Nghìn tỷ tiền tươi đổ về, cổ đông ngân hàng ăn tết to
Nhiều ngân hàng công bố kế hoạch chia cổ tức bằng cổ phiếu, tiền mặt cho cổ đông trong những tháng đầu năm 2024. Nhiều cổ đông vui khi được nhận "tiền tươi thóc thật".
Nhiều nhà băng chia cổ tức đầu năm mới
Ngân hàng TMCP Bắc Á (Bac A Bank) vừa công bố nghị quyết về ngày đăng ký cuối cùng để trả cổ tức bằng cổ phiếu cho cổ đông là ngày 12/1.
Theo kế hoạch, nhà băng này dự kiến phát hành hơn 62,5 triệu cổ phiếu để trả cổ tức cho cổ đông, tương ứng với tỷ lệ 7,5%. Tổng giá trị phát hành theo mệnh giá là hơn 625 tỷ đồng. Số cổ phiếu phổ thông phát hành để trả cổ tức cho cổ đông không bị hạn chế chuyển nhượng.
Nguồn thực hiện được lấy từ lợi nhuận chưa phân phối lũy kế năm 2023 của ngân hàng này sau khi đã trích lập các quỹ, đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật và được đại hội đồng cổ đông thông qua.
Dự kiến, sau khi trả cổ tức cho cổ đông hiện hữu, vốn điều lệ tại Bac A Bank sẽ tăng từ gần 8.334 tỷ đồng lên hơn 8.959 tỷ đồng.
Tương tự, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương (Saigonbank) vừa nhận được văn bản của Ngân hàng Nhà nước về việc chấp thuận đề nghị tăng vốn điều lệ thông qua việc phát hành cổ phiếu để trả cổ tức.
Saigonbank dự kiến sẽ tăng vốn điều lệ tối đa thêm 308 tỷ đồng dưới hình thức phát hành cổ phiếu để chi trả cổ tức 10% cho cổ đông hiện hữu được đại hội đồng cổ đông thông qua.
Sau khi phát hành cổ phiếu để trả cổ tức, ngân hàng sẽ tăng vốn điều lệ lên 3.388 tỷ đồng. Nếu phát hành thành công, đây sẽ là lần đầu tiên sau hơn 10 năm, Saigonbank mới tiếp tục tăng vốn điều lệ.
Lần gần nhất thực hiện tăng vốn là vào năm 2012 khi Saigonbank thực hiện phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu. Từ đó đến nay, vốn điều lệ của Saigonbank giữ nguyên mức 3.080 tỷ đồng, thuộc nhóm thấp nhất trong các ngân hàng thương mại.
Một ngân hàng nữa cũng chuẩn bị kế hoạch chia cổ tức vào năm 2024 là Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB, mã chứng khoán: VIB).
VIB dự kiến thực hiện tạm ứng cổ tức tiền mặt năm 2023 cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ là 6%. Số tiền chia cổ tức ước tính là hơn 1.522 tỷ đồng.
Năm 2023, VIB có 2 đợt chia cổ tức vào tháng 3 với tỷ lệ 10% và tháng 5 với tỷ lệ 5%.
Ngoài trả cổ tức bằng tiền mặt, VIB cũng đã chi trả cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn điều lệ với tỷ lệ 20%. Cuối tháng 6 năm 2023, nhà băng này phát hành thêm 7,6 triệu cổ phiếu ESOP cho người lao động. Tổng cộng, vốn điều lệ của ngân hàng đã tăng lên 25.368 tỷ đồng.
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa có công văn chấp thuận đề nghị tăng vốn điều lệ của Ngân hàng TMCP Thịnh vượng và Phát triển (PG Bank).
Theo đó, PG Bank sẽ được tăng vốn điều lệ tối đa thêm 1.200 tỷ đồng bằng hình thức phát hành 120 triệu cổ phiếu để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu theo Phương án tăng vốn điều lệ được Đại hội đồng cổ đông bất thường 2023 thông qua.
Ngoài phương án chỉa cổ phiếu thưởng vừa được NHNN thông qua, PG Bank còn có kế hoạch phát hành thêm 80 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lên phân phối là 15:4, tức cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu sẽ được hưởng 1 quyền và cứ 15 quyền sẽ được nhận 4 cổ phiếu mới phát hành thêm.
Mức giá phát hành thêm chưa được ngân hàng công bố. Tuy nhiên, trước đó tại Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2023 vào tháng 10, ngân hàng dự kiến mức giá này sẽ không thấp hơn mệnh giá.
Với vốn điệu lệ hiện đang ở mức 3.000 tỷ đồng, PG Bank là nhà băng niêm yết có vốn điều lệ thấp nhất. Nếu hoàn thành cả hai phương án trên, vốn điều lệ của PG Bank sẽ lên mức 5.000 tỷ đồng
Cổ đông vui khi được nhận "tiền tươi thóc thật"
Sau nhiều năm tập trung nguồn lực để tăng cường sức khỏe tài chính và hỗ trợ khách hàng theo chỉ đạo của NHNN, một số ngân hàng đã triển khai lại hoạt động trả cổ tức bằng tiền mặt.
Năm 2023, đã có 6 ngân hàng thực hiện chia một phần cổ tức bằng tiền mặt là VPBank, HDBank, VIB, TPBank, ACB và MB. Ước tính, tổng số tiền mà các ngân hàng này chi ra để trả cổ tức cho cổ đông là hơn 23.000 tỷ đồng
Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank, mã chứng khoán: VPBank) năm 2023 đã chi ra gần 8.000 tỷ đồng để trả cổ tức cho cổ đông. Đây là lần đầu tiên trong hơn 10 năm qua VPBank thực hiện chia cổ tức bằng tiền mặt.
Đáng chú ý, lãnh đạo VPBank cho biết sẽ chia cổ tức bằng tiền mặt trong 5 năm liên tiếp và đủ để được phép chia cổ tức 30% lợi nhuận sau thuế hàng năm cho cổ đông. Các đợt chia cổ tức bằng tiền trong các năm tiếp theo dự định sẽ được ngân hàng thực hiện sớm hơn trong nửa đầu năm, đáp ứng sự mong mỏi của cổ đông đối với kế hoạch phân chia lợi nhuận của ngân hàng.
Techcombank đã không chia cổ tức bằng tiền mặt trong suốt 10 năm qua. Nhưng trong cuộc họp Đại hội đồng cổ đông 2023, Chủ tịch Techcombank đã đề cập đến việc "có thể sẽ có thay đổi".
Với TPBank, ngân hàng này hồi tháng 4/2023 đã chi khoảng 3.955 tỷ đồng để thanh toán cổ tức tiền mặt cho cổ đông với tỷ lệ 25%, tương ứng 2.500 đồng/cổ phiếu.
Trong Đại hội cổ đông vừa qua, Chủ tịch TPBank Đỗ Minh Phú nhấn mạnh, nếu hoạt động kinh doanh thuận lợi, đạt tăng trưởng cao, ngân hàng sẽ tiếp tục thực hiện việc chia cổ tức cho các cổ đông bằng hai phần tiền mặt và cổ phiếu trong các năm tới. Tỷ lệ chia cổ tức sẽ được HĐQT cân nhắc theo từng thời điểm, nhưng phần tiền mặt sẽ chiếm đáng kể.
Trong ba năm từ 2020-2022, NHNN đã yêu cầu các ngân hàng không chia cổ tức tiền mặt để dành nguồn lực xử lý các khoản nợ xấu, trái phiếu VAMC và phấn đấu tiếp tục giảm lãi suất cho vay hỗ trợ người dân và doanh nghiệp.
Tuy nhiên, đầu năm 2023, Chỉ thị số 01 về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành ngân hàng trong năm nay do NHNN công bố, cơ quan này không còn yêu cầu các ngân hàng thương mại không chia cổ tức bằng tiền mặt.
Việc chia cổ tức bằng tiền mặt là thông tin vui cho các cổ đông khi được nhận "tiền tươi thóc thật" từ lợi nhuận mà ngân hàng làm ra. Bên cạnh đó, việc chia cổ tức bằng tiền mặt cũng cho thấy sự tự tin của ban lãnh đạo về nền tảng vốn cũng như dòng tiền của ngân hàng.
Song số tiền cổ tức của cổ đông sẽ phải chịu thuế thu nhập theo quy định của pháp luật, đồng thời giá cổ phiếu trên thị trường cũng sẽ bị điều chỉnh tương ứng với số cổ tức mà ngân hàng chi trả trên mỗi cổ phiếu.