Nóng: Novaland (NVL) đưa ra kiến nghị mới về các dự án BĐS tại tỉnh nhỏ nhất Đông Nam Bộ
Tập đoàn Novaland bày tỏ mong muốn được thuê môi trường rừng để khai thác tiềm năng du lịch sinh thái ven biển Hồ Tràm.
UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vừa tổ chức hội nghị đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh và các doanh nghiệp, nhà đầu tư. Tại buổi làm việc, nhiều kiến nghị liên quan đến các dự án bất động sản của những doanh nghiệp lớn như Novaland, Sonadezi Châu Đức đã được nêu ra.
Bà Võ Thị Cao Ly - Giám đốc Phát triển Dự án của CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va - Novaland (mã chứng khoán: NVL) cho biết, thời gian qua, doanh nghiệp đã được Tổ công tác 997 tháo gỡ các vướng mắc pháp lý, đồng thời được cấp phép xây dựng nhiều hạng mục công trình tại khu vực Hồ Tràm.
Sau khi rà soát các luật mới chính thức có hiệu lực, Novaland nhận thấy rằng các công trình nhà ở phải nằm trong dự án bất động sản đã được cơ quan Nhà nước phê duyệt. Đồng thời, trong nội dung dự án được chấp thuận cần có mục đích đầu tư xây dựng nhà ở để bán hoặc cho thuê mua. Tuy nhiên, doanh nghiệp nhận thấy hiện vẫn chưa có quy định cụ thể cho việc chấp thuận dự án mới. Do đó, Novaland kiến nghị tỉnh cần hướng dẫn nhà đầu tư trên địa bàn để minh bạch hóa thị trường bất động sản.
Ngoài ra, Novaland bày tỏ mong muốn được thuê môi trường rừng để khai thác tiềm năng du lịch sinh thái ven biển Hồ Tràm. Mặc dù Nghị định 91 đã được ban hành thay thế Nghị định 156, doanh nghiệp kiến nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn hỗ trợ xử lý các hồ sơ đã nộp để đẩy nhanh tiến trình thuê môi trường rừng.
Trước những kiến nghị này, ông Dương Thái Hiền - Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh cho biết, việc cho phép dự án bất động sản kinh doanh liên quan đến công tác quy hoạch, đất đai... Sở ghi nhận các ý kiến và sẽ tham mưu cho tỉnh về những dự án có khả năng kinh doanh bất động sản trong thời gian tới để cấp phép cho nhà đầu tư triển khai.
Bên cạnh Tập đoàn Novaland, đại diện CTCP Sonadezi Châu Đức (mã chứng khoán: SZC) cũng đã chia sẻ về dự án Khu dân cư Hữu Phước của doanh nghiệp.
Dự án này nằm trong 20% diện tích xây dựng nhà ở xã hội (5ha, 1.200 căn hộ) và hiện đã hoàn thành giai đoạn 1 với 250 căn hộ. Các căn hộ đã gần hoàn thiện phần thô và chuẩn bị bước vào giai đoạn bán hàng cho người lao động.
Tuy nhiên, dự án này không được hưởng chế độ ưu đãi như nhà ở xã hội và không nằm trong diện được vay gói tín dụng 120.000 tỷ đồng của nhà nước. Dù vấn đề đã được báo cáo lên lãnh đạo tỉnh và hỏi ý kiến Bộ Xây dựng, nhưng chưa nhận được phản hồi, khiến SZC không thể tiếp cận nguồn vay ưu đãi.
Điều này cũng đồng nghĩa với việc người lao động có thu nhập thấp sau này sẽ không được hưởng ưu đãi như các dự án nhà ở xã hội khác. Vì vậy, SZC kiến nghị tỉnh xem xét để các dự án tương tự được hưởng ưu đãi này.
Đại diện Sở Xây dựng giải thích rằng, theo các quy định của Bộ Xây dựng, dự án nhà ở xã hội độc lập mới được hưởng gói tín dụng 120.000 tỷ đồng. Trong khi đó, dự án của SZC nằm trong dự án nhà ở thương mại, nên phải tuân theo các quy định hiện hành và không được hưởng ưu đãi. Sở cho biết sẽ hỏi Bộ Xây dựng cụ thể hơn về vấn đề này, bởi kể cả khi Sở đồng ý, doanh nghiệp cũng sẽ gặp khó khăn khi vay tại ngân hàng. Đây là một vướng mắc mà Sở đang cố gắng tháo gỡ.
Bà Rịa - Vũng Tàu, với diện tích 1.987km2, là tỉnh nhỏ nhất vùng Đông Nam Bộ. Theo Quy hoạch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh sẽ phát triển thành một trong những động lực quan trọng của khu vực Đông Nam Bộ.
Đặc biệt, thị xã Phú Mỹ sẽ trở thành thành phố trực thuộc tỉnh trước năm 2025, là trung tâm công nghiệp, cảng biển quốc tế, dịch vụ và du lịch, trở thành thành phố thứ ba của tỉnh sau TP. Bà Rịa và TP. Vũng Tàu. Mục tiêu xa hơn là đến sau năm 2030, Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.