Nhà đầu tư có nên rót tiền vào cổ phiếu ngân hàng:Tranh chấp chưa hồi kết ở Nam Á Bank
Hiện nay câu chuyện tranh chấp gia tộc của ông chủ Nam Á Bank vẫn chưa đi đến hồi kết. Cơ quan điều tra sau 1 thời gian dài khởi tố vụ án vẫn chưa công khai kết luận cuối cùng cho dư luận nắm.
Ban biên tập khởi đăng tuyến bài liên quan đến hoạt động điều hành của các lãnh đạo nhà băng qua các thời kỳ để xem vai trò, trách nhiệm của họ đối với các cổ đông và nhà đầu tư suốt năm tháng qua đã gắn bó đầu tư cổ phiếu tin tưởng họ.
Bài tiếp: Câu chuyện ở Nam Á Bank và nỗi lo của nhà đầu tư
Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2019, Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank) cho biết sẽ niêm yết toàn bộ số cổ phiếu đã phát hành lên sàn HoSE và tăng vốn điều lệ lên 5.000 tỷ đồng trong năm 2019. Một chuyên gia tài chính cho biết, thủ tục, hồ sơ niêm yết không khó, không vướng nhưng quan trọng là sở hữu cổ phần giữa các cổ đông lớn chưa rõ ràng, chưa chuẩn bị cho vấn đề minh bạch…
Tranh chấp gia tộc
Thực tế, đến nay những lùm xùm liên quan đến tranh chấp cổ phần trong gia đình Chủ tịch HĐQT Nguyễn Quốc Toàn vẫn chưa có kết quả cuối cùng. Điều này đang khiến nhiều nhà đầu tư lo lắng và trông đợi kết quả cuối cùng từ cơ quan điều tra.
Hồi giữa tháng 3/2019, ông Nguyễn Chấn cũng đã tổ chức họp báo công bố thông tin tố cáo con trai chiếm giữ ngân hàng. Tại cuộc họp báo, ông Nguyễn Chấn cho biết, vào giữa năm 2016, bà Tư Hường đau bệnh nên có giao cho con là Nguyễn Quốc Toàn quản lý ngân hàng và Tập đoàn Hoàn Cầu, nhưng quyền sở hữu tài sản vẫn thuộc về vợ chồng ông.
Lạm dụng sự tín nhiệm của gia đình, với sự cấu kết, tiếp tay của một số cá nhân, người con trai thứ của ông đã chiếm giữ hết tài sản của vợ chồng ông, giá trị ước tính khoảng 30.000 tỉ đồng.
Số tài sản này gồm: cổ phiếu do Ngân hàng TMCP Nam Á phát hành; cổ phần tại các công ty trong hệ thống Tập đoàn Hoàn Cầu; các khoản đầu tư vào doanh nghiệp dưới hình thức góp vốn, mua cổ phần.
Trong vụ kiện tranh chấp cổ phần tại Nam A Bank cũng xuất hiện đơn tố cáo của 3 người con gái ruột của ông Nguyễn Chấn, cũng là chị em ruột của ông Nguyễn Quốc Toàn (bao gồm các bà Nguyễn Thị Xuân Nương, Nguyễn Thị Xuân Nữ và Nguyễn Thị Thanh Vân) tố ngược cha mình đã nghe theo xúi dục để tố cáo và yêu cầu xử lý hình sự đối với ông Nguyễn Quốc Toàn - Chủ tịch HĐQT Nam A Bank.
Theo đơn tố cáo trên, 3 người con gái của ông Chấn cho rằng, sau khi mẹ là bà Tư Hường mất (năm 2017), anh trai và 5 người em khác đã cấu kết với người ngoài mưu toan chiếm đoạt tài sản gia đình. Những người này lợi dụng sự suy giảm sức khỏe, sự thiếu minh mẫn của ông Nguyễn Chấn (95 tuổi) để xúi ông đứng đơn tố cáo ông Toàn.
Được biết, vợ chồng ông Chấn và bà Tư Hường có 10 người con, ông Toàn là con trai thứ trong gia đình. Trong cơ cấu cổ đông của Nam A Bank (tính đến tháng 4/2015), cổ đông lớn nhất là Công ty TNHH Rồng Thái Bình Dương sở hữu 12,75% vốn, ông Nguyễn Quốc Toàn nắm giữ 4,5% vốn, anh trai ông Toàn là ông Nguyễn Quốc Mỹ - Phó chủ tịch HĐQT Nam A Bank nắm giữ 3,86% vốn, còn lại là các cổ đông khác. Ông Chấn hiện không nắm giữ cổ phần Nam A Bank (thời điểm tháng 6/2014 nắm giữ hơn 2,46 triệu cổ phần Nam A Bank).
Ngay sau đó không lâu, báo cáo tài chính của NamABank cho thấy, trong 9 tháng đầu năm 2019, hai mảng hoạt động chính của ngân hàng là cho vay và dịch vụ hoạt động hiệu quả trong khi các mảng kinh doanh khác thua lỗ, giảm sút.
Cụ thể, thu nhập lãi thuần của ngân hàng chỉ tăng nhẹ 11% trong quý III nhưng lũy kế 9 tháng, mảng cho vay mang về cho ngân hàng 1.500 tỷ đồng lãi thuần, tăng 25%. Mảng dịch vụ tăng trưởng tốt, mang về 19 tỷ đồng lãi thuần trong quý III và 58,6 tỷ đồng 9 tháng, tăng trưởng 69%.
Mảng kinh doanh ngoại hối giảm gần 32% trong quý III và giảm 28% trong 9 tháng đầu năm. Mua bán chứng khoán kinh doanh không ghi nhận doanh thu trong khi mua bán chứng khoán đầu tư lỗ 21,5 tỷ đồng (cùng kỳ lãi 9,5 tỷ đồng). Lũy kế 9 tháng đầu năm, chứng khoán đầu tư mang lại 14,5 tỷ đồng tiền lãi, giảm 79% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tương tự, thu nhập từ các hoạt động khác 9 tháng cũng chỉ còn 7,7 tỷ đồng, giảm 67% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đặc biệt, chi phí dự phòng 9 tháng đầu năm tăng mạnh lên gần 46 tỷ đồng thay vì 10,7 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái (tăng 4,3 lần).
Mặc dù nhiều mảng kinh doanh thua lỗ, giảm sút, dự phòng tăng 4,3 lần song nhờ cho vay tăng mạnh nên lợi nhuận ngân hàng chỉ giảm nhẹ trong quý III (giảm 3,4%). Lũy kế 9 tháng, lợi nhuận trước thuế của NamABank đạt 574 tỷ đồng, tăng 22% và mới đạt gần 72% so với kế hoạch năm (lãi 800 tỷ đồng).
Tại thời điểm 30/09/2019, tổng tài sản của NamABank đạt hơn 87,820 tỷ đồng, tăng 17% so với đầu năm. Trong đó, tiền gửi của khách hàng của NamABank đạt hơn 65,372 tỷ đồng, tăng gần 21% so với đầu năm. Dư nợ cho vay khách hàng tăng 24% so với đầu năm lên mức gần 63,025 tỷ đồng. Nợ xấu của NamABank tính đến 30/9 là 1.496 tỷ đồng, tăng 91%, chiếm tỷ lệ 2,37%, cao hơn nhiều so với mức 1,54% hồi đầu năm.
Đáng lưu ý, NamABank cũng là ngân hàng có tỷ lệ lãi dự thu tăng mạnh (hơn 2.000 tỷ đồng), tăng 77% so với đầu năm.
Tính đến ngày 31/12/2019, các chỉ tiêu kinh doanh quan trọng của Nam A Bank có sự tăng trưởng tốt như: Tổng tài sản đạt 94.657 tỷ đồng (tăng 26,0% so với năm 2018, đạt 110% kế hoạch); Huy động vốn thị trường 1 đạt 75.157 tỷ đồng (tăng 32,2% so với năm 2018, đạt 104% kế hoạch); Dư nợ cho vay thị trường 1 đạt 67.546 tỷ đồng (tăng 32,9% so với năm 2018, đạt 113% kế hoạch)…
Chủ tịch rời ghế giữa đường
Ông Nguyễn Quốc Toàn, Chủ tịch HĐQT Nam A Bank từ nhiệm để tập trung xử lý tranh chấp nội bộ gia đình, Nam Á bank thông tin sau khi cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố vụ án hình sự liên quan chủ tịch ngân hàng này.
Cho rằng những lùm xùm vừa qua là chuyện nội bộ gia đình, nhằm tránh không để ảnh hưởng đến Nam A Bank - một pháp nhân riêng, ông Toàn cho biết sẽ chủ động giao uỷ quyền cho ông Trần Ngô Phúc Vũ, Phó Chủ tịch thường trực HĐQT điều hành. Theo ông Toàn, ông đã lên kế hoạch phát triển, tái cơ cấu bền vững cho Nam A Bank trong lộ trình 10 năm và những người kế nhiệm sẽ vận hành theo định hướng đã vạch sẵn.
"Tôi gửi lời xin lỗi đến Đảng và Chính phủ, cơ quan điều tra, khách hàng, nhân dân và báo chí vì những thông tin vừa qua", ông Toàn nói với báo giới thời điểm đó.
Ông Toàn cho biết: “Nam A Bank đã lên một kế hoạch phát triển dài hơi từ trước đó, lộ trình 5 năm tôi đã thực hiện được 4 năm. Tôi nghĩ 1 năm còn lại, Ban điều hành Nam A Bank sẽ tiếp tục tiếp tục cán mốc những thành tựu mới trong chặng đường phát triển của mình. Ngay cả kế hoạch 5 năm tiếp theo theo lộ trình 10 năm phát triển của ngân hàng, chúng tôi cũng đã đề ra và các thành viên Ban lãnh đạo chỉ cần dựa vào đó làm nền tảng, định hướng để phát triển”.
Mới đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa chấp thuận việc tăng vốn điều lệ cho ngân hàng TMCP Nam Á từ 3.890 tỷ đồng lên 5.000 tỷ đồng theo phương án được cổ đông ngân hàng thông qua tại phiên họp đại hội đồng cổ đông thường niên 2019 của ngân hàng.
Trước đó, ngày 20/9/2019, NHNN chấp thuận việc Nam A Bank thực hiện tăng vốn điều lệ từ hơn 3.353 tỷ đồng lên hơn 3.890 tỷ đồng. Ngân hàng có trách nhiệm thực hiện việc tăng vốn điều lệ theo quy định của pháp luật, bao gồm việc tuân thủ giới hạn sở hữu cổ phần của các cổ đông và người có liên quan của những cổ đông này theo quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng và các văn bản hướng dẫn của NHNN sau khi tăng vốn.
Phương án tăng vốn năm 2019 được đại hội cổ đông của Nam A Bank thông qua ngày 23/3/2019. Giá trị vốn điều lệ tăng thêm là hơn 1.646 tỷ đồng theo hình thức phát hành cổ phiếu để trả cổ tức, chào bán cổ phiếu riêng lẻ, chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu và phát hành cổ phiếu ESOP.
Hy vọng những lời hứa của Chủ tịch Nam Á Bank sẽ phần nào chấn an được các nhà đầu tư vốn đang trông chờ cái kết tranh chấp trong nội bộ gia đình bà Tư Hường kéo dài... (Còn nữa).
Theo Sở hữu Trí tuệ