'Bong bóng giá vàng' sẽ sớm vỡ, đầu cơ đu đỉnh lỗ nặng?
Chỉ trong ít ngày, giá vàng liên tục tăng nóng, xô đổ các kỷ lục trước đó. Nhiều chuyên gia lo ngại “bong bóng giá vàng” sẽ sớm vỡ trong thời gian tới.
Giá vàng thế giới liên tục phá đỉnh
Trong những ngày qua, nhà đầu tư toàn cầu đã chứng kiến mức tăng đáng kinh ngạc của giá vàng thế giới. Chỉ sau ít ngày, giá vàng thế giới đã chinh phục mốc 2.300 USD/ounce, mức cao nhất mọi thời đại, phá vỡ những kỷ lục đã thiết lập trước đó. Tính từ đầu năm đến nay, giá của kim loại quý này đã tăng tới 11%.
Đà tăng của giá vàng được thúc đẩy chủ yếu từ kỳ vọng cắt giảm lãi suất của các ngân hàng trung ương, đặc biệt là Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Trong bài phát biểu mới đây, Chủ tịch Fed Jerome Powell đã gợi mở về khả năng cắt giảm lãi suất trong năm nay nếu nền kinh tế phát triển như mong đợi.
Ngoài ra, những yếu tố như bất ổn địa chính trị, sức mua vàng của các ngân hàng trung ương trên toàn cầu cũng góp phần không nhỏ vào mức tăng của giá vàng.
Tuy nhiên, sức nóng từ giá vàng khiến nhiều chuyên gia và nhà quan sát thị trường bối rối. Nhiều chuyên gia nhìn nhận mức tăng trưởng của giá vàng ở thời điểm hiện tại là bất thường.
Chia sẻ với Bloomberg, ông Kyle Rodda, chuyên gia phân tích thị trường tại công ty tài chính Capital, nhận định: "Nếu giá vàng tiếp tục tăng mạnh như hiện tại, thị trường chắc chắn sẽ phải đối mặt với một đợt điều chỉnh".
Các chuyên gia cũng lên tiếng cảnh báo các nhà đầu tư không nên "all-in" vào vàng. “Khi mọi thứ khác đang đi xuống, vàng là thứ có khả năng hoạt động tốt. Nhưng xét về lâu dài, bạn sẽ có lợi hơn nếu nắm giữ những tài sản có khả năng tăng trưởng và mang lại lợi nhuận với lãi suất gộp”, ông William Bernstein, tác giả cuốn sách “Bốn trụ cột đầu tư” cho biết.
Trái lại, cũng có không ít người vẫn lạc quan với đà tăng của giá vàng. Ông Michael Widmer, nhà phân tích hàng hóa của Bank of America, dự báo giá vàng thế giới sẽ tiếp tục được đẩy lên mức 2.400 USD/ounce trong năm nay.
Đồng quan điểm, ông Ford O’Neill, nhà đồng quản lý danh mục đầu tư tại Fidelity Strategic Real Return Fund, tin rằng: “Với việc Fed và nhiều ngân hàng trung ương dự kiến bắt đầu cắt giảm lãi suất trong năm nay thì triển vọng về vàng đang ngày càng tươi sáng hơn”.
Cơn sốt vàng trong nước
Ở trong nước, thị trường vàng cũng đang nóng hơn bao giờ hết. Sau thời gian ngắn bình ổn, giá vàng trong nước tiếp tục quay đầu tăng trở lại và chinh phục mức cao nhất từ trước đến nay.
Trong những ngày đầu tháng 4, giá vàng miếng SJC dao động quanh ngưỡng 81 – 82 triệu đồng/lượng. Cùng thời điểm, giá vàng nhẫn cũng leo lên mức hơn 72 triệu đồng/lượng. Chỉ trong 5 ngày đầu tháng, giá vàng nhẫn đã tăng gấp 3 lần so với giá vàng miếng SJC.Còn tính trong quý I/2024, giá vàng trong nước đã tăng tới 18,23% so với cùng kỳ năm ngoái.
Giá vàng, đặc biệt là giá vàng nhẫn, tăng trở lại trong bối cảnh Ngân hàng Nhà nước vẫn chưa đưa ra phương án chỉnh sửa Nghị định 24 để bình ổn thị trường vàng.
Trong cuối tháng 3, Ngân hàng Nhà nước đã đề xuất sẽ xóa bỏ độc quyền vàng miếng SJC, cho phép một số doanh nghiệp đủ điều kiện nhập khẩu vàng nguyên liệu.
Trong chia sẻ với Vneconomy, PGS – TS Nguyễn Hữu Huân cho biết, việc xóa bỏ độc quyền sẽ giúp thị trường vàng chuyển từ độc quyền sang cạnh tranh. “Khi có nhiều người bán hơn, nguồn cung dồi dào hơn thì giá vàng trong nước có thể giảm”, ông nói.
Tuy nhiên, ông Huân cũng cho rằng đây có thể chỉ là giải pháp làm hạ nhiệt giá vàng trong thời gian ngắn nhưng chưa hẳn là giải quyết tốt nhất. “Nếu thị trường chuyển từ độc quyền sang độc quyền nhóm, tức chỉ một số doanh nghiệp được phép kinh doanh và phân phối vàng miếng thì cấu trúc thị trường cũng sẽ không thay đổi quá nhiều khi các doanh nghiệp kinh doanh vàng lớn có thể thống nhất giá với nhau để cùng có lợi chung”, ông lý giải.
Bên cạnh các giải pháp bình ổn thị trường vàng trong ngắn hạn, PGS – TS Nguyễn Hữu Huân cũng lưu ý Ngân hàng Nhà nước cần triển khai các giải pháp khác về dài hạn nhằm giảm sức hấp dẫn của vàng trong nền kinh tế.
“Nếu người dân làm bao nhiêu mua vàng bấy nhiêu, và nguồn vốn lại tiếp tục chảy ra ngoài thì thử hỏi nguồn vốn đâu để tái đầu tư sản xuất kinh doanh? Lúc đó chúng ta sẽ phải đối mặt với vấn đề nhập siêu và áp lực tỷ giá khi phần lớn ngoại tệ phải dùng cho việc nhập vàng”, ông nói.