Nhiều dự án đầu tư nghìn tỷ bị bỏ hoang ở Quảng Bình
Vùng đất nằm ở bán đảo Bảo Ninh, TP Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình được ví như khu đất vàng với nhiều địa thế phát triển du lịch. Tuy nhiên, nhiều dự án tại đây được đầu tư lến đến hàng nghìn tỷ đồng lại bị chậm tiến độ và đã dừng thi công từ nhiều năm qua.
Lãnh đạo tỉnh Quảng Bình cho biết, trên địa bàn tỉnh hiện đang có 173 dự án chậm tiến độ nhiều năm và bị kéo dài thời gian quá lâu mà mãi vẫn không triển khai. Để tránh tình trạng lãng phí và ảnh hưởng đến đời sống của người dân địa phương, tỉnh cùng các ngành sẽ rà soát lại dự án chậm tiến độ quá lâu, nhiều lần gia hạn và sẽ kiên quyết thu hồi để tạo điều kiện cho nhà đầu tư có năng lực vào địa phương.
Theo tìm hiểu, Bán đảo Bảo Ninh nằm phía đông sông Nhật Lệ tỉnh Quảng Bình là một trong những khu vực có nhiều dự án được đầu tư, với diện tích hơn 1.600 ha. Là khu vực có địa thế thuận lợi, một mặt giáp sông, một mặt hướng biển, nơi đây được ví như "hòn ngọc" của TP Đồng Hới (Quảng Bình) với kỳ vọng trở thành trung tâm du lịch nghỉ dưỡng, thị trường bất động sản lớn của miền Trung. Tuy nhiên, nhiều dự án nhà hàng, khách sạn, khu nghỉ dưỡng được đầu tư hàng trăm đến cả nghìn tỷ tại đây lại chậm tiến độ, đắp chiếu trong nhiều năm qua.
Một trong những dự án bị chậm tiến độ phải kể đến là dự án khách sạn 5 sao Pullman. Dự án này được UBND tỉnh Quảng Bình chấp thuận cho Công ty cổ phần Du lịch Hà Nội - Quảng Bình làm chủ đầu tư theo quyết định số 2231/QĐ-UBND ngày 27/7/2016. Theo đó, Công ty cổ phần Du lịch Hà Nội - Quảng Bình được thuê hơn 56.000 m2 tại xã Bảo Ninh, TP. Đồng Hới để sử dụng vào mục đích đất thương mại xây dựng Khách sạn 5 sao Pullman.
Dự kiến cuối năm 2019, dự án sẽ hoàn thành đưa vào khai thác, sử dụng. Thế nhưng, sau khi hoàn thành thi công xong phần thô của khối khách sạn và các hạng mục công trình biệt thự, toàn bộ dự án đắp chiếu nhiều năm qua.
Một dự án khác nằm cạnh trục đường Võ Nguyên Giáp của bán đảo Bảo Ninh là dự án Khu Resort Golden City của Công ty CP Golden City (trụ sở tại Nghệ An) làm chủ đầu tư.
Dự án có diện tích 8,050 ha, tổng mức đầu tư 357 tỷ đồng, được phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 1712/QĐ-UBND ngày 17/5/2017 của UBND tỉnh Quảng Bình, thời hạn sử dụng đất 50 năm (tức đến 17/5/2067).
Theo phê duyệt, dự án sẽ khởi công trước ngày 30/6/2019 và hoàn thành ngày 31/12/2020. Tuy nhiên, hơn 5 năm trôi qua, kể từ ngày được duyệt chủ trương, dự án được quây tôn nhưng vẫn “bất động” không có gì tiến triển.
Trước đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Bình đã có văn bản yêu cầu Công ty Cổ phần Golden City đẩy nhanh tiến độ, báo cáo giám sát, đánh giá đầu tư để xử lý. Đến nay, chủ đầu tư đã có báo cáo nhưng tiến độ còn chậm. Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Bình đã đề xuất UBND tỉnh làm việc với chủ đầu tư trước 15/2/2020 để cam kết tiến độ hoặc xử lý thu hồi. Cả dự án hiện chỉ lác đác 3 chiếc máy xúc, ủi hiện diện giữa bộn bề ngổn ngang các ụ đất cát và các ống cống bê tông đúc sẵn.
Ngoài ra, dự án Khu du lịch sinh thái Sài Gòn - Bảo Ninh có tổng mức đầu tư 424 tỷ đồng, do Công ty CP Du lịch Sài Gòn - Quảng Bình làm chủ đầu tư cũng trong tình trạng tương tự. Dự án được UBND tỉnh Quảng Bình cấp giấy chứng nhận đầu tư lần đầu vào ngày 27/4/2009; điều chỉnh lần 1 ngày 15/11/2018; điều chỉnh lần 2 ngày 10/10/2019. Dự án được UBND tỉnh cho thuê đất tại Quyết định số 1480/QĐ-UBND ngày 24/06/2009; tiến độ hoàn thành được quy định sau khi được gia hạn điều chỉnh chủ trương đầu tư lần 2 đến hết tháng 9/2020. Tuy vậy, 3 năm qua, dự án rơi vào trạng thái "bất động" sau khi hoàn thành xong phần thô khối tòa nhà khách sạn.
Tính đến nay, ngoài phần thô khối tòa nhà khách sạn đã cơ bản hoàn thành thì các hạng mục công trình phụ khác vẫn ngổn ngang, dang dở. Toàn dự án không một bóng người, cỏ dại mọc um tùm rậm rạp. Xung quanh khối tòa nhà khách sạn, các tấm lưới đan ngăn đất đá, vật liệu rơi vãi đã rách tơi tả và rụng gần hết, chỉ còn trơ lại các khung kim loại dùng để cố định các tấm lưới vào tòa nhà.
Ước tính, khối lượng giải ngân toàn dự án Khu du lịch sinh thái Sài Gòn – Bảo Ninh đến nay mới chỉ đạt khoảng 150/424 tỷ đồng. UBND tỉnh Quảng Bình, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường đã nhiều lần đốc thúc yêu cầu chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ, đưa dự án vào hoạt động theo cam kết nhưng diễn biến trên thực tế của dự án không có nhiều biến chuyển.