi hệ thống tổng cộng gần 145.700 tỷ đồng.
Theo các chuyên gia kinh tế, động thái phát hành tín phiếu của Ngân hàng Nhà nước nhằm điều chỉnh thanh khoản trong hệ thống trong ngắn hạn và từ đó kỳ vọng sẽ đẩy mặt bằng lãi suất liên ngân hàng VND, giúp làm giảm mức chênh lệch lãi suất giữa đồng USD và VND, qua đó gián tiếp hỗ trợ tỷ giá.
Ông Nguyễn Minh Tuấn - CEO Công ty AFA Capital cho biết, mục tiêu phát hành tín phiếu của Ngân hàng Nhà nước trên thị trường mở thông thường nhằm điều tiết lãi suất thị trường liên ngân hàng. Đồng thời, việc phát hành tín phiếu cũng có tác dụng rút bớt tiền từ các ngân hàng thương mại về Ngân hàng Nhà nước. Hiện nay, bối cảnh chung cho thấy dòng tiền đang đang khá dồi dào trong hệ thống ngân hàng, nhưng lại chưa đưa ra được nền kinh tế.
Sau hàng loạt động thái phát hành tín phiếu thời gian gần đây của Ngân hàng Nhà nước, tỷ giá đã có dấu hiệu hạ nhiệt. Tỷ giá trung tâm giữa đồng Việt Nam (VND) và đô la Mỹ (USD) hôm nay được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 24.069 VND/USD, giảm 5 đồng so với cuối tuần qua. Với biên độ +/- 5% đang được áp dụng, tỷ giá trần mà các ngân hàng áp dụng là 25.272 VND/USD và tỷ giá sàn là 22.865 VND/USD.
Ngân hàng Nhà nước cho biết, quy mô tín dụng toàn nền kinh tế đến ngày 29/9 đạt khoảng 12,749 triệu tỷ đồng, tăng 6,92%. Trong khi đó, theo kết quả cuộc điều tra xu hướng kinh doanh quý IV/2023 với các tổ chức tín dụng vừa được Ngân hàng Nhà nước công bố, dư nợ tín dụng của hệ thống ngân hàng được kỳ vọng tăng 4,6% trong quý IV/2023 và tăng 12,3% trong năm 2023, điều chỉnh giảm 0,2 điểm phần trăm so với mức dự báo 12,5% tại kỳ điều tra trước.
Như vậy, nếu tăng trưởng tín dụng đạt 4,6% trong quý IV như kỳ vọng thì dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế cả năm mới chỉ đạt 11,52%.