Thị trường chứng khoán 16/3: Khối ngoại bán ròng, "bong bóng" cổ phiếu RIC vỡ
Thị trường tiếp tục chuỗi ngày sideway khi điểm giảm mạnh rồi lại giằng co khi có lực cầu bắt đáy. Lực cầu chủ yếu đến từ trong nước khi khối ngoại tiếp tục chuỗi ngày bán ròng.
Thị trường tiếp tục chuỗi ngày sideway khi điểm giảm mạnh rồi lại giằng co khi có lực cầu bắt đáy. Lực cầu chủ yếu đến từ trong nước khi khối ngoại tiếp tục chuỗi ngày bán ròng.
VN-Index đóng cửa giảm 4,66 điểm (0,39%) xuống 1.179,9 điểm; trong khi HNX-Index tăng 0,26% lên 275,89 điểm và UPCom-Index tăng 0,13% lên 80,93 điểm. SHB tiếp tục là cổ phiếu đáng chú ý nhất trong những ngày qua khi liên tục tăng điểm, hơn 10% trong 4 phiên trở lại đây với thanh khoản lên tới hơn 63 triệu cổ phiếu. Vừa mới đây, SHB cũng đã thông báo về quyết định chia cổ tức lên tới 20% cho năm 2019 – 2020 đối với những cổ đông hiện hành. SHB được đánh giá là ngân hàng chi trả cổ tức khá cao so với các ngân hàng khác.
Khối ngoại tiếp tục những ngày bán ròng với những mã cổ phiếu lớn của Việt Nam, là phiên thứ 12 liên tiếp trên sàn HNX và phiên thức 18 liên tiếp với sàn HOSE. Lực bán của khối ngoại tập trung chủ yếu vào VNM (-223,8 tỷ đồng), MBB (-60 tỷ đồng), HPG (-40 tỷ đồng)… Đáng chú ý là cổ phiếu FRT của FPT Retails khi bị liên tục bán ròng bởi khối ngoại. Ngày 9/3/2021, VOF Investment Limited vừa bán ra 500.000 cổ phiếu FPT Retail (FRT), theo đó tổng sở hữu nhóm VinaCapital giảm từ 5,42% về 4,78% vốn và không còn là cổ đông lớn. Được biết, từ cuối năm 2020, nhóm quỹ này liên tục bán cổ phần FRT. Cùng thời gian, nhóm quỹ Dragon Capital cũng hạ dần tỷ trọng tại cổ phiếu FRT, giảm tỷ lệ nắm giữ về 3,12% vốn và không còn là cổ đông lớn tại doanh nghiệp từ 31/12/2020. FRT từng đạt đỉnh tại mức 35.000 đồng/cp vào cuối năm 2020, hiện đang giảm dần về mức 28.750 đồng/cp. Các quỹ ngoại có vẻ đã mất kiên nhẫn với mảng bán lẻ của FPT khi thị trường điện máy đang rơi vào thời kỳ bão hòa.
Việc sàn HOSE vẫn liên tục nghẽn vào buổi chiều, dòng tiền đã dần chuyển sang sàn HNX và UPCoM nên trong khi VNIndex có một ngày nhuốm sắc đỏ giảm 4,66 điểm thì HNX tăng 0,7 điểm (+0,9%) lên 275,89 điểm và UPCoM-Index tăng 0,11 điểm (+0,13%) lên 80,93 điểm.
“Bong bóng” RIC vỡ, điều đã được dự báo trước. Sau 34 phiên tăng trần liên tục từ vùng giá 5.130 đồng/cổ phiếu lên 46.150 đồng/cổ phiếu, tức tăng khoảng 800% trong thời gian từ 8/1 - 4/3/2021, cổ phiếu RIC của Công ty cổ phần Quốc tế Hoàng Gia liên tục nằm sàn với dư bán khối lượng lớn. Sau phiên 16/03, cổ phiếu này chỉ còn giá 25.95 và thanh khoản ở mức thấp chỉ 4300 cổ phiếu. Đây là một điều đã được dự báo từ trước bởi giá của cổ phiếu đã được thổi phồng phi lý. Tình hình kinh doanh của doanh nghiệp đã cho thấy dấu hiệu gặp khó khăn trước và trong dịch Covid-19. Trong đó, năm 2019 báo lỗ 72,8 tỷ đồng, năm 2020 lỗ 81,5 tỷ đồng và luỹ kế tới 31/12/2020 lỗ tới 309,8 tỷ đồng.
Trước đây đã có rất nhiều trường hợp cổ phiếu tăng trần liên tục mà không dựa trên bất kỳ thông tin tích cực nào về doanh nghiệp, nhà đầu tư không tỉnh táo sẽ bị mắc kẹt trên đỉnh và không thể bán khi không có người mua khi cổ phiếu bắt đầu nằm sàn. Việc bắt đáy RIC với nhà đầu tư lúc này sẽ rất rủi ro nếu như nhà đầu tư chỉ nhớ tới đỉnh mới hình thành, mà quên rằng cổ phiếu đã từ đáy đi lên. Trong lịch sử, đa phần các cổ phiếu rơi tự do sẽ có xu hướng phá đáy đã hình thành trước khi tạo sóng tăng.