NHNN yêu cầu các ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất cho vay từ 1,5-2%

NHNN yêu cầu các tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho vay đối với đối với các khoản vay đang còn dư nợ hiện hữu và các khoản cho vay mới, phấn đấu mức giảm lãi suất tối thiểu từ 1,5-2%/năm.

 

Phó thống đốc NHNN ông Đào Minh Tú cũng cho hay, có điều kiện NHNN sẽ tiếp tục hạ lãi suất điều hành.
Phó thống đốc NHNN ông Đào Minh Tú cũng cho hay, có điều kiện NHNN sẽ tiếp tục hạ lãi suất điều hành.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa có văn bản gửi các tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài yêu cầu tiếp tục thực hiện các giải pháp để giảm mặt bằng lãi suất.

Cụ thể, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, NHNN yêu cầu các TCTD giảm lãi suất cho vay đối với đối với các khoản vay đang còn dư nợ hiện hữu và các khoản cho vay mới, phấn đấu mức giảm lãi suất tối thiểu từ 1,5-2%/năm theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.

NHNN cũng yêu cầu các TCTD báo cáo cam kết giảm lãi suất cho vay trong năm 2023 đối với các khoản cho vay đang còn dư nợ hiện hữu và các khoản vay mới trước ngày 25/8.

Cũng như, báo cáo kết quả thực hiện cam kết giảm lãi suất cho vay trong năm 2023 đối với các khoản cho vay đang còn dư nợ hiện hữu và các khoản cho vay mới gửi NHNN trước ngày 8/1/2024.

Trước đó,tại Nghị quyết số 105/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2023, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu NHNN tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất, nhất là giảm lãi suất cho vay (phấn đấu giảm ít nhất khoảng 1,5-2%) nghiên cứu, thực hiện áp dụng đối với cả khoản vay mới và đang còn dư nợ.

NHNN cần xác định hạn mức tăng trưởng tín dụng phù hợp với tình hình thực tiễn (cả năm khoảng 13-15%, trường hợp thuận lợi thì có thể tăng cao hơn) và công bố ngay bằng biện pháp, hình thức phù hợp, hiệu quả chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng thương mại đến hết năm 2023, bảo đảm đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng cho nền kinh tế.

 Ngân hàng Nhà nước theo chỉ đạo của Chính phủ đã 4 lần giảm lãi suất điều hành trong năm nay nhằm hạ mặt bằng chi phí cho vay, góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong bối cảnh kinh tế tăng trưởng ảm đạm.

Tại hội nghị mới đây, Phó thống đốc NHNN ông Đào Minh Tú cũng cho hay, có điều kiện NHNN sẽ tiếp tục hạ lãi suất điều hành. Nếu không, các ngân hàng thương mại sẽ phấn đấu giảm lãi suất cho vay dựa trên giảm chi phí. Tuy nhiên, theo Phó thống đốc Tú, giảm lãi suất chỉ là một phần của vấn đề, chưa đủ để kéo tăng trưởng tín dụng đi lên.

Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cũng đánh giá chính sách tiền tệ, không phải là "đôi đũa thần", việc khơi thông nhu cầu vốn của nền kinh tế không thể dựa hết vào công cụ này.

Phó Thống đốc nói chính sách tiền tệ sẽ cố gắng điều hành linh hoạt những công cụ trong tay ngân hàng có nhưng cần hài hòa nhiều yếu tố. Nếu chỉ biết nhìn trước mắt, theo ông sẽ hứng hậu quả trung dài hạn, có những hệ luỵ khó chữa được, như câu chuyện nợ xấu từ 2009-2011 mất chục năm vẫn chưa giải quyết xong.

Đáng chú ý trong bối cảnh thị trường có khó khăn hiện nay, rủi ro nợ xấu gia tăng. Nếu nhà băng hạ điều kiện cho vay thì tín dụng sẽ tăng ồ ạt, nhưng hệ luỵ là nợ xấu lập tức gia tăng, ảnh hưởng đến an toàn hệ thống ngân hàng.

Đây là thời điểm, theo Phó thống đốc, cần sự vào cuộc của các chính sách khác. Việc đẩy mạnh đầu tư công thông qua dùng nguồn vốn ngân sách nhà nước sẽ giúp tín dụng chảy vào doanh nghiệp nguyên vật liệu xây dựng. Bên cạnh đó, lĩnh vực xuất khẩu đang gặp khó cần tới chính sách hỗ trợ tiêu dùng nội địa từ Bộ Công thương.

NHNN vừa cấp hết room cho các ngân hàng lên 14% cho cả năm 2023. Mục tiêu tăng trưởng tín dụng NHNN đưa ra cho cả năm khoảng 13-15%, trường hợp thuận lợi thì có thể tăng cao hơn.

HSBC Việt Nam cho rằng, Việt Nam đang trong giai đoạn suy giảm tín dụng, đây là một khó khăn khác đối với tăng trưởng. Tăng trưởng tín dụng đã giảm kể từ tháng 11/2022 và vẫn chưa chạm đáy. Để giải quyết tình trạng này, NHNN đã nhanh chóng cắt giảm lãi suất, động thái này ngay lập tức khiến lãi suất thị trường tiền tệ thấp đi.

Xét trong bối cảnh trong nước, nếu lãi suất chính sách ảnh hưởng tín dụng thì có thể kích thích cắt giảm lãi suất. Nhưng theo HSBC, điều đó đối lập với các động thái thắt chặt của Fed.

Minh Vân

Theo Chất lượng và cuộc sống