Những "chủ” ngân hàng quyền lực vẫn điềm nhiên lãnh đạo nhiều doanh nghiệp “sân sau”

- Thời gian vừa qua, hàng loạt lãnh đạo ngân hàng đã tuyên bố từ bỏ lãnh đạo doanh nghiệp để đáp ứng quy định mới của Luật các TCTD sửa đổi, bổ sung. Quy định này nhằm hạn chế việc “sở hữu chéo” và hạn chế rủi do cho hệ thống ngân hàng. Dù vậy trên thực tế, vẫn có nhiều trường hợp doanh nhân có quyền lực rất lớn tại Ngân hàng trong khi vẫn điềm nhiên lãnh đạo nhiều doanh nghiệp "sân sau".

Những "chủ” ngân hàng quyền lực vẫn điềm nhiên lãnh đạo nhiều doanh nghiệp “sân sau” - Ảnh 1

 

Nhiều doanh nhân có "quyền lực vô biên" tại Ngân hàng vẫn vô tư quản lý các "sân sau" mà không bị ảnh hưởng bởi Luật các TCTD sửa đổi, bổ sung.

Tại khoản 3 và khoản 4 Điều 34 Luật TCTD sửa đổi, bổ sung có quy định:

“3. Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng giám đốc (Phó giám đốc) và các chức danh tương đương của tổ chức tín dụng không được đồng thời là thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng thành viên, thành viên Ban kiểm soát của tổ chức tín dụng khác, trừ trường hợp tổ chức đó là công ty con của tổ chức tín dụng. Phó Tổng giám đốc (Phó giám đốc) và các chức danh tương đương của tổ chức tín dụng không được đồng thời là Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng giám đốc (Phó giám đốc) hoặc các chức danh tương đương của doanh nghiệp khác.

4. Chủ tịch Hội đồng quản trị, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc (Giám đốc) của tổ chức tín dụng không được đồng thời là Chủ tịch Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng quản trị, Chủ tịch Hội đồng thành viên, thành viên Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng giám đốc (Phó giám đốc) hoặc các chức danh tương đương của doanh nghiệp khác.”

Quy định trên không hề đề cập tới một số đối tượng như Phó Chủ tịch HĐQT, Thành viên HĐQT của các tổ chức tín dụng. Do vậy, có thể hiểu là những người này sẽ không bị giới hạn về việc nắm giữ chức vụ và họ vẫn được phép giữ trọng trách tại các doanh nghiệp ngoài ngân hàng.

Tuy nhiên, trên thực tế, những cá nhân đảm nhiệm vị trí này có tầm ảnh hưởng và chi phối rất lớn tới ngân hàng, cũng như doanh nghiệp.

Một số trường hợp có thể kể đến, như: bà Nguyễn Thị Phương Thảo, ông Lưu Đức Khánh, ông Nguyễn Cảnh Sơn và Phan Đình Tân.

 

Những "chủ” ngân hàng quyền lực vẫn điềm nhiên lãnh đạo nhiều doanh nghiệp “sân sau” - Ảnh 2
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo


Được biết, bà Nguyễn Thị Phương Thảo hiện đang đảm nhiệm vị trí Phó Chủ tịch thường trực HĐQT Ngân hàng TMCP Phát triển TP. HCM - HDBank, Chủ tịch HĐQT CTCP Sovico Holdings, Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Vietjet Air.

Theo đó bà Nguyễn Thị Phương Thảo sẽ không thuộc diện phải điều chỉnh theo quy định mới của Luật các TCTD sửa đổi, bổ sung. Vì vậy, bà Thảo vẫn có thể đồng thời đảm nhiệm chức danh Phó Chủ tịch Thường trực HĐQT HDBank, song song với cương vị Chủ tịch HĐQT CTCP Sovico Holdings, đơn vị đang trực tiếp và gián tiếp sở hữu hàng chục dự án bất động sản có quy mô nhiều tỷ đô la; Hay Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Viet Jet.

Hiện bà Thảo đang sở hữu khối tài sản “khủng” tại cả 3 nơi mà bà đang làm việc.

Cụ thể, nữ tỷ phú này hiện đang nắm giữ trực tiếp và gián tiếp khoảng 17% cổ phần HDBank. Trong đó, cá nhân bà đang sở hữu 35.961.580 cổ phần HDBank, chiếm 3,67% vốn điều lệ và 130.899.221 cổ phần, chiếm tới 13,34% vốn điều lệ HDBank của CTCP Sovico (Sovico Holdings) do bà đại diện sở hữu.

Ngoài cổ phần tại HDBank, bà Thảo hiện đang cùng chồng là ông Nguyễn Thanh Hùng nắm giữ 82% vốn điều lệ của Sovico Holdings. Trong khi tại VietJet Air, bà Phương Thảo đang trực tiếp sở hữu 39.559.095 cổ phần, tương ứng 8,76% vốn điều lệ và gián tiếp sở hữu thêm 128.950.134 cổ phần, chiếm 28,57% vốn điều lệ thông qua công ty riêng của mình là Hướng Dương Sunny.

Những "chủ” ngân hàng quyền lực vẫn điềm nhiên lãnh đạo nhiều doanh nghiệp “sân sau” - Ảnh 3
Ông Lưu Đức Khánh


Tương tự bà Thảo, một Phó Chủ tịch HĐQT HDBank khác là ông Lưu Đức Khánh. Hiện ông Khánh đang đảm nhiệm vị trí Giám đốc điều hành, Thành viên HĐQT Vietjet Air và Thành viên HĐQT Sovico.

Hiện ông Khánh đang sở hữu 2.725.000 cổ phần HDB, chiếm 0,28% vốn điều lệ HDBank và 378.700 cổ phần VJC, tương đương 0,08% vốn điều lệ Vietjet Air.

Những "chủ” ngân hàng quyền lực vẫn điềm nhiên lãnh đạo nhiều doanh nghiệp “sân sau” - Ảnh 4
Ông Nguyễn Cảnh Sơn


Tiếp đến là Phó Chủ tịch Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank) – ông Nguyễn Cảnh Sơn, đang là Chủ tịch của Eurowindow Holding và Thành viên HĐQT của CTCP Eurofinance và CTCP Đầu tư Xây dựng và Phát triển Công nghệ cao. Cá nhân ông Sơn đang nắm giữ 5.451.807 cổ phần, chiếm 0,61% vốn điều lệ Techcombank và nhóm cổ đông liên quan đến ông Sơn nắm hơn 65 triệu cổ phần Techcombank, tương đương 7,33%.

Những "chủ” ngân hàng quyền lực vẫn điềm nhiên lãnh đạo nhiều doanh nghiệp “sân sau” - Ảnh 5
Ông Phan Đình Tân


Một trường hợp khác là ông Phan Đình Tân - Phó Chủ tịch HĐQT thường trực của Ngân hàng TMCP Nam Á (NamABank). Ngoài Ngân hàng, ông còn là thành viên HĐQT CTCP Cấp thoát nước Bên Tre (NBT) và Tổng Giám đốc Công Ty TNHH Hoàn Cầu.

Ông Tân hiện đang nắm giữ 8.572.495 cổ phần, tương đương 2,857% vốn đều lệ của NamABank và đại diện cho Hoàn Cầu sở hữu 4.200.000 cổ phần, chiếm 15% vốn điều lệ NBT…

Mặc dù không trực tiếp nắm giữ vị trí Chủ tịch HĐQT Ngân hàng, nhưng trên thực tế, những doanh nhân kể trên lại có quyền lực rất lớn tại Ngân hàng.

Những tiền lệ trước đó, có thể kế đến một số cá nhân như ông Nguyễn Đức Kiên - nguyên thành viên Hội đồng sáng lập Ngân hàng Thương mại Cổ phần Á Châu (ACB), hay ông Trầm Bê - nguyên Phó Chủ tịch HĐQT Southern Bank và ở Sacombank, dù không đảm nhiệm chức Chủ tịch HĐQT Ngân hàng nhưng vẫn là những người “thét ra lửa” tại các nhà băng này.

“Luật yêu cầu Tổng giám đốc, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng lựa chọn giữa Ngân hàng và doanh nghiệp tư nhân. Vậy giả sử họ lựa chọn Ngân hàng và từ bỏ chức vụ tại doanh nghiệp, nhưng thực tế vốn của họ vẫn còn ở đó thị họ vẫn chi phối quyền lực tại các doanh nghiệp này. Vậy nên quy định mới không có nhiều tác dụng đến hệ thống tài chính Việt Nam.” Nguyễn Hoàng Hải – Phó Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) nhận định.

 

 


Theo Hương Nguyên
Báo Thời Đại