Nhà nước giải phóng mặt bằng là tốt nhất
Luật Đất đai 2013 sửa đổi đang được đưa ra lấy ý kiến để trình Quốc hội thông qua, theo ý kiến của các nhà đầu tư bất động sản có nhiều điểm cần lưu ý, đặc biệt là quy định giải phóng mặt bằng. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Kha – Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Phát triển đô thị Từ Liêm (Lideco) về vấn đề này.
Chào ông, được biết, ông là một người có nhiều kinh nghiệm trong ngành bất động sản. Khi làm một dự án thường kéo dài cả chục năm. Khó khăn nhất chính là vấn đề giải phóng mặt bằng, đúng không, thưa ông?
Ông Nguyễn Văn Kha – Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Phát triển đô thị Từ Liêm (Lideco). |
Doanh nhân Nguyễn Văn Kha: Đúng là như vậy. Cái khó đầu tiên là đền bù giải phóng mặt bằng, đụng chạm quyền lợi người dân, nhiều lúc gặp phải trường hợp nản lòng khi người dân cứ cố thủ không ủng hộ mình. Thời gian giải phóng mặt bằng càng kéo dài thì nhà đầu tư càng thiệt hại và ngược lại. Bởi lẽ, nếu chỉ cần 01 hộ dân không đồng ý, chủ đầu tư không thể tiến hành thi công được.
Công ty cổ phần Phát triển đô thị Từ Liêm đã thành công rất lớn khi “khai thông” thị trường bất động sản phân khúc chung cư cao tầng tại Quảng Ninh. Ông cũng gặp khó khăn trong giải phóng mặt bằng. Ông đã làm gì để thuyết phục các hộ dân di dời?
Doanh nhân Nguyễn Văn Kha: Tôi quan niệm: Thành công trên nỗi đau của người khác chắc chắn sẽ khó lâu bền. Do vậy, khi biết chỉ còn 4,5 hộ nằm trong Dự án Khu đô thị mới Cao Thắng và Hà Khánh chưa đồng ý di dời khi công ty thực hiện giải phóng mặt bằng, tôi đã trực tiếp đến thuyết phục họ.
Tôi cũng chia sẻ những băn khoăn, lo lắng khi họ phải di chuyển tạm thời đến nơi đă gắn bó thân thiết, nhất là người già. Nhưng khu họ đang ở là khu tập thể cũ, xuống cấp, lại nằm ngay trung tâm, sớm muộn cũng bị giải toả.
Tôi nói với họ, sẽ xây dựng nơi đây thành khu cao tầng hiện đại, khang trang. Bà con chắc chắn sẽ được hưởng cuộc sống tốt hơn. Tôi thẳng thắn nêu quan điểm: Để làm được các dự án đẹp, hiện đại, có thể lúc này Nhà nước được lợi một chút, doanh nghiệp thiệt một chút, người dân thiệt một chút, nhưng không thể lúc nào cũng đem ra cân đong đúng từng ly, từng lạng. Hôm nay chưa được bà con ủng hộ, ngày mai, ngày kia chúng tôi sẽ lại đến. Chắc họ nghe phải nên cũng thuận tình.
Ngay tại Cầu Giấy, chỉ vì vướng giải phóng đền bù của một hộ dân mà Dự án Khu đô mới Dịch Vọng đã triển khai suốt từ năm 1997, đến giờ chưa xong. Với tư cách là một nhà đầu tư có thâm niên gắn bó với lĩnh vực bất động sản, theo ông Luật đất đai sửa đổi sắp được đưa ra để Quốc hội quyết định, mục đích là để hài hoà giữa lợi ích của Nhà nước, của người dân và của doanh nghiệp, ông có kiến nghị gì?
Doanh nhân Nguyễn Văn Kha: Tôi nghĩ để có những khu đô thị đẹp, văn mình, vai trò của Nhà nước rất quan trọng. Các cơ quan quản lý Nhà nước phải làm quy hoạch, sau đó đứng ra giải phóng mặt bằng. Có đất rồi mới đem ra đấu giá. Đấu giá thì không thể đấu cả khu được mà chia nhỏ ra từng khu: khu chung cư,, khu công viên, khu thấp tầng…. Câu chuyện đặt ra là không cần thiết phải bỏ bảng giá đất. Khi đấu giá thì làm công khai, bỏ phiếu kín vẫn có “móc ngoặc”.
Khi công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng sẽ thu hút được các nhà đầu tư có năng lực thực sự. Các nước tư bản đã đấu giá công khai, tại sao ta lại phải để “phong bì”. Khi đấu giá công khai, chúng ta không phải bàn nhiều về câu chuyện giá, không có chuyện tham nhũng, tham ô nữa. Trở lại vấn đề giải phóng mặt bằng giao cho doanh nghiệp tự thoả thuận với dân rất khó.
Doanh nghiệp có thể đứng ra mua được nhà này, nhà kia mà không mua hết được toàn bộ khu đất cần giải phóng để làm dự án. Càng những người sau biết anh làm dự án thì họ lại càng đưa giá cao hơn, thậm chí giá trên trời, không thể mua nổi. Bởi bản thân người ta không muốn bán, nên họ chây ỳ, gây khó khăn.
Và như vậy dự án không bao giờ tròn trịa được. Công tác giải phóng mặt bằng nếu chúng ta muốn làm triệt để, chống tham nhũng, chống tiêu cực, không có khiến kiện thì Nhà nước bắt buộc phải đứng ra làm. Doanh nghiệp không thể thoả thuận, “bắt ép” dân được nên họ lại phải “chạy”. Đất đai là tài sản của quốc gia, đất của Nhà nước thì Nhà nước phải đứng ra bán. Nhà nước mới có quyền thu hồi…
Nếu chúng ta cứ loanh quanh sửa luật kiểu này mà cứ để doanh nghiệp tự giải phóng mặt bằng thì sẽ chẳng bao giờ có khu đô thị đẹp cả. Nhà nước đứng ra giải phóng mặt bằng sẽ không còn hiện tượng cán bộ vướng vào vòng lao lý, và cũng không còn cảnh người dân khiếu kiện khắp nơi nữa. Tôi cho đây là lối thoát tốt nhất cho Luật Đất đai sửa đổi sắp tới./.