Ngân hàng VIB công bố lợi nhuận đạt hơn 7.814 tỷ đồng, tăng 46% so với cùng kỳ

Lợi nhuận trước thuế của ngân hàng VIB đạt hơn 7.814 tỷ đồng, tăng 46% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, lãi dự thu cũng tăng đến 47% lên gần 2.732 tỷ đồng. Đặc biệt, VIB đang \'ôm\' hơn 330.000 tỷ đồng bất động sản thế chấp, cao gấp 1,5 lần so với số dư cho vay khách hàng.

Ngân hàng VIB báo lãi lớn, lãi dự thu tăng mạnh

Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (mã: VIB) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2022 với lợi nhuận trước thuế 9 tháng đầu năm đạt hơn 7.814 tỷ đồng, tăng 46% so với cùng kỳ năm trước và thực hiện được 74% kế hoạch năm.

Ngân hàng VIB công bố lợi nhuận đạt hơn 7.814 tỷ đồng, tăng 46% so với cùng kỳ - Ảnh 1

Trong đó, hoạt động tín dụng của ngân hàng VIB mang về hơn 11.051 tỷ đồng thu nhập lãi thuần, tăng 31% so với cùng kỳ. Ngoài ra, lãi từ hoạt động dịch vụ cũng tăng 31% lên hơn 2.348 tỷ đồng; lãi từ hoạt động khác cũng mang về hơn 279 tỷ đồng, tăng mạnh 99%.

Ở chiều ngược lại, VIB lỗ tới 223 tỷ đồng từ kinh doanh ngoại hối (cùng kỳ 2021 chỉ lỗ 48 tỷ đồng); mua bán chứng khoán đầu tư cũng lỗ hơn 78,6 tỷ đồng (cùng kỳ 2021 lãi hơn 95 tỷ đồng).

Trong 9 tháng qua, nhà băng này dành ra 926 tỷ đồng trích lập chi phí dự phòng rủi ro, tăng nhẹ 1% so với cùng kỳ. Đồng thời, chi phí hoạt động cũng được tiết giảm. Kết quả, ngân hàng VIB thu về hơn 7.814 tỷ đồng lãi trước thuế, lãi sau thuế gần 6.282 tỷ đồng, đều tăng 46% so với cùng kỳ năm trước.

Riêng trong quý 3/2022, ngân hàng VIB giảm 38% chi phí dự phòng rủi ro tín dụng, chỉ còn trích ra hơn 165 tỷ đồng. Kết quả, ngân hàng báo lãi trước và sau thuế lần lượt đạt 2.791 tỷ đồng, 2.233 tỷ đồng, đều tăng 102% so với cùng kỳ 2021.

Ở một khía cạnh khác, nợ xấu tại VIB 9 tháng qua có xu hướng tăng. Cụ thể, tính đến 30/9/2022, tổng nợ xấu tăng 14% so với đầu năm, ghi nhận gần 5.309 tỷ đồng. Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn giảm 32% xuống còn 1.187 tỷ đồng, tuy nhiên nợ có khả năng mất vốn lại tăng vọt 83% lên hơn 2.419 tỷ đồng và nợ nghi ngờ tăng nhẹ 6% lên hơn 1.701 tỷ đồng. Kết quả, kéo tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay tăng từ 2,32% hồi đầu năm lên 2,35%.

Chi tiết các nhóm nợ xấu tại VIB (nguồn: Báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2022)
Chi tiết các nhóm nợ xấu tại VIB (nguồn: Báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2022)

Số nợ xấu tăng lên nhưng ngân hàng cũng công bố lãi tăng. Thông thường, trong trường hợp này người ta sẽ nghĩ đến khoản mục “lãi dự thu” hoặc “chi phí dự phòng rủi ro”.

Bởi lẽ, với một món vay không thể đòi được nhưng ngân hàng vẫn có thể hạch toán vào sổ, vẫn ghi lãi dưới hình thức dự thu, tức tăng lợi nhuận trực tiếp. Hoặc giảm chi phí dự phòng rủi ro để ít bị khấu trừ lợi nhuận.

Tính đến 30/9/2022, khoản “lãi dự thu” hay còn gọi "lãi và phí phải thu" tại ngân hàng VIB tăng đến 47% so với với đầu năm, lên gần 2.732 tỷ đồng. Còn chi phí dự phòng rủi ro cũng chỉ tăng nhẹ 1%. 

Nguồn: Báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2022 tại VIB.
Nguồn: Báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2022 tại VIB.

Lãi dự thu là khoản lãi dự kiến sẽ thu được trong tương lai và là một phương thức hạch toán trong bảng cân đối kế toán của ngân hàng, Tuy nhiên, nếu lãi dự thu không thể thu hồi trong thời gian dài có thể do nợ xấu hoặc bên phải trả mất khả năng thanh toán thì sẽ có những rủi ro nhất định. Con số lãi dự thu càng lớn, khả năng tác động đến lợi nhuận của ngân hàng càng cao. Do đó, lãi dự thu cũng là một "khối u" nhức nhối không kém gì nợ xấu.

Như vậy, trong 9 tháng đầu năm, chất lượng tín dụng của ngân hàng VIB đang có dấu hiệu đi xuống khi lãi dự thu và nợ xấu đồng loạt tăng. Điều này làm dấy lên lo ngại về chất lượng lợi nhuận của nhà băng này.

Hơn 330.000 tỷ đồng bất động sản thế chấp tại VIB

Cho vay là hoạt động mang lại nguồn thu chủ yếu cho ngân hàng nhưng đây cũng là hoạt động chứa đựng nhiều rủi ro và phức tạp. Đối với các ngân hàng hàng thương mại, hoạt động định giá bất động sản thế chấp có ý nghĩa quan trọng, là cơ sở cho việc ra quyết định cho vay, đầu tư, góp vốn, cấp vốn vào các dự án, góp phần hạn chế nợ xấu và rủi ro tín dụng.

Tài sản thế chấp tại các ngân hàng hiện nay rất đa dạng từ bất động sản, động sản, tiền gửi, vàng, đá quý, giấy tờ có giá như cổ phiếu, trái phiếu, phương tiện vận chuyển, máy móc thiết bị, hàng tồn kho, khoản phải thu,….Tuy nhiên, tài sản chủ yếu và phổ biến nhất vẫn là bất động sản.

Tính đến 30/9/2022, ngân hàng VIB có đến 522.765 tỷ đồng tài sản thế chấp của khách hàng, tăng 9% so với đầu năm. Trong đó, giá trị bất động sản thế chấp ghi nhận hơn 338.291 tỷ đồng, chiếm đến 65% tổng tài sản thế chấp, tăng 17% so với đầu năm. Còn lại là phương tiện vận tải (97.228 tỷ đồng); máy móc thiết bị (20.583 tỷ đồng);… Đáng nói, giá trị bất động sản thế chấp tại VIB cao gấp 1,5 lần so với số dư cho vay khách hàng (226.153 tỷ đồng).

Nguồn: Báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2022 tại VIB.
Nguồn: Báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2022 tại VIB.

Mặc dù chuộng tài sản bảo đảm là bất động sản nhưng việc xử lý những tài sản này để thu hồi nợ không phải lúc nào cũng dễ dàng. Đặc biệt những lô đất, dự án bất động sản lớn vướng vào tranh chấp pháp lý, liên quan đến vụ án hình sự, việc thanh lý sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Trên thực tế, những khối bất động sản hàng nghìn tỷ đồng, ngân hàng thường phải rao bán rất nhiều lần, kéo dài vài năm và giảm giá liên tục mới có thể bán được thành công.

Theo nhận định mới đây của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), ngành bất động sản bước vào giai đoạn điều chỉnh mạnh sẽ khiến rủi ro nợ xấu gia tăng tại các ngân hàng có mức phân bổ cao tín dụng vào ngành bất động sản, kéo theo biên chi phí tín dụng cao hơn. Tuy vậy, mức độ rủi ro là khác nhau tùy vào mức độ tiếp xúc tín dụng của từng ngân hàng với ngành bất động sản và sức khỏe tài chính của các đối tác bất động sản.

Nói thêm về ảnh hưởng của việc Thông tư 14, cho phép cơ cấu nợ bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, hết hiệu lực từ ngày 30/6/2022, chuyên gia VDSC cho rằng nhiều ngân hàng đã trích lập đủ dự phòng cho nợ cơ cấu nên lợi nhuận sẽ không chịu áp lực từ vấn đề này. Tuy nhiên, với những ngân hàng chưa trích lập đủ sẽ phải đối mặt với khả năng chi phí tín dụng gia tăng.

Đồng thời, tỷ lệ nợ xấu thời gian tới cũng sẽ tiếp tục phân hóa giữa các ngân hàng tùy tính chất tập khách hàng của từng ngân hàng và tác động của kinh tế vĩ mô lên các nhóm khách hàng. Nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ và khách hàng cá nhân thu nhập thấp sẽ khó khăn hơn trong điều kiện lãi suất và lạm phát có xu hướng tăng nhanh.

Hà Phương

Theo Sở hữu trí tuệ