Nhân tố mới đẩy giá vàng lên đỉnh cao chưa từng có: Cơn sốt không dừng lại?
Giá vàng thế giới tiếp tục lập đỉnh cao kỷ lục chưa từng có, nhưng thị trường bất ngờ ghi nhận sự xuất hiện của yếu tố chặn đà tăng của mặt hàng kim loại quý. Liệu cơn sốt vàng toàn cầu có dừng lại?
Lên đỉnh mới 2.350 USD/ounce
Giá vàng trong phiên giao dịch đầu tuần mới 8/4 trên thị trường châu Á tiếp tục đà tăng vọt từ cuối tuần trước trên thị trường Mỹ và nhanh chóng lập đỉnh cao lịch sử mới, ở mức gần 2.350 USD/ounce (tương đương 71,9 triệu đồng/lượng tính theo tỷ giá ngân hàng).
Trong tuần trước từ 1-5/4, giá vàng liên tiếp lập đỉnh cao kỷ lục, lần đầu tiên trong lịch sử lên mức 2.250 USD/ounce, rồi 2.300 USD và chốt tuần ở mức cao chưa từng có: 2.330 USD/ounce.
Trên thị trường châu Á, giá vàng giao ngay trong tuần mới tiếp tục tăng dữ dội nhờ sức cầu rất mạnh đến từ Trung Quốc. Sức mua mạnh tới mức dòng tiền đổ vào các quỹ ETF kinh doanh vàng đẩy giá chứng chỉ quỹ tăng vọt cao hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng tài sản ròng (NAV) của các quỹ này.
Sức cầu diễn ra trong bối cảnh thị trường tài chính và bất động sản của Trung Quốc có nhiều tín hiệu ổn định trở lại. Thêm vào đó, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) ngày 8/4 công bố thông tin mua ròng vàng tháng thứ 17 liên tiếp nhằm đa dạng hóa dự trữ ngoại hối.
Cụ thể, dự trữ vàng của PBOC tới cuối tháng 3 đã tăng thêm 160.000 ounce so với tháng liền trước, lên 72,74 triệu ounce (khoảng 2.262 tấn).
Các nhà quan sát cho rằng việc PBOC gia tăng nắm giữ vàng cho thấy Ngân hàng trung ương Trung Quốc tăng cường sự chú trọng vào tài sản trú ẩn an toàn truyền thống cũng như an ninh tài chính trong bối cảnh thị trường toàn cầu ngày càng bất định.
Trên Global Times, Giáo sư Đại học Tài chính và Kinh tế Thượng Hải Xi Junyang cho hay, lý do chính khiến Trung Quốc tăng nắm giữ vàng là sự bất ổn liên quan đến tiền tệ quốc tế, đặc biệt khi đồng USD có thể biến động và ảnh hưởng đến các nền kinh tế phụ thuộc vào đồng tiền này.
Theo dữ liệu từ Bộ Tài chính Mỹ, lượng trái phiếu kho bạc Mỹ mà Trung Quốc nắm giữ đã giảm xuống còn 797,7 tỷ USD trong tháng 1. Trung Quốc là chủ nợ lớn thứ 2 của Chính phủ Mỹ nhưng đã giảm dần nắm giữ trái phiếu Mỹ, từ tháng 4/2022 đã xuống dưới ngưỡng 1.000 tỷ USD.
Bên cạnh Trung Quốc, nhiều quốc gia đã bổ sung dự trữ vàng của mình để thay thế một phần cho đồng USD như một động thái phi USD hóa, bởi vàng có lợi thế lớn về an ninh và giá trị đầu tư ngày càng tăng.
Trong khi giá vàng trên thị trường châu Á lên mức cao kỷ lục mọi thời đại vào sáng 8/4, đồng USD có xu hướng đi ngang, giá dầu giảm hơn 1%, còn đa số các thị trường chứng khoán không có nhiều biến động.
Ở thị trường trong nước, trong sáng 8/4, giá vàng nhẫn vụt tăng thêm gần 1 triệu đồng và đạt đỉnh lịch sử mới trên 75 triệu đồng/lượng, có thương hiệu lên mức gần 75,5 triệu đồng/lượng.
Tới chiều 8/4, giá vàng miếng SJC bất ngờ tăng vọt lên 82,4 triệu đồng/lượng, chỉ còn cách 400.000 đồng so với đỉnh cao lịch sử ghi nhận hôm 12/3 dù mức chênh với giá thế giới đã được kéo từ mức 18-20 triệu đồng/lượng ghi nhận hồi cuối năm 2023 - đầu 2024 xuống còn dưới 11 triệu đồng/lượng.
Xuất hiện của yếu tố chặn đà tăng: Vàng có hết cơn sốt nóng?
Câu hỏi được đặt ra là: Tại sao sức cầu đối với vàng trên phạm vi toàn cầu lại tăng vọt vào thời điểm hiện tại, khi tình hình thế giới có vẻ ổn định hơn?
Trên thực tế, các số liệu cho thấy không chỉ các ngân hàng, mà còn cả các ngân hàng đầu tư, quỹ hưu trí, quỹ đầu tư quốc gia,... cũng không ngừng mua vàng vào. Sức cầu lớn đến mức thông tin căng thẳng tại Trung Đông hạ nhiệt cũng không khiến giá vàng thế giới giảm nhiều.
Áp lực chốt lời là có sau khi xuất hiện thông tin Israel đã rút toàn bộ binh sĩ, ngoại trừ một lữ đoàn, khỏi phía Nam Dải Gaza. Bên cạnh đó, Israel và lực lượng Hamas đã cử các nhóm đến Ai Cập để thực hiện vòng đàm phán mới về lệnh ngừng bắn tiềm năng trước kỳ nghỉ lễ Eid al-Fitr kéo dài 4 ngày, bắt đầu từ 21/4.
Tuy nhiên, mức giảm giá vàng được cho là không nhiều. Từ mức đỉnh gần 2.350 USD/ounce thiết lập sáng 8/4, giá vàng giao ngay về mức 2.337 USD/ounce vào cuối giờ chiều cùng ngày (giờ Việt Nam).
Sức cầu lớn khiến vàng treo ở mức rất cao, cao hơn 13,3% so với đầu năm. Mức giá 2.337 USD/ounce (sau điều chỉnh) vẫn cao hơn so với đỉnh lịch sử gần 2.330 USD/ounce được thiết lập một cách đầy bất ngờ vào cuối tuần trước.
Như vậy, có tín hiệu cho thấy giới đầu tư vẫn đánh cược vào việc vàng điều chỉnh giảm giá chỉ là tạm thời. Dòng tiền vẫn ồ ạt đổ vào vàng, kỳ vọng vào khả năng tăng giá của vàng còn kéo dài.
Căng thẳng địa chính trị tại Trung Đông hay một số khu vực khác vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro và bùng nổ bất cứ lúc nào.
Bên cạnh đó, những phát biểu của Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen nhân chuyến thăm Trung Quốc cuối tuần qua chứng tỏ căng thẳng về kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, có thể khiến kinh tế thế giới vốn ảm đạm trở nên xấu hơn.
Dòng tiền tại nhiều quốc gia có dấu hiệu chảy rất chậm vào hoạt động sản xuất kinh doanh. Trong bối cảnh như vậy, mọi con đường đều hướng dòng tiền vào các loại tài sản có độ rủi ro thấp như vàng. Đáng chú ý, dòng tiền hiện được dẫn dắt bởi các "tay chơi" lớn, điều này càng khiến cho các nhà đầu tư tổ chức và cá nhân phấn khích.