Ngân hàng nào có mức tăng đầu tư trái phiếu doanh nghiệp nhiều nhất?

Tuy không dẫn đầu về giá trị trái phiếu doanh nghiệp nhưng một số ngân hàng như Vietcombank, OCB có mức tăng trưởng trái phiếu cao theo cấp số lần trong năm 2021.

Ngày 15/1/2022 vừa qua, Thông tư 16/2021 của Ngân hàng nhà nước (NHNN) quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua, bán trái phiếu doanh nghiệp chính thức có hiệu lực. Trong đó, Thông tư yêu cầu các ngân hàng chỉ được mua trái phiếu doanh nghiệp khi có tỷ lệ nợ xấu dưới 3% theo kỳ phân loại gần nhất theo quy định về phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động.

Đồng thời, các ngân hàng chỉ được mua trái phiếu của công ty phát hành không có nợ xấu tại các tổ chức tín dụng trong vòng 12 tháng gần nhất; doanh nghiệp phát hành cam kết mua lại trái phiếu trước hạn khi thay đổi mục đích sử dụng tiền thu từ phát hành trái phiếu trong thời gian tổ chức tín dụng nắm giữ trái phiếu; doanh nghiệp phát hành vi phạm quy định pháp luật về phát hành trái phiếu doanh nghiệp; không được mua lại trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết đã bán và/hoặc trái phiếu phát hành cùng lô hoặc đợt với trái phiếu đã bán trong vòng 12 tháng; không được bán trái phiếu doanh nghiệp cho các công ty con... 

Ngân hàng nào có mức tăng đầu tư trái phiếu doanh nghiệp nhiều nhất? - Ảnh 1

Mới đây, theo số liệu từ Trung tâm nghiên cứu Công ty Chứng khoán SSI (SSI Research), năm 2021, các ngân hàng và công ty chứng khoán là những nhà đầu tư lớn nhất trên thị trường sơ cấp khi nắm giữ đến 52% tổng lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong năm qua, với tổng giá trị lên tới 373.000 tỷ đồng. Trong đó, hai nhóm nhà đầu tư này mua 154.000 tỷ đồng, chiếm 68% trái phiếu ngân hàng phát hành, tập trung vào các trái phiếu kỳ hạn ngắn từ 1 - 4 năm và 153.000 tỷ đồng, chiếm 48% trái phiếu bất động sản phát hành.

Xét về giá trị tuyệt đối, ngân hàng đang nắm giữ lượng trái phiếu doanh nghiệp nhiều nhất đang là Ngân hàng Techcombank với 62.809 tỷ đồng, tăng 34,4% so với cuối năm 2020.

Đứng thứ hai trong danh sách những nhà băng đang có nhiều trái phiếu doanh nghiệp sau Techcombank là MBBank. Trong năm 2021, tổng trái phiếu doanh nghiệp tại MBBank đạt gần 43.000 tỷ đồng, tương đương tăng 55% so với năm 2020.

Tiếp đến là Ngân hàng VPBank với 27.782 tỷ đồng và Ngân hàng TPBank với 18.577 tỷ đồng, tăng vọt 65%.

Bên cạnh đó, một số ngân hàng tuy không dẫn đầu về giá trị trái phiếu nhưng có mức tăng trưởng trái phiếu cao theo cấp số lần.

Đơn cử như ngân hàng Vietcombank, tính đến 31/12/2021, số dư chứng khoán nợ do các tổ chức kinh tế phát hành ở mục chứng khoán đầu tư ghi nhận hơn 11.900 tỷ đồng, tương đương tăng thêm gần 6.599 tỷ đồng, tăng gấp 2,2 lần so với đầu năm.

Ngân hàng nào có mức tăng đầu tư trái phiếu doanh nghiệp nhiều nhất? - Ảnh 2
Ngân hàng nào có mức tăng đầu tư trái phiếu doanh nghiệp nhiều nhất? - Ảnh 3
Nguồn: BCTC kiểm toán hợp nhất năm 2021 tại VCB

Tương tự tại OCB, số dư chứng khoán nợ do các tổ chức kinh tế phát hành ở mục chứng khoán đầu tư ghi nhận hơn 1.543 tỷ đồng, tương đương tăng thêm 934 tỷ đồng, gấp 2,5 lần so với đầu năm.

Ngân hàng nào có mức tăng đầu tư trái phiếu doanh nghiệp nhiều nhất? - Ảnh 4
Ngân hàng nào có mức tăng đầu tư trái phiếu doanh nghiệp nhiều nhất? - Ảnh 5
Nguồn: BCTC kiểm toán hợp nhất năm 2021 tại OCB.

Ngoài ra, nhiều ngân hàng cũng đang sở hữu trên 10.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp như Ngân hàng BIDV (hơn 14.000 tỷ đồng), Ngân hàng VietinBank (gần 10.000 tỷ đồng) và Ngân HDBank (hơn 10.200 tỷ đồng).

Năm 2021, ngân hàng là chủ thể phát hành chiếm 35% thị phần trái phiếu doanh nghiệp và là người mua hơn 36% lượng trái phiếu doanh nghiệp bất động sản (nhóm phát hành trái phiếu doanh nghiệp lớn nhất. Những con số cho thấy ngân hàng đóng một vai trò rất quan trọng trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp tại Việt Nam.

Với sự đa chức năng, vừa là ngân hàng thương mại, vừa là ngân hàng đầu tư, các ngân hàng tại Việt Nam có thể tham gia vào việc hỗ trợ phát hành trái phiếu và phân phối trái phiếu trên thị trường với các vai trò như tổ chức bảo lãnh phát hành, đại lý phân phối, bảo lãnh thanh toán hay đơn vị quản lý tài khoản thanh toán, quản lý tài sản bảo đảm.

Tại Việt Nam, các ngân hàng thường đóng vai trò các nhà phân phối hoặc đôi khi chỉ là đơn vị quản lý tài khoản, tài sản đảm bảo để nhận phí dịch vụ từ các doanh nghiệp phát hành.

Điển hình, giới hạn trách nhiệm của ngân hàng khi tham gia vào quá trình doanh nghiệp phát hành trái phiếu cũng được thể hiện tại vụ việc Tập đoàn Tân Hoàng Minh phát hành hơn 10.000 tỷ đồng trái phiếu.

Sau khi Chủ tịch Tân Hoàng Minh Đỗ Anh Dũng bị bắt vì cáo buộc công bố thông tin sai sự thật, che giấu thông tin trong hoạt động phát hành trái phiếu riêng lẻ, các ngân hàng SHB và VietinBank đã lần lượt đưa ra thông cáo cho biết họ không có trách nhiệm trong việc thanh toán các nghĩa vụ tài chính với các nhà đầu tư sở hữu trái phiếu của Tập đoàn.

Báo cáo của SSI cũng chỉ ra rằng, các ngân hàng đang dần thu hẹp vai trò ở cả khía cạnh tổ chức phát hành và nhà đầu tư trái phiếu doanh nghiệp. Thực tế cho thấy dù số dư trái phiếu doanh nghiệp phi ngân hàng mà các ngân hàng thương mại nắm giữ vẫn tăng lên, nhưng tốc độ tăng thấp hơn nhiều so với quy mô thị trường trái phiếu. Do đó, tỷ trọng trái phiếu doanh nghiệp mà các ngân hàng thương mại nắm giữ liên tục giảm từ 71% hồi năm 2018 xuống còn 25% tính đến hết năm 2021.

Hà Phương

Theo Sở hữu trí tuệ