Tốc độ xử lý nợ xấu tại Sacombank gặp khó vì Covid-19?

Tính đến hết tháng 6/2020, nợ xấu nội bảng của Ngân hàng Sacombank đã tăng thêm gần 950 tỷ đồng, khiến tỷ lệ nợ xấu nội bảng tăng từ 1,94% lên 2,15%.

Mới đây, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2020. Điểm đáng chú ý chính là nợ xấu nội bảng và tỷ lệ nợ xấu nội bảng của nhà băng này đều tăng.

Cụ thể, tính đến ngày 30/6/2020 tổng nợ xấu tại Sacombank tăng 17% so với đầu năm, lên mức 6.682 tỷ đồng, tăng thêm gần 950 tỷ đồng. Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn tăng vọt 185% so với đầu năm, lên mức hơn 850 tỷ đồng; nợ nghi ngờ tăng 32% lên mức hơn 542 tỷ đồng; nợ có khả năng mất vốn tăng 5%, ở mức hơn 5.288 tỷ đồng khiến tỷ lệ nợ xấu nội bảng tăng từ 1,94% lên 2,15%.

Tốc độ xử lý nợ xấu tại Sacombank gặp khó vì Covid-19? - Ảnh 1

Phân tích chất lượng nợ cho vay tại Sacombank. Nguồn: BCTC hợp nhất quý 2/2020

 

 

Nợ xấu leo thang phần lớn xuất phát từ tác động của dịch Covid-19. Có thể, dịch đã ảnh hưởng lớn tới các doanh nghiệp khiến họ gặp khó khăn nên tác động đến chất lượng các khoản vay.

Hoặc dịch tác động tiêu cực tới các hoạt động của ngân hàng khiến lượng trích lập dự phòng không như kế hoạch do đó ảnh hưởng đến lượng nợ xấu cần xóa bằng dự phòng.

Đầu tháng 6/2020, Sacombank tổ chức ĐHĐCĐ với mục tiêu xử lý 11.000 tỷ đồng nợ xấu trong năm 2020. Nguyễn Đức Thạch cho biết: “Trong 5 tháng đầu năm, doanh số đã đấu giá thành công là trên 9.700 tỷ đồng, thực thu tiền mặt là 1.800 tỷ đồng, từ giờ đến cuối năm sẽ thu phần còn lại. 7 tháng tới chắc chắn con số thu hồi nợ xấu sẽ vượt xa so con số kỳ vọng 11.000 tỷ đồng”.

Tuy nhiên, kết thúc 6 tháng đầu năm, tỷ lệ nợ xấu (bao gồm cả nợ xấu nội bảng và nợ xấu tại VAMC) chỉ giảm nhẹ, từ mức 10,88% cuối năm 2019 xuống 10,23%, tương đương giảm 0,65 điểm%.

Nếu nhìn lại, năm 2018 Sacombank đặt mục tiêu xử lý nợ xấu 15.000 tỷ đồng và Ngân hàng đã xử lý được 13.000 tỷ đồng. Năm 2019, Sacombank tiếp tục đẩy mạnh xử lý nợ xấu, với mục tiêu xử lý khoảng 10.000 - 15.000 tỷ đồng và Ngân hàng đã thu hồi và xử lý 18.400 tỷ đồng nợ xấu và tài sản tồn đọng.

Như vậy, năm 2020, tiến trình xử lý nợ xấu của Sacombank có vẻ đang chậm đáng kể do Covid-19.

Tốc độ xử lý nợ xấu tại Sacombank gặp khó vì Covid-19? - Ảnh 2

Kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2020 tại Sacombank. Nguồn: BCTC hợp nhất quý 2/2020.

 

Kết thúc 6 tháng đầu năm, hoạt động chính của Sacombank đem về 4.477 tỷ đồng lãi thuần, tăng 22% so với cùng kỳ năm trước, hoạt động dịch vụ tăng nhẹ 3% với số lãi gần 1.419 tỷ đồng với hầu hết các mảng kinh doanh đều khởi sắc. Tuy nhiên, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng mạnh 50% so với cùng kỳ (từ 1.046 tỷ đồng lên 1.565 tỷ đồng) khiến lợi nhuận trước và sau thuế 6 tháng đầu năm của Sacombank xấp xỉ cùng kỳ năm trước, đạt 1.428 tỷ đồng và 1.129 tỷ đồng.

Như vậy, sau 6 tháng đầu năm, STB đã thực hiện được 55% kế hoạch lãi trước thuế năm 2020.

Hàng loạt tài sản được phát mãi

Ngân hàng Sacombank vừa thông báo đấu giá các tài sản vào cuối tháng 7 để xử lý những khoản nợ xấu. Theo đó, Sacombank sẽ thực hiện đấu giá lần thứ 10 quyền sử dụng đất và tài sản khác gắn liền với đất tại 41 - 45 đường 281 Lý Thường Kiệt, phường 15, quận 11, TP.HCM của ông Trầm Phong Xuân và bà Kiên Thị Kiều.

Tài sản có khuôn viên hơn 615 m2, diện tích xây dựng hơn 393 m2, diện tích sử dụng hơn 4.030 m2. Tài sản này trước đây là Khách sạn Ngân Kiều và mức giá đấu khởi điểm là 122 tỷ đồng. Cũng cuối tháng 7/2020, Sacombank đấu giá lần thứ 10 quyền sử dụng đất diện tích 6.878 m2 tại xã Phong Phú, huyện Bình Chánh, TP.HCM do ông Vương Thoại Nguyên sở hữu quyền sử dụng. Mục đích sử dụng đất chuyên trồng lúa nước và giá khởi điểm là 28 tỷ đồng.

Một tài sản khác được Sacombank công bố bán đấu giá lần thứ 25 với giá khởi điểm 355 tỳ đồng là quyền sử dụng đất tại 245/61B Hòa Bình, phường Hiệp Tân, quận Tân Phú, TP.HCM có diện tích 6.327 m2 thuộc sở hữu của Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và kinh doanh bất động sản Tân Phong. Ngoài ra, còn có một tài sản khác có giá khởi điểm 400,35 tỷ đồng cũng được đem ra đấu giá lần thứ 24 là quyền sử dụng đất, quyền sử dụng nhà ở và tài sản gắn liền trên đất diện tích 6.382 m2 tại 36/70 đường D2, phường 25, Bình Thạnh, TP.HCM.

Đồng thời, một trong những tài sản thế chấp lớn mà Sacombank đang muốn bán lại bị vướng lại đó là bất động sản Khu công nghiệp Phong Phú. Sacombank cho biết, Ngân hàng nhiều lần bán đấu giá tài sản này (bao gồm khu đô thị, khu công nghiệp), nhưng trong quá trình triển khai bất động sản này cũng có những tồn tại. Vì thế, đợt rồi UBND TP.HCM yêu cầu Sacombank tạm dừng phát mãi để xem xét lại, nên Ngân hàng đang đợt ý kiến của UBND TP.HCM để có thể phát mãi tài sản trở lại. Tổng giám đốc Sacombank bà Nguyễn Đức Thạch Diễm cho hay, đến nay Ngân hàng còn nắm giữ hơn 25.000 tỷ đồng trái phiếu VAMC và đang nỗ lực xử lý, thu hồi nợ xấu để hoàn nhập dự phòng. Tuy  nhiên, trong bối cảnh hiện nay khi ảnh hưởng của dịch Covid-19 chưa kết thúc, việc bán tài sản thu hồi nợ không dễ.

 

Theo Hà Phương/ Sở hữu trí tuệ

 

 

Link nguồn: https://sohuutritue.net.vn/toc-do-xu-ly-no-xau-tai-sacombank-gap-kho-vi-covid-19-d79677.html

Tin liên quan