Những ngân hàng 'trễ hẹn' lên sàn chứng khoán năm 2021
Dù đã quá thời hạn bắt buộc phải niêm yết trên yết trên sàn chứng, khoán nhưng đến nay vẫn còn nhiều ngân hàng “im hơi lặng tiếng”.
Đề án "Cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025" do Thủ tướng Chính phủ ban hành đã đặt ra mục tiêu đến hết năm 2020, toàn bộ các ngân hàng thương mại niêm yết, đăng ký giao dịch trên thị trường chính thức (HoSE, HNX) hoặc sàn UPCoM.
Trước đó, yêu cầu này cũng đã được đưa ra tại Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, được Thủ tướng phê duyệt hồi tháng 8/2018.
Đồng thời, tại Luật Chứng khoán có hiệu lực từ 1/1/2021 cũng quy định phải sau 2 năm kể từ ngày giao dịch đầu tiên trên hệ thống UPCoM, công ty đại chúng mới được nộp hồ sơ đăng ký niêm yết chính thức.
Đây là lý do mà hàng loạt ngân hàng đã chạy đua để kịp niêm yết hoặc chuyển sàn sang HoSE trong năm 2021.
Cụ thể, có 3 ngân hàng đưa cổ phiếu lên sàn và 1 ngân hàng đưa cổ phiếu giao dịch lên sàn UPCoM gồm: Ngân hàng TMCP Việt Á (VietABank) chính thức được chấp thuận đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM với mã VAB; Ngân hàng OCB với mã OCB; Ngân hàng TMCP Đông Nam Á với mã SSB; Ngân hàng TMCP Bắc Á Bank với mã BAB.
Sau khi lên sàn, cả 3 ngân hàng này đều huy động được lượng vốn khủng, cổ phiếu tăng từ 20- 60%. Điều này phần nào chứng minh việc niêm yết giúp các ngân hàng tối đa hóa giá trị doanh nghiệp, qua đó mở ra cơ hội huy động vốn, mở rộng quy mô hoạt động.
Khi đáp ứng được các tiêu chí khắt khe để niêm yết trên sàn HOSE sẽ mang lại sự tín nhiệm cao hơn cho các ngân hàng. Đây cũng là lý do các doanh nghiệp niêm yết trên HOSE cũng được các nhà đầu tư đón nhận tốt hơn so với sàn UPCoM.
Ngoài ra, khi cổ phiếu ngân hàng niêm yết trên HOSE sẽ tăng khả năng thu hút được các quỹ lớn đầu tư. Một số quỹ không được phép đầu tư vào cổ phiếu trên UPCoM, do đó việc chuyển sang HOSE sẽ giúp tăng khả năng cổ phiếu được các quỹ ngoại lớn tiếp cận.
Tuy mang lại nhiều lợi ích nhưng hiện tại vẫn còn một số nhà băng chưa có động thái về việc lên sàn. Trước đó, một số ngân hàng nói lý do “thị trường không thuận lợi” để trì hoãn việc niêm yết.
Trong đó, ngân hàng SCB đã có lộ trình rõ ràng. Cụ thể, tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2020, SCB cho biết lộ trình tăng vốn và niêm yết trên sàn HOSE chậm nhất là năm 2025. Trong khi đó Ngân hàng BaoVietBank lại chưa đề cập đến việc lên sàn.
Việc ngân hàng chưa niêm yết xuất phát từ nhiều lý do như sợ công khai minh bạch, nhất là những ngân hàng có kết quả kinh doanh yếu kém. Hoặc có những ngân hàng nợ xấu lớn chưa được xử lý - chủ yếu là hậu quả tồn đọng trong thời gian dài để lại - nếu lên sàn tại thời điểm này thì định giá cổ phiếu chưa tối ưu, nên lãnh đạo muốn chọn thời điểm thuận lợi hơn…
Nhìn lại, các ngân hàng chưa niêm yết và ngay cả với ngân hàng đã có lộ trình lên sàn, đều công bố báo cáo tài chính trễ hơn so với các nhà băng còn lại trong hệ thống. Thậm chí phần thuyết minh báo cáo tài chính (nếu có) cũng bị giấu đi. Trong khi nếu niêm yết cổ phiếu lên sàn, tất cả các số liệu đều phải công khai từ lợi nhuận cho đến nợ xấu, trích lập dự phòng…
Điển hình tại BaoVietBank, đến giữa Quý I/2022 vẫn chưa công bố báo cáo tài chính quý 4/2021 và cả năm 2021.
Một vấn đề khác nữa là nhiều nhà băng vẫn còn trong giai đoạn tái cơ cấu, hiệu quả hoạt động lẫn lợi nhuận thực sự chưa tốt. Điều này sẽ ảnh hưởng đến việc định giá cổ phiếu và uy tín cũng như quá trình thu hút nhà đầu tư.