Nhóm cổ đông mới tại Eximbank lộ diện

Một loạt nhà đầu tư lâu năm đã rút lui khỏi Eximbank. Gelex đang là cổ đông lớn nhất của Eximbank khi sở hữu 4,9% vốn. Chứng khoán VIX và CTCP Thắng Phươngnắm 3,58% và 3,07% vốn điều lệ Eximbank.

Âm thầm mua vào một lượng lớn cổ phiếu EIB, nhóm cổ đông mới của Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank, mã chứng khoán: EIB) đã chính thức lộ diện.

Theo danh sách do Eximbank công bố cho thấy tại thời điểm 1/7, nhà băng này có 5 cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ trở lên.

Trong đó, Công ty Cổ phần Tập đoàn Gelex (mã chứng khoán: GEX) đang là cổ đông lớn nhất của Eximbank khi sở hữu 4,9% vốn điều lệ ( hơn 85,5 triệu cổ phiếu).

Hai cổ đông tổ chức còn lại của Eximbank gồm Công ty CP Chứng khoán VIX (mã chứng khoán: VIX) sở hữu 3,58% (khoảng 62,3 triệu cổ phiếu) và Công ty CP Thắng Phương sở hữu 3,07% vốn (53,3 triệu cổ phiếu).

Về phía các cổ đông cá nhân, hai cổ đông cá nhân nắm giữ trên 1% vốn điều lệ bao gồm bà Lê Thị Mai Loan – Phó Tổng giám đốc Eximbank sở hữu 1,03% (tương đương trên 17,9 triệu cổ phiếu) và bà Lương Thị Cẩm Tú - Phó Chủ tịch HĐQT Eximbank sở hữu 1,12% vốn (tương đương hơn 19,5 triệu cổ phiếu).

Công ty Thắng Phương và bà Mai Loan từng chung nhóm cổ đông đề cử Phó Chủ tịch Bamboo Capital vào Hội đồng quản trị Eximbank.

Nhóm cổ đông mới tại Eximbank lộ diện - Ảnh 1

Như vậy, 5 cổ đông này đang nắm giữ tổng cộng 13,7% vốn của Eximbank.

Có thể thấy, cơ cấu cổ đông Eximbank đã biến động khá mạnh trong 2 năm qua khi một loạt nhóm cổ đông lâu năm đã thoái vốn khỏi ngân hàng này như SMBC, VinaCapital, nhóm cổ đông liên quan đến Thành Công Group, Công ty Âu Lạc, Vietcombank…

Tại thời điểm cuối năm 2023, Công ty Chứng khoán SHS cũng nắm giữ gần 1,1% vốn của Eximbank.

Eximbank đã trải qua nhiều năm biến động trong bộ máy lãnh đạo, sau khi các nhóm cổ đông không đi đến thống nhất. Sau nhiều năm lục đục ở dàn nhân sự cấp thượng tầng, 2022 là năm đầu tiên nhà băng này tổ chức đại hội cổ đông thành công và thành lập bộ máy hội đồng quản trị nhiệm kỳ mới.

Vào cuối tháng 4 vừa qua, Eximbank bổ nhiệm ông Nguyễn Cảnh Anh trở thành Chủ tịch Hội đồng quản trị, còn cựu Chủ tịch Bamboo Capital Nguyễn Hồ Nam làm Phó chủ tịch.

Năm 2023, lợi nhuận của Eximbank đạt 2.146 tỷ đồng. Ngân hàng sẽ chia cổ tức cho cổ đông tỷ lệ 10%, trong đó, chia bằng cổ phiếu tỷ lệ 7% (1.219 tỷ đồng) và 3% bằng tiền mặt (hơn 522 tỷ đồng).

Năm nay, Eximbank đặt mục tiêu tổng tài sản tăng lên 223.500 tỷ đồng, huy động vốn lên 175.000 tỷ đồng. Ngân hàng này dự kiến dư nợ tín dụng tăng trưởng 14,6%, lên 161.000 tỷ đồng.

Theo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 1/7, cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ trở lên của tổ chức tín dụng sẽ phải cung cấp cho tổ chức tín dụng các thông tin của mình và người liên quan gồm: Họ và tên; số định danh cá nhân; quốc tịch, số hộ chiếu, ngày cấp, nơi cấp của cổ đông là người nước ngoài; số Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy tờ pháp lý tương đương của cổ đông là tổ chức; ngày cấp, nơi cấp của giấy tờ này.

Cùng với đó, cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ trở lên cũng phải cung cấp thông tin về số lượng, tỷ lệ sở hữu cổ phần của mình và người có liên quan tại tổ chức tín dụng đó.

Luật Các TCTD (sửa đổi) cũng yêu cầu tổ chức tín dụng phải công bố công khai thông tin về họ và tên cá nhân, tên tổ chức là cổ đông sở hữu từ 01% vốn điều lệ trở lên của tổ chức tín dụng và số lượng, tỷ lệ sở hữu cổ phần của cá nhân đó và người có liên quan trên trang thông tin điện tử của tổ chức tín dụng trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày tổ chức tín dụng nhận được thông tin cung cấp.

Cũng tại Luật các TCTD (sửa đổi), khái niệm "người có liên quan" đã được mở rộng đến cả đối tượng là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, cô, dì, chú, bác, các cháu, tức là 5 thế hệ.

Trước đó, dù nắm giữ vốn tại doanh nghiệp hay ngân hàng, cổ đông sẽ chỉ phải công bố thông tin về các giao dịch, sở hữu, người liên quan khi nắm từ 5% vốn doanh nghiệp, ngân hàng trở lên (cổ đông lớn).

Minh Anh

Theo VietnamFinance