Nợ xấu, chi phí dự phòng tại Eximbank tăng vọt vì khoản nợ 'khủng' thế chấp bằng cổ phiếu STB
Các khoản nợ thế chấp bằng hàng trăm triệu cổ phiếu STB khiến nợ xấu và chi phí dự phòng của Eximbank tăng cao. Ngân hàng đang muốn đầy nhanh xử lý khoản nợ khó đòi trên, song xem ra không khả thi trong năm nay.
Lao đao vì khoản nợ thế chấp bằng cổ phiếu Sacombank
Cuối tháng 9 vừa qua, cổ phiếu STB của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) chứng kiến phiên tăng trần với khối lượng giao dịch đạt 45,7 triệu cổ phiếu, mức cao nhất 3 năm trở lại đây. Cùng ngày, xuất hiện tin đồn rằng Thaco có ý định mua 176,4 triệu cổ phiếu STB với giá 18.000 đồng từ Kienlongbank.
Sau tin đồn trên, lãnh đạo các bên liên quan đều lên tiếng bác bỏ. Tuy nhiên có một thực tế không thể phủ nhận là khoản nợ thế chấp bằng số lượng cổ phiếu STB là gánh nặng của Eximbank và cả KienLongBank. Vì vậy, cả hai ngân hàng đang muốn giải quyết nhanh chóng "cục máu đông" này.
Theo tìm hiểu, nhiều năm trước có 7 khách hàng vay ngân hàng Eximbank 746 tỷ đồng để mua cổ phiếu STB của ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) và không trả được nợ. Năm 2016, Eximbank đã khởi kiện nhóm khách hàng này lên tòa án để thu hồi nợ nhưng đến cuối năm ngoái toà án mới ra phán quyết năm khách hàng với tổng dư nợ 500 tỷ đồng. Trong đó, ba khách hàng bị toà phúc thẩm tuyên phải trả cho ngân hàng tiền gốc và lãi phát sinh 417 tỷ đồng. Hai khách hàng cũng phải trả tiền gốc và lãi phát sinh 294 tỷ đồng, nhưng họ đã kháng cáo về cách tính lãi.
Eximbank cho hay, nếu các khách hàng không thanh toán, ngân hàng được yêu cầu phát mãi tài sản đảm bảo để thu hồi nợ. Ngân hàng Nhà nước cũng chấp thuận cho Eximbank xử lý 75,9 triệu cổ phiếu này để thu hồi nợ nên năm nay ban điều hành sẽ đẩy nhanh tiến độ xử lý khoản nợ này.
Có thể thấy, Eximbank đang muốn nhanh chóng xử lý được số cổ phiếu STB trong năm 2020 bởi các khoản vay liên quan đến tài sản thế chấp này đã ảnh hưởng mạnh tới kết quả kinh doanh trong thời gian gần đây của Eximbank.
Cụ thể, 6 tháng đầu năm 2020, Eximbank trích lập hơn 220 tỷ đồng chi phí dự phòng rủi ro tín dụng, trong khi cùng kỳ được hoàn nhập hơn 43 tỷ đồng. Cũng vì chi phí dự phòng tăng mạnh, lợi nhuận trước và sau thuế 6 tháng đầu năm 2020 của Eximbank lần lượt giảm 28% so với cùng kỳ, chỉ còn gần 552 tỷ đồng và 441 tỷ đồng.
Đến 9 tháng đầu năm 2020, chi phí dự phòng rủi ro lại tăng gấp đến 2,7 lần cùng kỳ, lên mức hơn 267 tỷ đồng, do đó, lãi trước và sau thuế chỉ xấp xỉ cùng kỳ, ghi nhận gần 1.104 tỷ đồng và hơn 871 tỷ đồng. Như vậy, Eximbank đã hoàn thành được 84% chỉ tiêu đề ra.
Thế nhưng, kế hoạch lợi nhuận trên của Eximbank đã được HĐQT Ngân hàng điều chỉnh giảm mạnh tới hơn 40% từ giữa tháng 5/2020 so với kế hoạch được đưa ra vào đầu năm 2020.
Lợi nhuận sụt giảm hoặc chỉ xấp xỉ so với cùng kỳ 2019 nguyên nhân xuất phát từ việc phải tăng trích lập cho khoản nợ xấu được khách hàng thế chấp bằng cổ phiếu STB của Sacombank.
Về chất lượng tín dụng, tính đến 30/9/2020, Eximbank cũng tăng nợ xấu tới 29% so với đầu năm, lên mức 2.941 tỷ đồng. Trong đó, nợ nghi ngờ tăng mạnh gấp 2,8 lần so với đầu năm, đạt 549 tỷ đồng và nợ có khả năng mất vốn tăng mạnh đến 99%, đạt gần 1.621 tỷ đồng. Nợ xấu tăng nhanh trong khi cho vay khách hàng lại giảm 10% xuống còn 101.301 tỷ đồng.
Đáng chú ý, theo báo cáo của Ban kiểm soát Eximbank chuẩn bị cho Đại hội cổ đông 2020 (nhưng bất thành) cho biết, khoản vay thế chấp bằng cổ phiếu STB cũng khiến hai chỉ tiêu an toàn hoạt động của ngân hàng không đạt yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước.
Theo đó, tỷ lệ dư nợ cho vay chứng khoán trên tổng dư nợ của Eximbank tại thời điểm 31/12/2019 là 6,04%, cao hơn so với mức quy định tối đa theo Thông tư 36/2014 là 5%, chủ yếu là 7 khách hàng quá hạn thế chấp cổ phiếu STB vay mua cổ phiếu EIB, với tổng dư nợ là 746 tỷ đồng.
Khoản nợ khó đòi này khiến Eximbank lao đao suốt thời gian qua nên phía ngân hàng đang muốn xử lý nhanh chóng, song xem ra không khả thi trong năm nay vì chưa có phương án cụ thể. Đồng thời, Eximbank còn có một số mục tiêu lớn đặt ra nhưng cũng khó hoàn thành trong năm nay.
Mục tiêu kinh doanh vẫn tham vọng
Vài năm qua, Eximbank đang phải đối mặt với bất ổn lớn khi liên tiếp có sự thay đổi lãnh đạo cấp cao, gắn liền với ‘cuộc chiến vương quyền’ ở ngân hàng này.
Tháng 6/2020, ông Cao Xuân Ninh đã phải từ chức chủ tịch ngay trước thềm đại hội đồng cổ đông và bầu chọn ông Yasuhiro Saitoh, Phó Chủ tịch HĐQT đang nắm 15% vốn tại Eximbank đảm nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT thay ông Ninh. Sau đó, 2 lần đại hội đồng cổ đông liên tiếp đều không thể diễn ra do không đủ tỷ lệ cổ đông tham dự, đến lần thứ 3 thì bị hoãn do dịch COVID-19. Mới đây, phía ngân hàng dự kiến sẽ tổ chức lại vào ngày 15/12/2020 tại Hà Nội.
Tuy bất ổn nhưng năm 2020 mục tiêu kinh doanh của ngân hàng này đưa ra khá tham vọng.Trong đó tiêu biểu là mục tiêu kép: vừa đạt lợi nhuận trước thuế 1.318 tỷ đồng, vừa mua lại toàn bộ nợ xấu tại VAMC (thậm chí đưa tỷ lệ nợ xấu xuống dưới 2%).
Ðược biết, tính đến hết năm 2019, Eximbank còn 4.432 tỷ đồng nợ xấu tại VAMC. Tính đến 30/9/2020 vẫn còn hơn 2.775 tỷ đồng nợ xấu tại VAMC.
Theo BCTC hợp nhất quý 3/2020, nguồn lực dự phòng của Eximbank đang rất mỏng. Dự phòng cho vay khách hàng của ngân hàng này mới chỉ đạt 1.238 tỷ đồng tính đến hết tháng 9/2020, tỷ lệ bao phủ nợ xấu (cả nợ xấu nội bảng và giá trị trái phiếu chưa dự phòng tại VAMC) theo đó chỉ vỏn vẹn 28%, nghĩa là 1 đồng nợ xấu chỉ được “bao bọc” bởi 0,28 đồng dự phòng.
Với nguồn dự phòng mỏng như vậy, Eximbank khó có khả năng mua lại toàn bộ nợ xấu tại VAMC trong thời gian còn lại của năm 2020, đồng thời đưa tỷ lệ nợ xấu xuống dưới 3%, mà vẫn hoàn thành được mục tiêu lợi nhuận. Còn tham vọng đưa tỷ lệ nợ xấu xuống dưới 2% có thể coi là bất khả thi.
Thực tế, còn khoảng 35 ngày nữa sẽ kết thúc năm tài chính 2020 nhưng kết quả kinh doanh cũng như tình hình tài chính cho thấy Eximbank khó lòng thực hiện được mục tiêu kép trên.
Theo ban lãnh đạo cấp cao của Eximbank, do tác động của đại dịch Covid-19 nên việc xử lý nợ xấu có phần chậm hơn, dù ngân hàng đã hết sức nỗ lực. Vì thế, khả năng tiến độ tất toán trái phiếu VAMC của Eximbank khó hoàn thiện đúng lộ trình đưa ra.
Ngoài mục tiêu kép khó hoàn thành, trong năm 2020 Eximbank còn đang đẩy nhanh xử lý khoản nợ thế chấp bằng cổ phiếu STB như đã đề cập ở trên. Song dự báo khoản nợ này cũng khó có thể hoàn tất trong năm nay, vì chưa có phương án cụ thể.