Nhu cầu tìm kiếm du lịch tăng vọt, chứng khoán “hụt hơi”

Theo Báo cáo Xu hướng tìm kiếm nổi bật Qúy 2/2022 vừa được Cốc Cốc công bố, lĩnh vực du lịch và hàng không có lượng tìm kiếm tăng vọt. Ngược lại, lĩnh vực tài chính lại chứng kiến sự “hạ nhiệt” của các từ khóa về thị trường chứng khoán.

Báo cáo Xu hướng tìm kiếm nổi bật là bản báo cáo thống kê chi tiết về xu hướng tìm kiếm của người dùng Việt trên công cụ tìm kiếm Cốc Cốc.

Báo cáo đưa ra 8 chủ đề tìm kiếm phổ biến nhất, top các từ khóa truy vấn nổi bật theo chủ đề và sự tăng trưởng của các chủ đề tìm kiếm mà người Việt quan tâm từ tháng 4 đến tháng 6/2022, bao gồm: Du lịch và Hàng không; Thể thao; Sức khỏe; Giáo dục; Tài chính; Việc làm; Phim ảnh và Chương trình truyền hình; Thời tiết.

Nhu cầu tìm kiếm du lịch tăng vọt, chứng khoán “hụt hơi” - Ảnh 1

Du lịch mở cửa, nhu cầu tìm kiếm về địa điểm du lịch nội địa và quốc tế, vé máy bay, khách sạn tăng mạnh. Ảnh: Internet.

Dựa trên số liệu từ báo cáo, quý 2/2022 ghi nhận sự quan tâm đặc biệt của người dùng đối với chủ đề du lịch và hàng không. Trong đó, tổng lượng tìm kiếm về địa điểm du lịch nội địa và quốc tế, vé máy bay, khách sạn, hành trang du lịch đều tăng đáng kể so với quý trước. Nguyên nhân là do nhu cầu du lịch hè của người dân tăng cao sau khi du lịch Việt Nam được hoàn toàn mở cửa trở lại từ tháng 3 năm nay.

Với du lịch nội địa, các thành phố lớn như Đà Nẵng, Hà Nội, Đà Lạt, Nha Trang… vẫn là những điểm đến được người dùng tìm kiếm nhiều nhất.

Với du lịch quốc tế, dù đại dịch COVID-19 vẫn chưa chấm dứt trên toàn cầu song nhu cầu du lịch quốc tế đã tăng trở lại. Trong đó, Thái Lan, Singapore và Mỹ là những điểm đến ghi nhận mức tăng trưởng cao nhất về lượng tìm kiếm so với quý trước, lần lượt là 97%, 68% và 30%.

Bên cạnh đó, khi nhu cầu du lịch tăng cao, người dùng Cốc Cốc cũng quan tâm nhiều hơn tới thời trang và mỹ phẩm. Lượng tìm kiếm các từ khóa “váy đi biển”, “thời trang đi biển” và “túi du lịch” ghi nhận mức tăng trưởng lần lượt là 658%, 192% và 130%.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh SEA Games 31 diễn ra vào tháng 5/2022, lượng tìm kiếm liên quan đến chủ đề này đã tăng vọt, cụ thể là gấp 21 lần so với quý trước. Điều này phản ánh mối quan tâm của người dùng cũng như tầm ảnh hưởng của SEA Games 31 khi Việt Nam đăng cai tổ chức sự kiện này sau 19 năm.

Sau khi dịch bệnh COVID-19 "giảm nhiệt", lượng tìm kiếm về chủ đề này cũng giảm mạnh. Một số từ khóa như “triệu chứng covid”, “hậu covid”, “vacxin covid” chứng kiến lượng tìm kiếm giảm tương ứng lần lượt là 88%, 52% và 49%.

Tuy nhiên, do trong quý 2/2022 có xuất hiện một số mềm bệnh dễ lây lan khác nên đã làm dấy lên lo ngại về đợt bùng phát dịch bệnh nguy hiểm tiếp sau Covid-19. Nổi bật là sự gia tăng lượng tìm kiếm về “bệnh đậu mùa khỉ”, “ba.5” (một biến thể của COVID-19) và bệnh noma.

Tương tự với COVID-19, quý 2/2022 cũng chứng kiến một xu hướng tìm kiếm đáng chú ý về các biến động của thị trường tài chính Việt. Do ảnh hưởng từ thị trường chứng khoán ảm đạm, chỉ số VN-Index tụt dốc và Bitcoin trượt giá, lượng tìm kiếm về cổ phiếu, trái phiếu, crypto đều giảm mạnh so với quý trước.

Như vậy, xu hướng tìm kiếm của người dùng trong quý 2/2022 có sự thay đổi rõ rệt so với quý trước, thể hiện đúng các vấn đề, sự kiện, những chuyển biến trong 8 lĩnh vực và trong chính suy nghĩ, hành vi của người tiêu dùng. Đồng thời, tạo nên bức tranh toàn cảnh về nhu cầu tìm kiếm, sự quan tâm của người dùng Việt trên không gian mạng.

Hoàng Phương

Theo Doanh nghiệp Việt Nam