Nối tiếp Indonesia, một quốc gia Đông Nam Á tính chuyện 'dời đô' vì lo ngại bị nước biển nhấm chìm

Ngoài việc xây dựng đê điều, quốc gia này cũng đang tính đến phương án di dời toàn bộ Thủ đô.

Vào ngày 15/5 vừa qua, ông Pavich Kesavawong – Phó Tổng Giám đốc Cơ quan biến đổi khí hậu và môi trường thuộc Chính phủ Thái Lan đã cho biết đất nước này có thể phải xem xét việc di dời Thủ đô khỏi thành phố Bangkok do lo ngại tình trạng nước biển dâng. Theo đó, nhiều dự báo cho thấy Bangkok nằm ở vùng trũng, có nguy cơ bị nước biển nhấn chìm trước cuối thế kỷ này. 

Thái Lan đang có ý định di chuyển Thủ đô. Ảnh: The Thaiger
Thái Lan đang có ý định di chuyển Thủ đô. Ảnh: The Thaiger

Ông Pavich Kesavawong cũng đã cảnh báo Thủ đô của đất nước được mệnh danh là “xứ sở chùa vàng” cũng khó có thể thích ứng với xu hướng nóng lên hiện nay của thế giới. Ông cho rằng nhiệt độ thế giới đã tăng vượt mức 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp và nếu tình hình này vẫn tiếp diễn, Thủ đô Bangkok có thể sẽ bị nước biển nhấn chìm trong tương lai. Chính vì vậy, đây là thời điểm để suy nghĩ về việc thích ứng.

Để giải quyết tình hình, chính quyền thành phố Bangkok đang nghiên cứu các biện pháp, trong đó có xây dựng đê điều – một biện pháp từng được áp dụng tại đất nước Hà Lan. Ngoài ra, chính quyền cũng tính đến phương án di dời toàn bộ Thủ đô. Tuy nhiên, đây là một vấn đề vô cùng phức tạp và các cuộc thảo luận vẫn đang mang tính giả thuyết.

Thủ đô Bangkok có nguy cơ bị nhấn chìm. Ảnh: Reuters
Thủ đô Bangkok có nguy cơ bị nhấn chìm. Ảnh: Reuters

Trên thực tế, dù việc di dời Thủ đô còn khá lâu mới được thông qua, dẫu vậy, đây không phải là điều chưa từng xảy ra ở khu vực Đông Nam Á. Một quốc gia có nền kinh tế mạnh nhất Đông Nam Á – Indonesia đang dự kiến khánh thành Thủ đô mới Nusantara trong năm 2024, thay thế Jakarta đang bị ô nhiễm và nước biển đe dọa.

Jakarta và Bangkok gặp những rắc rối tương tự nhau, đặc biệt là mật độ dân số cao, giao thông đông đúc, tắc nghẽn, ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng và mực nước biển dâng cao đe dọa nhiều khu vực tại hai thủ đô trong tương lai bị ngập.

Một số lãnh đạo Thái Lan tiền nhiệm cũng từng nghĩ đến kịch bản dời đô. Tháng 9/2019, Thủ tướng Thái Lan khi đó là ông Prayut Chan-o-cha đã tuyên bố việc di chuyển Thủ đô là điều “có thể”.

Thái Lan cũng từng nhiều lần muốn chuyển Thủ đô khỏi Bangkok vì ô nhiễm và tắc đường. Ảnh: EPA
Thái Lan cũng từng nhiều lần muốn chuyển Thủ đô khỏi Bangkok vì ô nhiễm và tắc đường. Ảnh: EPA

Chính quyền cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra nghiên cứu khả năng chuyển Thủ đô về tỉnh Nakhon Nayok, cách Bangkok 100km về phía Đông Bắc. Ngoài ra, Thái Lan cũng tính chuyển văn phòng cơ quan Chính phủ tới tỉnh Chachoengsao, cách Bangkok 80km về phía Đông. Tuy nhiên, những kế hoạch trên không được hiện thực hóa, khiến nhiều người hoài nghi mỗi khi nhắc đến ý định "dời đô".

Hiện Thái Lan cũng phải chịu tác động của biến đổi khí hậu trên nhiều lĩnh vực, khi người nông dân tại đất nước này phải chống chọi với nắng nóng và hạn hán, trong khi các doanh nghiệp du lịch bị ảnh hưởng bởi tình trạng tẩy trắng san hô và ô nhiễm. Trong khi đó, các nỗ lực của chính phủ vẫn chưa thực sự phát huy hiệu quả.

Tình Hoàng

Theo Chất lượng và cuộc sống