Nữ chủ tịch 8X mới của Bông Bạch Tuyết là ai?

Bà Phạm Viết Lan Anh hiện đang nắm giữ nhiều vị trí cấp cao tại các công ty trong hệ sinh thái của Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển Sài Gòn 3 Group (UPCoM: SGI).

Bà Phạm Viết Lan Anh, tân chủ tịch Bông Bạch Tuyết
Bà Phạm Viết Lan Anh, tân chủ tịch Bông Bạch Tuyết

Công ty Cổ phần Bông Bạch Tuyết (UPCoM: BBT) vừa công bố quyết định miễn nhiệm và bổ nhiệm đối với chức danh chủ tịch HĐQT. Theo đó, HĐQT Bông Bạch Tuyết thông qua việc miễn nhiệm ông Đoàn Văn Sơn khỏi vị trí chủ tịch HĐQT theo đơn từ nhiệm được công bố trước đó với lý do cá nhân.

Để thay thể ông Đoàn Văn Sơn, Bông Bạch Tuyết quyết định bổ nhiệm bà Phạm Viết Lan Anh vào vị trí chủ tịch HĐQT nhiệm kỳ 2021-2026 kể từ ngày 19/8/2022.

Được biết, bà Phạm Viết Lan Anh sinh năm 1983, là cử nhân tài chính, CFA Charter Holder của Học viện CFA (Mỹ). Bà từng có nhiều năm công tác tại các doanh nghiệp nước ngoài như Citibank (Singapore), Thomson Reuters (Singapore). Tại các doanh nghiệp trong nước, bà từng giữ nhiều vị trí tại Công Chứng khoán Bảo Việt và Công ty Quản lý Quỹ đầu tư Chứng khoán Bản Việt.

Hiện nay, bà Phạm Viết Lan Anh là Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Sài Gòn 3 Jean, Trưởng ban Kiểm soát Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển Sài Gòn 3 Group, Trưởng ban Kiểm soát Công ty Cổ phần May da Sài Gòn, Trưởng ban Kiểm soát Công ty Cổ phần May Sài Gòn 3.

Các công ty nêu trên mà bà Lan Anh hiện đang công tác đều thuộc hệ sinh thái của SGI, bao gồm cả Bông Bạch Tuyết. Vào ngày 1/4 vừa qua, bà Phạm Viết Lan Anh được bổ nhiệm làm thành viên HĐQT của Bông Bạch Tuyết. 

Bông Bạch Tuyết tiền thân là nhà máy Cobovina Bạch Tuyết, thành lập năm 1960, là nhà máy của tư nhân chuyên sản xuất các sản phẩm bông y tế và băng vệ sinh phụ nữ.

Năm 1997, Bông Bạch Tuyết tiến hành cổ phần hóa với vốn điều lệ 11,4 tỷ đồng, trong đó nhà nước nắm giữ 30% vốn. Mô hình hoạt động mới đưa sản phẩm bông y tế của Bông Bạch Tuyết chiếm 90% thị phần cả nước còn sản phẩm băng vệ sinh chiếm 30%. Năm 2002, Bông Bạch Tuyết tăng vốn lên 68,4 tỷ đồng bằng nguồn vốn tự tích luỹ.

Công ty chính thức đưa cổ phiếu giao dịch ở hệ thống UPCoM từ ngày 12/6/2018 với giá tham chiếu là 2.300 đồng/cổ phiếu. Đến nay, thị giá của cổ phiếu BBT đã tăng gấp 4,8 lần lên 11.000 đồng/cổ phiếu.

Về tình hình kinh doanh, dù đã qua 7 tháng của năm 2022, nhưng Bông Bạch Tuyết vẫn chưa công bố báo cáo quý I, quý II cũng như báo cáo tài chính bán niên kiểm toán năm 2022.

Nhìn lại năm 2021, doanh thu thuần của Bông Bạch Tuyết đạt 135 tỷ đồng, giảm 6,7% so với năm 2020. Các loại chi phí đều ghi nhận tăng tưởng, trong đó chi phí tài chính tăng gấp 11 lần, cùng với việc không còn ghi nhận khoản lợi nhuận khác lớn như năm 2020, Bông Bạch Tuyết đã báo lãi sau thuế giảm hơn 75%, đạt 6,4 tỷ đồng.

Ngân Kim

Theo Theo VietnamFinance