Cổ phiếu BĐS phân hóa, VN-Index giằng co trong phiên 19/2
Các chỉ số chứng khoán giằng co trong phiên giao dịch 19/2 với sự phân hóa mạnh ở nhóm cổ phiếu trụ cột. Các cổ phiếu bất động sản cũng đi theo xu thế chung và cũng có sự phân hóa.
Thị trường chứng khoán phiên giao dịch ngày 19/2 không còn giữ được đà tích cực như 2 phiên trước. Ngay từ đầu phiên, áp lực bán đã dâng cao và đẩy hàng loạt cổ phiếu vốn hóa lớn lao dốc và điều này cũng khiến các chỉ số điều chỉnh. Tuy nhiên, nhờ lực đẩy của một vài mã trụ cột, nên có thời điểm, các chỉ số hồi phục tốt trở lại.
Sự phân hóa diễn ra rõ nét trong khoảng thời gian sau đó, 2 chỉ số chính VN-Index và HN-Index chỉ biến động với biên độ hẹp quanh mốc tham chiếu. Đáng chú ý, tình trạng nghẽn lệnh trên HoSE lại xuất hiện vào khoảng thời gian hơn 14h và từ thời điểm đó trở đi, VN-Index gần như chỉ đi ngang.
Các cổ phiếu đóng vai trò trụ đỡ cho các chỉ số là ACB, MBB, BID, SHB… Trong đó, ACB gây bất ngờ nhất khi tăng đến 6,7% lên 31.100 đồng/cp và đây chính là cổ phiếu đi đầu trong việc giúp VN-Index có thời điểm hồi phục và vượt qua mốc tham chiếu.
Trong khi đó, sắc đỏ bao trùm lên hàng loạt cổ phiếu lớn khác như FPT, NVL, VPB, MWG, HVN… Đồng thời, phiên 19/2 cũng là thời điểm các cổ phiếu dầu khí như PVD, PVS hay GAS đều chỉnh trở lại sau chuỗi tăng tích cực.
Tại nhóm cổ phiếu bất động sản, sự phân hóa đã diễn ra rõ nét. Các cổ phiếu lớn như VIC, VHM, VRE hay NVL đều giảm giá trở lại. Bên cạnh đó, các cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ thanh khoản cao thuộc nhóm ngành này như TIG, FIT, CII, FLC, KBC, ASM, HDC… cũng chìm trong sắc đỏ.
Kết thúc phiên, TIG giảm 5,1% xuống 7.500 đồng/cp và khớp lệnh 2,2 triệu cổ phiếu; FIT giảm 3,7% xuống 11.600 đồng/cp và khớp lệnh 2,9 triệu cổ phiếu; CII giảm 3,5% xuống 21.800 đồng/cp và khớp lệnh 4,2 triệu cổ phiếu. FLC giảm 3,5% xuống 6.080 đồng/cp và khớp lệnh 13,3 triệu cổ phiếu.
Ở chiều ngược lại, sự tích cực được duy trì trên nhiều cổ phiếu bất động sản, trong đó, NVT, QCG, ILB, PPI… vẫn tăng trần. Bên cạnh đó, SGR tăng 6,8% lên 23.700 đồng/cp, HAR tăng 6% lên 5.300 đồng/cp, CEO tăng 4,7% lên 11.200 đồng/cp, TDH tăng 4,3% lên 8.470 đồng/cp, DIG tăng 2,1% lên 31.450 đồng/cp.
Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm 0,88 điểm (-0,07%) xuống 1.173,5 điểm. Toàn sàn có 203 mã tăng, 230 mã giảm và 57 mã đứng giá. HNX-Index tăng 0,22 điểm (0,1%) lên 231,18 điểm. Toàn sàn có 99 mã tăng, 97 mã giảm và 67 mã đứng giá. UPCoM-Index tăng 0,78 điểm (1,04%) lên 76,13 điểm.
Thanh khoản thị trường thấp hơn phiên trước với tổng khối lượng giao dịch đạt 750 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị giao dịch đạt 17.300 tỷ đồng, trong đó, giao dịch thỏa thuận chiếm hơn 360 tỷ đồng. HQC là cổ phiếu bất động sản duy nhất nằm trong top 10 mã khớp lệnh toàn thị trường với 14,6 triệu cổ phiếu. Chốt phiên, HQC tăng nhẹ 0,8% lên 2.490 đồng/cp.
Khối ngoại không còn giữ được sự tích cực khi bán ròng hơn 20 tỷ đồng trên toàn thị trường ở phiên 19/2. Trong đó, NVL, HDG hay DXG là các cổ phiếu bất động sản nằm trong top 10 về giá trị bán ròng của khối ngoại. Chiều ngược lại, các mã bất động sản được mua ròng mạnh có VIC (37,5 tỷ đồng) và CII (33 tỷ đồng).
Như vậy, các chỉ số đã tăng điểm mạnh trong tuần giao dịch đầu tiên của năm mới Tân Sửu 2021. Cụ thể, VN-Index tăng 58,57 điểm (5,3%) lên 1.173,5 điểm; HNX-Index tăng 6,28 điểm (2,8%) lên 231,18 điểm. Thanh khoản trên hai sàn niêm yết tăng so với tuần trước đó và nhưng vẫn thấp hơn mức trung bình 20 phiên với khoảng hơn 16.200 tỷ đồng giao dịch mỗi phiên trên hai sàn. Giá trị giao dịch trên HoSE tăng 45,9% lên 43.305 tỷ đồng, tương ứng với khối lượng giao dịch tăng 42,5% lên hơn 1,7 triệu cổ phiếu; giá trị giao dịch trên HNX tăng 66,9% lên 5.431 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch tăng 52,8% lên 310 triệu cổ phiếu.
Theo phân tích của CTCP Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS), lực cầu mua lên trong tuần qua đã áp đảo được bên bán, giúp VN-Index tiến vào vùng kháng cự gần nhất quanh ngưỡng 1.170 điểm (đỉnh của đợt hồi phục kỹ thuật trước đó). Thanh khoản trong tuần qua có sự gia tăng so với tuần trước đó, nhưng vẫn thấp hơn mức trung bình 20 phiên, cho thấy nhà đầu tư vẫn còn sự thận trọng nhất định do những phiên giảm mạnh trước.
Trên góc nhìn kỹ thuật, VN-Index hiện đang giao dịch trong sóng tăng 5 với target quanh ngưỡng 1.250 điểm nên khả năng thị trường tiếp tục tăng điểm trong tuần tiếp theo được đánh giá cao hơn. Tuy nhiên, những rung lắc có thể diễn ra trong các phiên đầu tuần do VN-Index kết tuần quanh ngưỡng 1.170 điểm.
SHS khuyến nghị nhà đầu tư với tầm nhìn trung hạn có thể tiếp tục nắm giữ cổ phiếu với kỳ vọng sóng 5 sẽ tiếp tục trong thời gian tới với target quanh ngưỡng 1.250 điểm. Nhà đầu tư ngắn hạn đã bắt đáy và chốt lời trước Tết có thể quay trở lại thị trường nếu có nhịp điều chỉnh về vùng hỗ trợ mạnh trong khoảng 1.110 - 1.120 điểm (MA20 - 50) hoặc chờ đợi thị trường bứt phá khỏi ngưỡng 1.200 điểm sau một vài tuần tích lũy.