Nhận diện chủ đầu tư 'siêu' cảng quốc tế hơn 500 triệu USD tại Quảng Trị
Sau nhiều năm "đắp chiếu", dự án Khu bến cảng Mỹ Thủy (tại xã Hải An, huyện Hải Lăng - thuộc Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị) có tổng mức đầu tư khoảng 14.234 tỷ đồng sẽ tái khởi động lại vào 25/3/2024.
Dự án khu bến cảng Mỹ Thủy có quy mô 685 ha, gồm 10 bến cảng phục vụ chủ yếu cho Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị, các khu công nghiệp trên địa bàn và hàng hóa quá cảnh từ Lào, đông bắc Thái Lan trên tuyến hành lang kinh tế Đông Tây (EWEC).
Dự án được đầu tư theo 3 giai đoạn, gồm: Giai đoạn 1 (từ 2018 - 2025) đầu tư 4 bến với vốn đầu tư gần 5.000 tỷ đồng; giai đoạn 2 (từ 2026 – 2031) đầu tư 3 bến với số vốn gần 5.000 tỷ đồng; giai đoạn 3 (từ 2032 - 2036) đầu tư 3 bến với số vốn trên 4.300 tỷ đồng.
Dự án do Công ty cổ phần Liên doanh Cảng quốc tế Mỹ Thủy (MTIP) làm chủ đầu tư; Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng công trình Hàng hải (CMB) là đơn vị tư vấn; Tổng công ty 319 Bộ Quốc phòng là đơn vị thi công.
Ngày 27/02/2020, dự án chính thức được nhà đầu tư làm lễ khởi công xây dựng và hứa hẹn sẽ sớm đưa khu bến cảng này thành điểm tiếp nhận được tàu container cỡ lớn 100.000 DWT, tàu hàng rời 100.000 DWT, tàu tổng hợp 50.000 DWT. Công suất trung bình mỗi bến khoảng 3 triệu tấn/năm.
Tuy nhiên, sau khởi công thì dự án rơi vào cảnh án binh bất động.
Phía MTIP đã đề xuất UBND tỉnh Quảng Trị chia tách dự án đầu tư xây dựng bến cảng Mỹ Thủy thành các dự án độc lập, phân kỳ đầu tư độc lập với lý do không bảo đảm nguồn hàng qua cảng như dự tính nhưng không được chấp thuận.
Sau đó, MTIP đề nghị tái cấu trúc doanh nghiệp (liên doanh MTIP) và tiếp tục đầu tư mà không kêu gọi liên kết, liên doanh, huy động vốn.
Theo Công ty cổ phần Liên doanh Cảng quốc tế Mỹ Thủy cho biết, đến thời điểm này, các thủ tục pháp lý dự án đã cơ bản hoàn thành, đủ điều kiện để triển khai thi công dự án vào ngày 25/3/2024.
Công ty Cổ phần liên danh cảng quốc tế Mỹ Thủy (MTIP) được thành lập tháng 1/2015 với vốn điều lệ đăng ký 500 tỷ đồng.
Danh sách cổ đông sáng lập gồm Công ty TNHH Đầu tư phát triển dịch vụ xây dựng Việt Nam góp 350 tỷ đồng (tương đương 70% cổ phần), Công ty TNHH phát triển khoáng sản Duy Tân góp 125 tỷ đồng (tương đương 25% cổ phần) và cá nhân ông Trần Khánh Hưng, trú tại TP. Đông Hà, tỉnh Quảng Trị góp vốn 25 tỷ đồng (tương đương 5%).
Khi thành lập, Công ty do ông Nguyễn Minh Tân, sinh năm 1954, hộ khẩu thường trú tại quận 10, TP. Hồ Chí Minh làm Tổng Giám đốc.
Một năm sau ngày thành lập, Cảng quốc tế Mỹ Thủy đón Tổng Giám đốc người Hàn Quốc là ông Cho Gilhyung, sinh năm 1967. Ông Cho Gilhyung cũng là Tổng Giám đốc tại Công ty mẹ - cổ đông sáng lập sở hữu cổ phần lớn nhất tại Mỹ Thủy.
Đáng chú ý, gần 3 năm sau ngày thành lập, cổ đông Công ty Khoáng sản Duy Tân đã không góp vốn theo cam kết, khiến Mỹ Thủy phải điều chỉnh giảm vốn điều lệ từ 500 tỷ đồng xuống còn 375 tỷ đồng.
Cuối năm 2017, công ty Mỹ Thủy bất ngờ nâng vốn điều lệ từ 375 tỷ đồng lên 750 tỷ đồng. Cơ cấu cổ đông ghi nhận Công ty Xây dựng Việt Nam vẫn nắm 70%, còn số cổ phần ông Trần Khánh Hưng nắm giữ giảm xuống còn 2% và chuyển nhượng sang một cá nhân khác là bà Trần Mai Chi.
Tháng 8/2018, công ty tăng vốn điều lệ lên 2.250 tỷ đồng, trong đó Công ty TNHH Đầu tư phát triển dịch vụ xây dựng Việt Nam góp 1.575 tỷ đồng tương ứng tỷ lệ 70%, bà Trần Mai Chi giảm tiếp tỷ lệ sở hữu xuống 0,66% (không góp thêm vốn). Tổng Giám đốc sau đó liên tục bị thay đổi. Mới đây nhất, tháng 12/2023 ông Dương Viết Roãn, sinh năm 1964, quê Nam Định lên tiếp nhận "ghế nóng" điều hành Công ty cổ phần Liên danh cảng quốc tế Mỹ Thủy.
Cổ đông lớn của Mỹ Thủy tại dự án cảng quốc tế Mỹ thuỷ là Công ty TNHH Đầu tư phát triển dịch vụ xây dựng Việt Nam. Doanh nghiệp này được thành lập vào năm 2009, lấy trụ sở đóng tại quận 10, TP. Hồ Chí Mình. Khi thành lập doanh nghiệp này lấy nghành xây dựng nhà để ở làm nghành hoạt động chính với vốn điều lệ đăng ký ở mức 100 tỷ đồng. Cơ cấu cổ đông gồm ông Jung Tae Sung góp 49 tỷ đồng (49%), bà Đặng Thị Gầm góp 41 tỷ đồng (41%) và ông Nguyễn Quang Huy góp 10 tỷ đồng (10%).
Tháng 1/2022, cổ đông Jung Tae Sung chuyển cổ phần sang cho bà Lã Thị Lụa (29%) và bà Đặng Thị Du (20%).