Nới room tín dụng: Chuyên gia lo nguồn vốn chảy vào hoạt động đầu tư tài sản
Với việc nới room tín dụng 2%, tổng dư nợ dự kiến tăng thêm sẽ vào khoảng 240.000 tỷ đồng. TS Huỳnh Thế Du cho rằng nên tập trung nguồn vốn cho những hoạt động kinh tế tạo ra các dòng tiền gắn với giá trị và khoanh các khoản đầu tư/đầu cơ không tạo ra dòng tiền để xử lý sau. Tuy nhiên, các doanh nghiệp có thể lại muốn hướng dòng tiền vào hoạt động đầu tư tài sản thay vì hoạt động kinh doanh.
Lãi suất tiền gửi tiết kiệm “chạy nước rút” trong tháng cuối năm
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam mới đây đã ban hành quyết định điều chỉnh chỉ tiêu tín dụng định hướng năm 2022 thêm khoảng 1,5 - 2% cho toàn hệ thống các tổ chức tín dụng.
Theo đó, nguyên tắc điều chỉnh tăng chỉ tiêu tín dụng cho các tổ chức tín dụng theo hướng các tổ chức tín dụng có thanh khoản tốt hơn, lãi suất thấp hơn sẽ được tăng trưởng tín dụng cao hơn.
Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng cân đối vốn phù hợp để cấp tín dụng, tập trung vốn vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp phụ trợ… các động lực tăng trưởng theo đúng chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Theo tính toán của TS Huỳnh Thế Du, giảng viên Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright, với tổng dư nợ cho toàn nền kinh tế vào khoảng 12 triệu tỷ đồng hiện nay, chỉ tiêu 2% tín dụng tăng thêm sẽ vào khoảng 240.000 tỷ đồng. Khoản tín dụng này chủ yếu để đảm bảo thanh khoản cho hệ thống tài chính và các hoạt động kinh tế cần thiết.
Trong bối cảnh này, TS Huỳnh Thế Du cho rằng thách thức đặt ra là làm thế nào để đồng vốn được sử dụng đúng mục đích, nhằm đưa mọi thứ trở lại “đường ray” thông thường thay vì tạo thêm rắc rối trong tương lai.
Theo ông, để tổ chức các hoạt động sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp cần vốn ở các dạng gồm: vốn chủ sở hữu, vay ngân hàng, phát hành trái phiếu (nợ) và các khoản phải trả (nợ) đối tác. Trong một nền kinh tế, tổng nhu cầu vốn cho các hoạt động kinh tế luôn tăng. Như vậy, khi một khoản nợ đến hạn thì cần một khoản khác bù vào.
Cụ thể, trong bối cảnh hiện tại, TS Huỳnh Thế Du cho rằng trục trặc đến từ thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang rất khó huy động. Thông thường, khi các khoản trái phiếu đến hạn, doanh nghiệp sẽ phát hành đợt mới để thay cho đợt cũ.
“Giờ đây doanh nghiệp không thể phát hành tiếp trái phiếu để quay vòng, trong khi cổ phiếu cũng khó phát hành và các khoản nợ từ các đối tác khác cũng không thể gia tăng. Những khoản tín dụng trá hình nằm trong các khoản phải thu có thể sẽ hình thành và không thể tiếp tục quay vòng. Như vậy, tín dụng ngân hàng coi như cứu cánh cuối cùng”, vị chuyên gia này cho biết.
Theo ông Du, tình trạng căng thẳng thanh khoản hiện nay có một phần nguyên nhân đến từ việc một phần nguồn vốn được đầu tư vào các tài sản không tạo ra dòng tiền để trả nợ và lãi vay (mua bán tài sản và có thể có các yếu tố đầu cơ). Trong bối cảnh lãi suất tăng làm cho độ vênh giữa dòng tiền phải trả (lãi và một phần gốc) và dòng tiền những người đang dùng vốn để đầu tư tài sản sẽ gia tăng.
Giải pháp ở thời điểm hiện tại, theo TS Huỳnh Thế Du, là tập trung nguồn vốn cho những hoạt động kinh tế tạo ra các dòng tiền gắn với giá trị và khoanh các khoản đầu tư/đầu cơ không tạo ra dòng tiền để xử lý sau.
Trên thực tế, ông Huỳnh Thế Du cho rằng đối với nhiều người, nhiều doanh nghiệp, việc bỏ bê một chút các hoạt động kinh doanh tạo ra dòng tiền sẽ không bị ảnh hưởng nhiều; tuy nhiên trong các hoạt động đầu tư tài sản, nếu không sắp xếp được nguồn vốn để quay vòng có khả năng ảnh hưởng rất lớn.
“Một cách tự nhiên, nhiều doanh nghiệp sẽ tập trung nguồn vốn cho nhóm không nên ưu tiên cho cả nền kinh tế. Đây sẽ là thách thức rất lớn cho các cơ quan điều hành và các tổ chức cấp tín dụng”, TS Huỳnh Thế Du cho biết.