Nhìn lại lịch sử quy hoạch Hà Nội

Là minh chứng qua các thời kỳ quy hoạch Thủ đô, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm cho biết sau hòa bình lập lại, Hà Nội đã có 7 lần thay đổi quy hoạch, 4 lần điều chỉnh địa giới hành chính. Quy hoạch chính là công cụ quan trọng quyết định tới diện mạo thị trường bất động sản Thủ đô.

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Nhìn lại lịch sử quy hoạch Thủ đô

TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội, cho biết quá trình đô thị hóa Thủ đô được chia ra làm 4 thời kỳ: tiền Thăng Long, thời kỳ phong kiến (Thăng Long - Hà Nội), thời kỳ Pháp thuộc và sau Cách mạng tháng Tám. Mỗi thời kỳ đều có một biến đổi rất lớn. Từ thời kỳ Thăng Long - Hà Nội đã có thị trường bất động sản nhưng không phải là trao đổi với nhau bằng tiền mà giữa vật chất với nhau.

Đến thời kỳ Pháp thuộc, đây là giai đoạn có nhiều biến chuyển lớn từ thành lũy, phường thị sang thành phố quy hoạch theo kiểu châu Âu. Người Pháp đã xây dựng nhiều khu mới, phố mới có đồng bộ cơ sở hạ tầng, chú trọng đến yếu tố cây xanh, mặt nước, không gian công cộng; bên cạnh đó đã hình thành mô hình chia bán đất.

Sau ngày giải phóng Thủ đô năm 1954, Hà Nội tập trung khôi phục kinh tế phát triển sản xuất. Thời điểm đó, Hà Nội có tổng diện tích 152km2, gồm 8 quận huyện với 37 vạn người dân ở nội thành và 16 vạn dân ở ngoại thành. Để xây dựng Hà Nội xứng với tầm vóc là thủ đô của cả nước, tháng 4/1961 Quốc hội đã phê chuẩn mở rộng Hà Nội (lần thứ nhất) với diện tích 584km2, 91 vạn dân (4 khu nội thành là Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng và 4 khu ngoại thành là huyện Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì, Từ Liêm).

Ông Nghiêm cho biết vào những năm 1960, Hà Nội bắt đầu kế hoạch 5 năm lần thứ nhất phát triển kinh tế, kéo theo đó thị trường bất động sản cũng có sự chuyển dịch và đa dạng hóa chức năng. Hà Nội xây dựng một số cụm công nghiệp, một số công trình kiến trúc lớn như trụ sở cơ quan, trường học, bệnh viện, giải quyết nhu cầu về nơi ở thích hợp. Một số khu công nghiệp xây dựng mới thời kỳ này là Thượng Đình, Minh Khai… Đáng kể, một số khu nhà tập thể như Kim Liên, Nguyễn Công Trứ… được xây dựng với mô hình tiểu khu nhà ở xã hội chủ nghĩa.

Ngay từ giai đoạn này, nhà nước và thành phố cho rằng cần phải sớm có quy hoạch chung Thủ đô để định hướng cho xây dựng và làm cơ sở cho phát triển kinh tế xã hội. Với sự giúp đỡ của chuyên gia Liên Xô, Trung Quốc, Ba Lan, Việt Nam đã lập phương án quy hoạch Thủ đô từ 70 vạn đến 1 triệu dân, khoảng 20.000ha đất có xu hướng phát triển về phía bắc sông Hồng. Quy hoạch chung này được duyệt vào năm 1962.

Thế nhưng, khi cuộc chiến ở miền Nam diễn ra ác liệt, Mỹ mở rộng chiến tranh ra miền Bắc, việc xây dựng phát triển Hà Nội có những khó khăn, phải chú trọng đến phân tán dân cư, việc xây dựng phải xem xét tới yếu tố an ninh quốc phòng. Tháng 2/1973 cầu Long Biên được nối liền. Đến năm 1982, thành phố đã được xây dựng mới và sửa chữa mở rộng gần 100 xí nghiệp. Một số công trình giao thông quan trọng được hoàn thành và đưa vào sử dụng như: cầu Đuống, cảng Phà Đen, sân bay quốc tế Nội Bài, cầu Thăng Long.

Trong bối cảnh như vậy, Hà Nội rõ ràng cần xem xét lại hướng phát triển của Thủ đô đã xác lập trong quy hoạch được duyệt năm 1962. Nhiều phương án về luận chứng phát triển Thủ đô đã được nghiên cứu. Cuối cùng, đồ án quy hoạch được duyệt (năm 1974) định hướng Hà Nội cũ với 40 vạn dân, phát triển Thủ đô ở Vĩnh Yên với 60 vạn dân. Khái niệm chùm đô thị Hà Nội đã được triển khai.

Sau khi bước vào thời kỳ Đổi mới, ông Nghiêm cho biết các chuyên gia Liên Xô cùng chuyên gia nước ngoài tiếp tục nghiên cứu quy hoạch chung điều chỉnh. Năm 1976, Hội đồng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2000 quy mô dân số là 1,5 triệu dân.

Ngoại thành Hà Nội là vành đai xanh cung cấp thực phẩm, nơi bố trí các hoạt động văn hóa nghỉ ngơi, các công trình đầu mối giao thông và vành đai bảo vệ môi trường, các thành phố vệ tinh xung quanh Hà Nội làm chức năng công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ du lịch, nghỉ mát: Xuân Mai - Sơn Tây - Ba Vì - Vĩnh Yên - Tam Đảo - Bắc Ninh.

Với định hướng như vậy, cuối năm 1978, Chính phủ đã có quyết định mở rộng địa giới Hà Nội lần 2, sáp nhập thêm Ba Vì, Phú Thọ, Thạch Thất, Đan Phượng, Hoài Đức, thị xã Sơn Tây, Hà Đông và 1 số xã của tỉnh Hà Sơn Bình… Thủ đô Hà Nội có diện tích đất tự nhiên là 2.136km2 với dân số 3,5 triệu người.

Tuy nhiên, một năm sau đó, chiến tranh biên giới phía Bắc nổ ra, phát triển đô thị gắn với an ninh quốc phòng được quán triệt trong quy hoạch với phát triển chủ yếu Hà Nội là ở phía nam sông Hồng. Để phù hợp với tình hình trên, quy hoạch chung phải được nghiên cứu điều chỉnh.

Các chuyên gia nước ngoài và Việt Nam đã phối hợp nghiên cứu điều chỉnh tổng mặt bằng quy hoạch Thủ đô tới năm 2000 và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tháng 4/1981. Theo đồ án quy hoạch này, dân số Thủ đô nội thị là 1,5 triệu người có quy mô đất đai là 100km2, vùng ngoại thị được mở rộng với 11 huyện thị.

Diện mạo mới về khu đô thị

Giai đoạn đổi mới, ông Nghiêm chia sẻ có những khó khăn nhất định song đây cũng là thời kỳ tốc độ xây dựng đô thị cao, nhất là nhà ở có những kết quả đáng kể. Nếu như năm 1980 xây dựng chỉ đạt 50.000m2 nhà ở thì thời kỳ 1981 - 1985 đã xây dựng được 450.000m2 nhà ở cùng với hạ tầng xã hội cần thiết như nhà trẻ, trường học, công trình công cộng.

Nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội cho biết năm 1978, khi mở rộng địa giới hành chính, thành phố kỳ vọng rất nhiều vào khu vực huyện và các thị xã mới. Tuy nhiên, đến năm 1991, Hà Nội đã phải trả 7 huyện thị về Hà Tây, Vĩnh Phúc, bởi vượt quá năng lực quản lý. Sau điều chỉnh này, quy mô diện tích Hà Nội giảm từ 2.136km2 xuống còn 924km2.

Với lần điều chỉnh ranh giới lần 3, tổng mặt bằng quy hoạch Hà Nội đã được nghiên cứu lại. Lúc đó, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng đã có quyết định số 132 ngày 18/4/1992, phê duyệt quy hoạch điều chỉnh Thủ đô đến năm 2010, chủ yếu phát triển về phía nam sông Hồng với chỉ tiêu đất đô thị bình quân là 43,7m2/người lên 54m2/người.

Giai đoạn đổi mới là thời kỳ tốc độ xây dựng đô thị cao, nhất là nhà ở có những kết quả đáng kể
Giai đoạn đổi mới là thời kỳ tốc độ xây dựng đô thị cao, nhất là nhà ở có những kết quả đáng kể

Trong quá trình thực hiện quy hoạch chung năm 1992, Hà Nội lại nhận thấy nhiều điểm không còn phù hợp và đòi hỏi phải có nghiên cứu mới. Đến tháng 6/1998, quy hoạch mới Thủ đô đã được Chính phủ phê duyệt với định hướng phát triển nội thành cả hai bên sông Hồng với quy mô dân số nội thành đến năm 2020 dự báo khoảng 2,5 triệu người.

Ông Nghiêm cho hay, quá trình thực hiện quy hoạch đã tạo lập được diện mạo mới cho Thủ đô với gần 200 khu đô thị mới như Mỹ Đình, Ciputra, Linh Đàm, Đặng Xá được xây dựng đáp ứng nhu cầu đa dạng về nhà ở và có chất lượng ở cao. Các khu công nghiệp, nhất là các công trình kiến trúc mới, quy mô lớn được xây dựng như Trung tâm hội nghị quốc gia, sân vận động Mỹ Đình, các trung tâm thương mại…

Xuyên suốt 10 năm thực hiện quy hoạch chung năm 1998, thành phố nhận thấy những tồn tại trong phát triển đô thị và để tạo điều kiện Hà Nội xứng tầm là Thủ đô của cả nước, đã đến lúc phải mở rộng địa giới.

Sự kiện được nhiều người quan tâm nhất vào tháng 8/2008, khi toàn bộ dân số và diện tích của tỉnh Hà Tây (cũ), huyện Mê Linh - Vĩnh Phúc và 4 xã của huyện Lương Sơn, Hòa Bình được sáp nhập vào Hà Nội. Lúc này, Thủ đô có tổng diện tích tăng gấp 3,6 lần, từ 924km2 lên 3.344km2 (là đô thị có quy mô lớn nhất cả nước, dân số 6,4 triệu người), trở thành 1 trong 17 thành phố có diện tích lớn nhất thế giới.

Theo ông Nghiêm, việc lựa chọn mở rộng không gian, mở rộng địa giới Hà Nội trước hết là yêu cầu khách quan song cũng là ý chí, là nguyện vọng mong muốn của người dân Hà Nội và định hướng của các cấp lãnh đạo Đảng, chính quyền để Hà Nội tiếp tục phát triển bền vững, thuận lợi trong hội nhập với khu vực thế giới.

Sau mở rộng địa giới, đến ngày 26/7/2011, Thủ tướng duyệt quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quy hoạch đã tạo ra mô hình chùm đô thị bao gồm: đô thị trung tâm, 5 đô thị vệ tinh, 3 đô thị sinh thái, 10 thị trấn… Để tạo điều kiện cho Thủ đô phát triển, Quốc hội đã thông qua Luật Thủ đô (2013), trong đó về quản lý xây dựng và quản lý quy hoạch đã có những chính sách đặc thù.

Nhìn lại lịch sử quy hoạch Thủ đô, ông Đào Ngọc Nghiêm đánh giá qua 4 lần điều chỉnh địa giới và 7 lần quy hoạch, Hà Nội đã đạt được nhiều kết quả cả trong quy hoạch và phát triển đô thị song cũng đang đứng trước nhiều thách thức.

Điển hình như việc giải quyết các khu tập thể cũ, chung cư cũ, dù đã có lộ trình nhưng đến nay vẫn còn gian nan. Trong những năm 1960, việc quy hoạch những khu tập thể là một thành tựu nhưng về sau lại trở thành hệ quả mà Hà Nội đang phải cải tạo, di dời. Như vậy, để thấy được sự biến đổi của thị trường bất động sản, lúc bấy giờ là ưu thế nhưng về sau là thách thức.

Hay như việc mở rộng địa giới hành chính vào năm 2008 đã tạo ra thời cơ mới khi Hà Nội kế thừa hơn 700 dự án bất động sản của Hà Tây (cũ), Hòa Bình, cá biệt có những dự án hàng trăm ha được duyệt chỉ sau hai ngày. Tuy nhiên, hệ quả đến thời điểm hiện tại, có tới 400 dự án bỏ hoang, một số dự án thu được rất ít tiền sử dụng đất, thậm chí không xử lý được vì đang chờ định hướng mới trong điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô sắp tới.

“Quy hoạch là định hướng, là công cụ quyết định thị trường bất động sản. Nhưng rõ ràng rằng khi chúng ta ôm quá rộng, quá lớn mà không có năng lực quản lý sẽ không hiệu quả. Đây cũng là bài học về phát triển thị trường bất động sản, tiềm năng nhưng phải đi đôi với năng lực và nguồn lực thực hiện”, ông Nghiêm nói.

Cũng theo ông Nghiêm, trước đây khi lập một dự án mới chỉ cần phù hợp với quy hoạch nhưng không nhắc đến phù hợp với giai đoạn nào. Hà Nội đã có quy hoạch chung đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 nhưng ngay từ năm 2014 đã làm những dự án tầm nhìn đến 2050 mới phát triển nên dẫn đến hoang hóa. Do vậy, bài học về bất động sản ở đây là nên phân kỳ quy hoạch ra để kêu gọi đầu tư.

“Lịch sử quy hoạch Hà Nội gắn với sự lên bổng xuống trầm của thị trường bất động sản. Khi quy hoạch tốt thì thị trường bất động sản phát triển tốt nhưng muốn tốt thì quy hoạch phải phân kỳ thực hiện, phân vùng trọng tâm để có kế hoạch thích hợp.

Ngoài ra, nói đến thị trường bất động sản là nói đến chất lượng sống của người dân, đặc biệt là vấn đề nhà ở. Do đó, phải tìm lựa đối tượng để đưa ra tổ chức không gian. Bài học từ khu đô thị Linh Đàm là một ví dụ điển hình”, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội nhấn mạnh.

LỆ TRẦN - HOÀNG HÙNG

Theo VietnamFinance