Ngân hàng rao bán cả loạt resort, khách sạn để xiết nợ
Các ngân hàng liên tục rao bán và hạ giá nhiều tài sản đảm bảo nợ vay là khu du lịch nghỉ dưỡng và khách sạn để thu hồi những khoản nợ xấu giá trị hàng trăm tỷ đồng.
Công ty Quản lý nợ và Khai thác tài sản Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank AMC) vừa thông báo đấu giá toàn bộ khoản nợ của CTCP Đầu tư Xây dựng Thăng Long.
Giá trị ghi sổ của khoản nợ tính đến ngày 9/9/2022 là hơn 156,2 tỷ đồng và 664.500 USD. Tài sản bảo đảm của khoản nợ trên là tài sản hình thành trong tương lai đối với dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng khoáng nóng Cúc Phương thuộc xã Kỳ Phú, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình, gắn liền với thửa đất có diện tích 990.164 m2.
Dự án đã xây dựng nhà tròn trung tâm, nhà hàng, phòng hội thảo, khu chăm sóc sức khỏe; bể bơi trong nhà và ngoài trời, khu trại hè, sân tập golf,; các khu bungalow và khu biệt thự, khu nhà ở cán bộ nhân viên và các hệ thống đường giao thông, điện, cây xanh cảnh quan... và các phương tiện, thiết bị phục vụ hoạt động kinh doanh dịch vụ. Giá rao bán khởi điểm là hơn 172 tỷ đồng.
Vietcombank cũng mới rao bán khu resort Mỹ Khê (Quảng Ngãi) của Công ty cổ phần Du lịch Quảng Ngãi với giá khởi điểm hơn 30 tỷ đồng. Dự án có diện tích gần 3.700m2, thời hạn sử dụng đất đến năm 2042.
Ngoài khu du lịch nghỉ dưỡng, resort, các ngân hàng cũng rao bán nhiều khoản nợ được thế chấp bằng khách sạn.
Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) cho biết có nhu cầu bán toàn bộ khoản nợ của Công ty TNHH Khách sạn Du lịch Huy Hùng tại VietinBank Nam Thăng Long để xử lý thu hồi nợ vay.
Tổng dư nợ tính đến hết ngày 15/9/2022 là hơn 53 tỷ đồng. Khoản nợ có tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất là Khách sạn Galaxy River Hotel tại phường Thịnh Đán, TP.Thái Nguyên. Giá trị tài sản là 88,7 tỷ đồng. Giá bán/chuyển nhượng theo thỏa thuận.
Khảo sát sơ bộ, thời gian VietinBank là ngân hàng có nhiều khoản nợ có tài sản bảo đảm là khách sạn phải rao bán để xử lý
VietinBank Thừa Thiên Huế đang tiến hành các thủ tục bán khoản nợ của Công ty TNHH Doanh Ngân. Tổng dư nợ khách hàng tính đến ngày 19/5/2022 là hơn 178 tỷ đồng. Tài sản thế chấp cho khoản nợ trên là quyền sử dụng đất và công trình khách sạn gắn liền với đất tại số 16 Nguyễn Thái Học, Phú Hội, TP. Huế.
VietinBank Thành An mới đây cũng thông báo rao bán khoản nợ hơn 540 tỷ đồng có tài sản đảm bảo là dự án condotel ở TP Nha Trang (Khánh Hòa) của Công ty Cổ phần Khách sạn Bến Du Thuyền. Đây là đất xây dựng khách sạn, căn hộ du lịch có thời hạn sử dụng đến năm 2064.
Hồi tháng 7, VietinBank rao bán khoản nợ hơn 116 tỷ đồng có tài sản bảo đảm là khách sạn Phố Núi tại TP.Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng. Thửa đất trên có diện tích hơn 639 m2. Diện tích xây dựng khách sạn là 511,86 m2, diện tích sàn là hơn 2041 m2.
Vào tháng 3/2022, VietinBank rao bán tài sản của Công ty TNHH Du lịch Hoàng Phúc, có tài sản đảm bảo là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất có diện tích 296,8m2 tại tổ 7, phường Sa Pa, thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai. Tài sản được xây dựng và khai thác làm khách sạn với số lượng 26 phòng. Giá bán khởi điểm của khoản nợ trên là hơn 25,1 tỷ đồng.
Trước đây, VietinBank từng nhiều lần rao bán khoản nợ của Công ty TNHH Coco City Tour được thế chấp bởi Khách sạn Cây Thông có diện tích 1.250 m2 tại Thị trấn Tam Đảo, Vĩnh Phúc và 16 xe bus mui trần.
Một ngân hàng lớn khác là Vietcombank cũng nhiều lần rao bán tài sản đảm bảo là khách sạn Hemera Boutique Hotel, nằm gần bãi biển Mỹ An - Đà Nẵng để thu hồi nợ. Vietcombank từng rao bán khách sạn này với giá khởi điểm 100 tỷ đồng hồi cuối năm 2019 rồi giảm xuống 81 tỷ vào tháng 6/2020, tiếp tục xuống 79 tỷ đồng tháng 9/2020 và lần gần nhất là 74,3 tỷ đồng.
Đại dịch Covid-19 bùng phát trong 2020-2021 đã khiến nhiều doanh nghiệp vận tải, du lịch, nhà hàng, khách sạn tê liệt vì không có khách. Doanh thu thấp, không có dòng tiền dẫn đến nhiều doanh nghiệp trót vay ngân hàng rơi vào tình cảnh mất khả năng trả nợ.
Dù ngành dịch vụ, du lịch đã được nối lại từ đầu năm nay nhưng nhiều doanh nghiệp kinh doanh lữ hành, khách sạn vẫn còn khó khăn, lại phải đối mặt cơn 'bão giá' hoành hành, nhiều chi phí đầu vào đều tăng cao… khiến nhiều doanh nghiệp hết thời hạn cơ cấu lại mà vẫn chưa tìm ra nguồn để trả nợ dẫn đến tài sản đảm bảo bị ngân hàng thanh lý .
Tuy vậy, việc xử lý tài sản đảm bảo của các ngân hàng hiện nay không hề dễ dàng. Nguồn tiền bị siết chặt, thị trường bất động sản trầm lắng với thanh khoản xuống thấp khiến cho việc xử lý nợ xấu của các ngân hàng thêm khó khăn, nhất là những tài sản giá trị lớn. Nhiều tài sản đảo bảo được các ngân hàng giảm giá nhiều lần vẫn không bán được.