Nhiều cổ phiếu BĐS lớn giảm trong phiên 16/3, dòng tiền vẫn đổ vào nhóm vốn hóa vừa và nhỏ

VN-Index biến động tiêu cực trước đà giảm của nhiều cổ phiếu trụ cột. Dòng tiền vẫn hướng vào nhóm cổ phiếu bất động sản vốn hóa vừa và nhỏ như FLC, TCH, DXG...

Thị trường chứng khoán phiên 16/3 đi theo chiều hướng khá tiêu cực khi sắc đỏ bao trùm lên nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn và khiến chỉ số chính VN-Index rung lắc rất mạnh. Có thời điểm VN-Index giảm đến gần 13 điểm, tuy nhiên lực cầu ở một số cổ phiếu lớn vẫn còn khá mạnh nên đà giảm của chỉ số này được thu hẹp lại.

Các cổ phiếu giúp nâng đỡ cho VN-Index và HNX-Index phiên 16/3 là FPT, SHB, SAB, PLX và VRE, trong đó, FPT tăng mạnh 5,9% lên 81.000 đồng/cp sau khi công bố tài liệu Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2021.

Theo đó, HĐQT công ty này sẽ trình ĐHĐCĐ thông qua phương án chi trả cổ tức năm 2020 bằng tiền mặt tỷ lệ 20%, trong đó 10% đã tạm ứng trong năm 2020 và 10% còn lại dự kiến trả trong quý II sau khi ĐHĐCĐ phê duyệt. Ngoài ra, doanh nghiệp sẽ dùng lợi nhuận giữ lại để chia cổ tức cổ phiếu tỷ lệ 15%.

Các cổ phiếu ảnh hưởng lớn nhất đến VN-Index. Nguồn: Fialda.  
Các cổ phiếu ảnh hưởng lớn nhất đến VN-Index. Nguồn: Fialda.  
Trong khi đó, SHB tăng 5,1% lên 18.700 đồng/cp, SAB tăng 2% lên 180.600 đồng/cp, PLX tăng 1,2% lên 57.800 đồng/cp, VRE tăng 1% lên 34.800 đồng/cp.
Các cổ phiếu ảnh lớn nhất đến HNX-Index. Nguồn: Fialda.  
Các cổ phiếu ảnh lớn nhất đến HNX-Index. Nguồn: Fialda.  
Trái ngược với VRE, rất nhiều cổ phiếu bất động sản vốn hóa lớn giảm trong phiên 16/3 và gây áp lực lớn lên đường đi của VN-Index cũng như HNX-Index. Trong đó, BCM giảm 1,7% xuống 57.300 đồng/cp, NVL giảm 1,2% xuống 80.900 đồng/cp, THD giảm 0,9% xuống 201.700 đồng/cp, VIC giảm 0,6% xuống 105.400 đồng/cp, VHM giảm nhẹ 0,3% xuống 99.500 đồng/cp.

Nhóm cổ phiếu bất động sản vốn hóa vừa và nhỏ biến động vẫn theo chiều hướng phân hóa, tuy nhiên dòng tiền có phần tập trung vào nhiều cổ phiếu thanh khoản cao. BII, PVL, TNT… đều được kéo lên mức giá trần. FLC tăng đến 4,3% lên 7.700 đồng/cp, FIT tăng 4,3% lên 12.200 đồng/cp, TCH tăng 4% lên 23.600 đồng/cp, DXG tăng 2,5% lên 24.500 đồng/cp, TDH tăng 2,4% lên 7.790 đồng/cp…

Chiều ngược lại, các cổ phiếu bất động sản thanh khoản cao giảm giá đáng chú ý có TIP, LHG, TIG, SCR, DIG, NTL… Trong đó, TIP giảm 2,6%, SCR giảm 2%, IDJ giảm 1,7%, DIG giảm 1,4%.

Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm 4,66 điểm (-0,39%) xuống 1.179,9 điểm. Toàn sàn có 162 mã tăng, 297 mã giảm và 56 mã đứng giá. HNX-Index tăng 0,69 điểm (0,25%) lên 275,88 điểm. Toàn sàn có 105 mã tăng, 103 mã giảm và 61 mã đứng giá. UPCoM-Index tăng 0,11 điểm (0,14%) lên 80,93 điểm.

Thanh khoản trên hai sàn niêm yết xấp xỉ so với phiên trước đó và cao hơn mức trung bình 20 phiên với giá trị giao dịch đạt 18.076 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch 852 triệu cổ phiếu, trong đó giao dịch thỏa thuận chiếm tới 1.893 tỷ đồng. FLC và HQC là 2 cổ phiếu bất động sản nằm trong top 10 khớp lệnh toàn thị trường, trong đó, FLC khớp lệnh đến 33,4 triệu cổ phiếu, còn HQC là 26,4 triệu cổ phiếu.

Các cổ phiếu có giá trị mua/bán ròng của khối ngoại lớn nhất.Nguồn: Fialda.
Các cổ phiếu có giá trị mua/bán ròng của khối ngoại lớn nhất.Nguồn: Fialda.

Khối ngoại bán ròng 173 tỷ đồng trên toàn thị trường ở phiên 16/3, trong đó, VRE và NVL nằm trong top 10 về giá trị bán ròng của khối ngoại với lần lượt 31 tỷ đồng và 21 tỷ đồng. Chiều ngược lại, các cổ phiếu bất động sản được mua ròng mạnh có KBC, PDR, CRE và CII.

Theo CTCP Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS), thị trường điều chỉnh nhẹ với thanh khoản cao hơn mức trung bình 20 phiên. Mẫu hình nến cây búa cho thấy lực cầu giá thấp khi thị trường rơi về gần hỗ trợ MA20 ngày vẫn là tương đối tốt. Trên góc nhìn kỹ thuật, xu hướng trung hạn tiếp tục là tích cực với việc thị trường đang trong sóng tăng 5 và chưa có dấu hiệu kết thúc (sóng tăng 5 chỉ xác nhận là kết thúc khi nó đạt đến target quanh ngưỡng 1.250 điểm hoặc điều chỉnh thủng ngưỡng tâm lý 1.000 điểm - đáy của sóng điều chỉnh 4).

Trong ngắn hạn, xu hướng tăng có thể quay trở lại trong phiên 17/3 để chỉ số VN-Index tiệm cận gần hơn với ngưỡng tâm lý 1.200 điểm. Nhà đầu tư với tầm nhìn trung hạn có thể tiếp tục nắm giữ cổ phiếu với kỳ vọng sóng tăng 5 sẽ tiếp tục trong thời gian tới. Nhà đầu tư ngắn hạn đã mua vào trong phiên 9/3 và 10/3 khi thị trường test ngưỡng hỗ trợ MA20 ngày nên quan sát thị trường trong phiên tới và có thể canh chốt lời nếu thị trường tiến đến ngưỡng kháng cự tâm lý 1.200 điểm. Những nhà đầu tư mua vào trong phiên 16/3 khi thị trường điều chỉnh về hỗ trợ MA20 ngày tiếp tục quan sát và có thể mua thêm nếu thị trường điều chỉnh về vùng hỗ trợ 1.150 - 1.175 điểm (MA20-50)./.

Tuấn Hào

Theo Reatimes