Nợ xấu tăng bào mòn lợi nhuận ngân hàng
Nhiều ngân hàng công bố lãi lớn trong quý I/2023 nhưng kèm theo đó nợ xấu cũng tăng lên. Nợ xấu phình to 'chực chờ' ăn mòn lợi nhuận, đe dọa đến chất lượng tài sản của ngành ngân hàng.
Nợ xấu tăng cao
Hầu hết ngân hàng trong quý I/2023 đều báo lãi cao so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, cùng với đó, nợ xấu cũng gia tăng.
Tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), lợi nhuận hợp nhất của Vietcombank quý I/2023 đạt 11.221 tỷ đồng trước thuế và 8.992 tỷ đồng sau thuế, tăng gần 13% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, không nằm ngoài xu hướng chung của toàn ngành, nợ xấu của Vietcombank cũng tăng. Nợ xấu của Vietcombank tính đến ngày 31/3/2023 tăng hơn 27% so với hồi cuối năm 2022, lên 9.942 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay tăng từ 0,68% hồi đầu năm lên 0,85%.
Tương tự, Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) đạt lãi trước thuế gần 5.157 tỷ đồng, tăng 25,3% so với cùng kỳ năm trước. Tính đến 31/3, số dư tín dụng của ACB giảm 0,6%, đạt 411.289 tỷ đồng; số dư nợ xấu tăng 31,5% lên 4.000 tỷ đồng, đưa tỷ lệ nợ xấu tăng từ 0,74% cuối năm 2022 lên 0,97% vào cuối quý I/2023.
Trong khi đó, lợi nhuận của Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) trước và sau thuế trong quý I/2023 lần lượt đạt 1.765 tỷ đồng và 1.413 tỷ đồng, tăng 8,7% so với quý I/2022. Nợ xấu nội bảng của TPBank trong 3 tháng đầu năm tăng đến 84%, lên mức 2.497 tỷ đồng. Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn (nợ nhóm 3) tăng hơn 3,1 lần lên mức 1.199 tỷ đồng; nợ nhóm 4 (nợ nghi ngờ) tăng gấp rưỡi lên 764 tỷ đồng; nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) tăng nhẹ 5,5% lên hơn 533 tỷ đồng.
Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) báo lãi trước thuế trong 3 tháng đầu năm nay đạt 6.600 tỷ đồng, tăng 58% so với cùng kỳ năm trước. Số nợ xấu của BIDV cũng tăng hơn 40% so với cuối năm 2022, lên 24.728 tỉ đồng; tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay của ngân hàng tăng từ 1,19% lên 1,59%.
Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) công bố lợi nhuận trước thuế trong quý I/2023 đạt 6.512 tỷ đồng, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm trước. Cùng với đó, số dư nợ xấu của MB cũng tăng 68% so với năm 2022 lên gần 8.453 tỷ đồng, tương đương tỷ lệ nợ xấu tăng lên gần 1,76% so với mức chỉ hơn 1% của cuối năm vừa qua.
Không ngoại lệ, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) công bố lợi nhuận trước thuế trong quý I/2023 tăng gần 3% so với cùng kỳ năm trước, đạt hơn 5.980 tỷ đồng. Số dư nợ xấu của ngân hàng tăng 7,8% so với cuối năm vừa qua, vượt 17.000 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu theo đó tăng từ 1,24% lên gần 1,28%.
Trong quý I/2023, Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) có lãi trước thuế đạt 870,7 tỷ đồng, tăng 7,6% so với cùng kỳ năm trước. Song chất lượng tín dụng đã suy giảm. Tính đến 31/3, ngân hàng cho vay khách hàng giảm 0,3%, xuống còn 130.074 tỷ đồng; dự phòng rủi ro cho vay khách hàng tăng 7%. Số dư nợ xấu của ngân hàng tăng gần 30% so với đầu năm, lên 3.047 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu của Eximbank tăng từ 1,8% lên 2,3%.
Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) báo lãi trước thuế đạt hơn 983 tỷ đồng trong quý I/2023, tăng 17,7% so với cùng kỳ năm trước. Số dư nợ xấu tăng gần 50% so với cuối năm 2022, lên trên 4.000 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu tăng từ 2,2% lên 3,3%.
Báo cáo tài chính quý I/2023 của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) cho thấy lợi nhuận trước thuế riêng lẻ của ngân hàng đạt hơn 4.100 tỷ đồng. Nợ xấu của VPBank trong quý I/2023 tăng lên 2,6%.
Trên đây chỉ là một vài lát cắt nhỏ trong bức tranh kinh doanh ngân hàng quý đầu năm nhưng những số liệu trên đây phần nào đã phản ánh chất lượng tài sản của nhiều ngân hàng đang có dấu hiệu suy giảm, nợ xấu có thể bào mòn lợi nhuận ngân hàng.
Chất lượng tài sản ngân hàng suy giảm
Ngân hàng Nhà nước xác định tổng nợ xấu nội bảng, nợ bán cho VAMC chưa xử lý và nợ tiềm ẩn thành nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng đến cuối tháng 2/2023 ước chiếm tỷ lệ 5% so với tổng dư nợ.
Nợ xấu liên quan đến bất động sản chiếm xấp xỉ 20% tổng quy mô nợ xấu trên bảng cân đối kế toán của các tổ chức tín dụng. Do đó, sự suy yếu của thị trường bất động sản sẽ gây áp lực lên chất lượng tài sản của ngân hàng trong năm 2023.
Hiện việc thu hồi xử lý nợ xấu qua thanh lý tài sản bảo đảm rất chậm do thanh khoản thị trường bất động sản sụt giảm, tài sản rao bán dù giảm giá mạnh mà vẫn không tìm được người mua. Các ngân hàng vẫn kiên trì đấu giá các tài sản dù phải điều chỉnh giá rất nhiều lần, thậm chí phải “cắt lỗ” khoản nợ để sớm thu hồi vốn.
Theo giới phân tích, năm 2023, ngành ngân hàng sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn trong chu kỳ bất động sản đi xuống cùng với triển vọng kém tích cực của xuất nhập khẩu. Khả năng chống chịu của từng ngân hàng sẽ tùy thuộc vào chất lượng tài sản và mức độ thận trọng của ngân hàng trong những năm qua.
Trước kịch bản nợ xấu gia tăng, nhiều ngân hàng đã đẩy mạnh việc trích lập dự phòng rủi ro tín dụng cho các khoản nợ xấu tiềm ẩn. Các ngân hàng có chất lượng tín dụng tốt, lợi nhuận cao thường có nhiều dư địa để trích lập dự phòng, giữ tỷ lệ bao phủ nợ xấu ở mức cao, điển hình như Vietcombank, BIDV, VietinBank… Còn lợi nhuận của các ngân hàng có mức điểm xếp hạng tín nhiệm sơ bộ thấp sẽ bị ăn mòn gần hết bởi các chi phí dự phòng.
Theo nhận định của Công ty Chứng khoán SSI, các ngân hàng sẽ phải đối mặt với bài toán chất lượng tài sản trong thời gian tới, trong đó áp lực nợ xấu tăng và tăng trích lập dự phòng sẽ tương đối lớn.
Còn theo Công ty TNHH Chứng khoán Yuanta Việt Nam, nợ xấu 2023 sẽ tăng lên 1,65% (tăng 10 điểm cơ bản so 2022). Vì thế, chi phí dự phòng sẽ tăng lên, nhất là tại các ngân hàng có tỷ lệ bao phủ nợ xấu thấp.
Tuy nhiên, áp lực nợ xấu với ngành ngân hàng trong năm 2023 đang được kỳ vọng sẽ giảm bớt sau khi Thông tư số 02/2023/TT-NHNN về cơ cấu lại thời gian trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ chính thức được ban hành vào cuối tháng 4 vừa qua. Bởi theo Thông tư 02, các ngân hàng có quyền lựa chọn cơ cấu lại thời hạn trả nợ trong phạm vi tối đa là 12 tháng và giữ nguyên nhóm nợ trong khi các khoản dự phòng có thể được trích lập dần trong 2 năm.
Chứng khoán SSI cho rằng, tỷ lệ nợ xấu năm 2023 có thể không tăng cao như ước tính ban đầu do khách hàng gặp khó khăn có thể được ngân hàng xem xét cơ cấu thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ. Điều này cũng có lợi cho các ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu gần 3%, vì các tổ chức này sẽ có thêm phương án để giữ tỷ lệ nợ xấu dưới mức 3%.
Tuy vậy, SSI cũng lưu ý rằng các nút thắt pháp lý trong ngành bất động sản vẫn là trở ngại chính đối với tình hình thị trường hiện tại và không thể giải quyết chỉ qua Thông tư 02.