Nóng mùa đại hội cổ đông: Ngân hàng bán thêm vốn cho đối tác ngoại

Ngoài chuyện chia cổ tức, tăng vốn, nhiều ngân hàng chuẩn bị bán thêm vốn cho đối tác ngoại, có thể trở thành tâm điểm của mùa đại hội cổ đông năm nay của nhiều ngân hàng.

Hiện tại, các kế hoạch chia cổ tức, tăng vốn, chuyển sàn, thay đổi nhân sự cấp cao... đang là các thông tin nóng trước khi mùa đại hội cổ đông ngành ngân hàng bắt đầu. Đáng chú ý, kế hoạch bán thêm vốn cho cổ đông chiến lược nước ngoài cũng là vấn đề được quan tâm lúc này.

Mới đây nhất, đại hội thường niên lần thứ 2 năm 2021 của Eximbank vừa tổ chức thành công ngày 15/2/2021, với vị trí ghế “nóng” Chủ tịch Hội đồng quản trị được đề cử là bà Lương Cẩm Tú, thành viên Hội đồng quản trị duy nhất ở lại nhiệm kỳ VII (2020 - 2025).

Nóng mùa đại hội cổ đông: Ngân hàng bán thêm vốn cho đối tác ngoại - Ảnh 1

Được biết, từ năm 2018 tới nay, bà Tú nhận được sự ủng hộ của đa số cổ đông và cán bộ, nhân viên Eximbank. Vào tháng 3/2019, bà được bầu làm Chủ tịch Hội đồng quản trị, thay cho ông Lê Minh Quốc và được đánh giá là người có vai trò trung hòa trong các mối quan hệ giữa các nhóm cổ đông. Tuy nhiên, Eximbank đang nằm trong tay liên minh nhóm cổ đông nào vẫn là vấn đề được giới đầu tư quan tâm. Có thông tin cho rằng, nhóm cổ đông lớn phía sau Eximbank là một doanh nghiệp bất động sản và một ngân hàng.

Kế hoạch bán vốn cho nhà đầu tư nước ngoài của VPBank cũng được thị trường quan tâm, với kỳ vọng sẽ tạo động lực mới cho giá cổ phiếu VPB. Đối tác ngoại đang được đồn đoán là SMBC, khi đối tác Nhật Bản này vừa quyết định chấm dứt hợp tác chiến lược với Eximbank và trước đó đã mua lại 49% vốn tại FE Credit (công ty con của VPBank) với giá gần 1,4 tỷ USD.

Trong khi đó, VPBank vừa chính thức nới room ngoại lên 17,5%. Việc nới room ngoại lên 17,5%, theo lý giải của ngân hàng là để đủ tỷ lệ có thể phát hành thêm cổ phiếu cho cổ đông chiến lược nước ngoài tối đa 15%/vốn điều lệ sau khi phát hành. 

Theo quy định của pháp luật, tỷ lệ sở hữu tối đa của một tổ chức nước ngoài không được vượt 15% và tổng mức sở hữu của các nhà đầu tư nước ngoài không được vượt 30% vốn điều lệ ngân hàng.

Ngoài ra, mặc dù đã tuyên bố chấm dứt hợp tác chiến lược với Eximbank, nhưng SMBC vẫn là cổ đông lớn, sở hữu 15% cổ phần. Vì thế, SMBC liệu có rút lui hoàn toàn khỏi Eximbank và chuyển nhượng phần vốn cho nhóm cổ đông nào của Ngân hàng đang được thị trường quan tâm.

Trường hợp tại ngân hàng OCB, hiện room ngoại còn 10% và lãnh đạo OCB cho hay, Ngân hàng đang đàm phán với đối tác ngoại để bán tiếp phần còn lại, chốt room ngoại theo quy định dưới trần 30%.

Vấn đề quan trọng còn lại là về giá nếu hai bên thống nhất được sẽ hoàn tất sớm thương vụ này trong nửa đầu năm 2022.

Trong khi đó, Sacombank cho biết sẽ bán 32,5% cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài sau hoàn tất tái cơ cấu trong năm 2022. Tuy nhiên, việc bán cổ phần cho đối tác nước ngoài phải được sự đồng ý của Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC).

LienVietPostBank cũng có kế hoạch phát hành riêng lẻ 66,7 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư nước ngoài.

Trên thị trường hiện nay, một số nhà băng còn nguyên room ngoại như Nam A Bank, VietCapitalBank, Kienlongbank, VietA Bank, SCB... Các ngân hàng này cũng có kế hoạch sớm hút thêm vốn ngoại, tăng năng lực tài chính.

Các "ông lớn" ngân hàng như Vietcombank cũng kế hoạch chào bán riêng lẻ 6,5% vốn điều lệ. Ngân hàng này cho biết, đối tượng phát hành hướng đến là đối tác chiến lược Ngân hàng Mizuho, để giữ tỷ lệ sở hữu tối thiểu 15% (dự kiến hơn 46,1 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ 0,92% tổng số cổ phiếu sau phát hành) trên cơ sở quyết định đầu tư của Ngân hàng Mizuho.

Đồng thời, Vietcombank cũng phát hành cho các nhà đầu tư khác, có thể gồm cả Mizuho, dự kiến gần 261,5 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ 5,19% tổng số cổ phiếu sau phát hành.

Nóng mùa đại hội cổ đông: Ngân hàng bán thêm vốn cho đối tác ngoại - Ảnh 2

Các chuyên gia của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, giới hạn về tỷ lệ sở hữu vốn nước ngoài tại các tổ chức tín dụng (tối đa 30%) đang làm khó cơ hội tìm kiếm cổ đông chiến lược của các ngân hàng thương mại.

Theo quy định tại Nghị định 01/2014/NĐ-CP đang được áp dụng, tỷ lệ sở hữu cổ phần của nhà đầu tư cá nhân nước ngoài không được quá 5% vốn điều lệ; tổ chức nước ngoài sở hữu không quá 15% vốn điều lệ; nhà đầu tư chiến lược sở hữu không quá 20% vốn điều lệ; nhà đầu tư nước ngoài và người có liên quan sở hữu không quá 20% vốn điều lệ. Tổng mức sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài không vượt quá 30% vốn điều lệ của một ngân hàng thương mại Việt Nam.

Có thể thấy, bán cổ phần cho cổ đông chiến lược nước ngoài là câu chuyện riêng của các ngân hàng trước thềm đại hội năm nay. Động thái này được nhận định sẽ tác động lên giá cổ phiếu “vua”.

Hà Phương

Theo Sở hữu trí tuệ