Nhiều cổ phiếu BĐS giao dịch tích cực trong phiên 22/2, tâm điểm VHM và THD
TTCK rung lắc trong phiên 22/2 với sự phân hóa ở nhóm cổ phiếu lớn. Nhóm bất động sản cũng không nằm ngoài xu hướng chung. VHM và THD là các cổ phiếu đóng góp lớn trong việc giữ sắc xanh của VN-Index và HNX-Index.
Thị trường chứng khoán phiên giao dịch đầu tuần 22/2 diễn biến theo hướng giằng co rung lắc với sự phân hóa ở nhóm cổ phiếu trụ cột. Thị trường khởi đầu phiên giao dịch khá tốt với sắc xanh chiếm ưu thế và góp phần nâng đỡ các chỉ số.
Tuy nhiên, sự tích cực không được duy trì khi lực bán dâng cao ở phiên chiều và tạo áp lực rung lắc mạnh đến các chỉ số. Những cổ phiếu gây áp lực lớn lên thị trường chung có PNJ, SHB, VRE, SAB, GAS, VCB, BID, VNM..., trong đó PNJ giảm 2,1%, SHB giảm 1,3%, VRE giảm 1%, SAB giảm 0,9%, GAS giảm 0,8%.
Ở chiều ngược lại, 2 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất ngành bất động sản là VIC và VHM đóng góp nhiều nhất trong việc giữ được sắc xanh nhẹ của VN-Index. Trong đó, VHM tăng 2,6% lên 105.800 đồng/cp, còn VIC tăng 0,6% lên 109.700 đồng/cp. Bên cạnh đó, một cổ phiếu bất động sản vốn hóa lớn khác cũng tạo được sự bất ngờ là THD khi bật tăng rất mạnh vào cuối phiên với 9,8% lên 184.500 đồng/cp và là nhân tố chủ chốt giúp HNX-Index “bay” cao.
Đối với các cổ phiếu bất động sản vốn hóa vừa và nhỏ, sự phân hóa cũng diễn ra tương đối mạnh, tuy nhiên, sắc xanh có phần nhỉnh hơn. Trong đó, CSC, UNI, QCG, NVT hay ILB vẫn được kéo lên mức giá trần. BII tăng đến 7,6% lên 7.100 đồng/cp, HQC tăng 4,8% lên 2.610 đồng/cp, LDG tăng 4,3% lên 7.600 đồng/cp, FLC tăng trở lại 3,9% lên 6.320 đồng/cp, DXG tăng 3,1% lên 24.900 đồng/cp. Các mã thanh khoản cao như OGC, DRH, CII, NDN... cũng tăng giá tốt ở phiên 22/2.
Trong khi đó, các cổ phiếu bất động sản giảm đáng chú ý có HPX, CEO, TIG, TCH, NLG, CRE, KBC, DIG... nhưng đa phần mức giảm của các mã này đều chỉ dưới 3%. HPX có mức giảm mạnh nhất với 5,7% xuống 39.550 đồng/cp, CEO cũng giảm 3,6% xuống 10.800 đồng/cp. PDR giảm 0,6% xuống 64.500 đồng/cp bất chấp thông tin được CTCP Chứng khoán Yuanta Việt Nam (YSVN) dự báo sẽ được quỹ DB x-trackers FTSE Vietnam ETF (FTSE ETF) thêm vào danh mục ở kỳ cơ cấu tháng 3 tới.
Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 1,54 điểm (0,13%) lên 1.175,04 điểm. Toàn sàn có 199 mã tăng, 231 mã giảm và 72 mã đứng giá. HNX-Index tăng 6,79 điểm (2,94%) lên 237,97 điểm. Toàn sàn có 102 mã tăng, 88 mã giảm và 63 mã đứng giá. UPCoM-Index tăng 0,44 điểm (0,58%) lên 76,57 điểm.
Thanh khoản trên hai sàn niêm yết gia tăng so với phiên trước đó nhưng vẫn thấp hơn mức trung bình 20 phiên với giá trị giao dịch đạt 17.076 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch 737 triệu cổ phiếu, trong đó giao dịch thỏa thuận chiếm 1.401 tỷ đồng. HQC là cổ phiếu bất động sản hiếm hoi lọt vào danh sách 10 mã khớp lệnh mạnh nhất thị trường phiên 22/2 với 15 triệu cổ phiếu.
Khối ngoại giao dịch theo hướng tiêu cực khi bán ròng lên đến 610 tỷ đồng trên toàn thị trường. VIC và NLG là 2 mã bất động sản nằm trong top 10 về giá trị bán ròng của khối ngoại với lần lượt 41 tỷ đồng và 19 tỷ đồng.
Trong khi đó, VHM được mua ròng mạnh nhất với 38 tỷ đồng. Đây cũng là cổ phiếu bất động sản duy nhất nằm trong top 10 về giá trị mua ròng của khối ngoại.
Theo phân tích của CTCP Chứng khoán MB (MBS), đây không phải là phiên đầu tiên thị trường bị ép xuống ở thời điểm cuối phiên, thanh khoản tiếp tục được giữ ở mức cao và dòng tiền dịch chuyển trở lại nhóm bluechips đã hỗ trợ thị trường giữ vững thành quả phía trên ngưỡng 1.175 điểm.
Về kỹ thuật, xu hướng tăng vẫn tiếp tục được củng cố khi chỉ số VN-Index đã vượt đường xu hướng (trendline) giảm giá kể từ đầu năm. Áp lực bán chủ yếu đến từ khối ngoại ở nhóm bluechips, tuy vậy dòng tiền nội vẫn hấp thụ tốt lượng bán này, thị trường khả năng vẫn còn các nhịp rung lắc trong quá trình hướng đến ngưỡng 1.200 điểm./.