Nữ đại gia Việt thâu tóm công ty chứng khoán từ ông lớn ngoại: 'Thay máu' và đổi tên?
Sau khi Inter – Pacific Securities rút vốn, Chứng khoán Saigonbank Berjaya lên kế hoạch tổ chức ĐHĐCĐ bất thường với các nội dung về bổ sung thành viên HĐQT, đổi tên công ty, sửa đổi điều lệ.
Đại gia Việt thâu tóm, cổ đông sáng lập rút lui
Theo thông tin từ Công ty Chứng khoán Saigonbank Berjaya (SBBS), vào ngày 4/10 vừa qua, 4 triệu cổ phần (tương đương 13,33% vốn) đã được giao dịch thoả thuận với bên mua là Chủ tịch Nguyễn Thị Hương Giang, bên bán là Công ty Inter – Pacific Securities Sdn Bhd (Malaysia).
Sau giao dịch, Inter – Pacific Securities rút hết vốn tại SBBS, trong khi đó bà Nguyễn Thị Hương Giang tăng số lượng nắm giữ lên hơn 16 triệu cổ phần, tỷ lệ sở hữu tăng tương ứng lên 53,55%.
Chưa dừng lại ở đó, Chủ tịch SBBS tiếp tục mua vào 5 triệu cổ phần của công ty này trong đợt chào bán cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ, nâng tỷ lệ sở hữu lên 60,19%, nắm giữ tổng cộng hơn 21 triệu cổ phần của SBBS.
Đáng nói, trong đợt chào bán này, SBBS dự định phát hành 20 triệu cổ phần cho cổ đông, tuy nhiên chỉ bán thành công 5 triệu cổ phần cho chủ tịch (chiếm 25% lượng chào bán). Vốn điều lệ của công ty tăng từ 300 tỷ đồng lên 350 tỷ đồng sau khi hoàn tất phát hành.
Bên cạnh bà Giang, các cổ đông lớn khác của SBBS bao gồm Công ty TNHH MTV Du lịch Thương mại Kỳ Hoà (11,43%), Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương (Saigonbank, 9,43%) và bà Đinh Thị Thu Trang (5,84%).
Trước đó, vào cuối năm 2023 và đầu năm 2024, Công ty Du lịch Thương mại Kỳ Hoà đã 2 lần muốn thoái vốn SBBS thông qua bán đấu giá cổ phần, tuy nhiên đều bất thành do không có nhà đầu tư đăng ký tham gia đấu giá.
Được biết, SBBS được thành lập bởi Tập đoàn Berjaya Berhad (Malaysia), Saigonbank, Du lịch Thương mại Kỳ Hòa và một số cổ đông vào năm 2008. Trong đó, Berjaya Berhad nắm giữ cổ phần thông qua Inter – Pacific Securities.
Cùng với sự ra đi của cổ đông Malaysia, ông Kuok Wee Kiat (Giám đốc Inter-Pacific Sdn Bhd ) và ông Derek Chin (Trưởng Hội đồng Luật pháp của Berjaya Corporation Berhad (Malaysia) và là giám đốc một số công ty thuộc Tập đoàn Berjaya) trong vai trò thành viên HĐQT cũng có đơn từ nhiệm khỏi vị trí từ ngày 4/10 vì lý do cá nhân.
Về phía bà Nguyễn Thị Hương Giang, người hiện là cổ đông lớn nhất của SBBS, bà từng là Giám đốc khối cổ phiếu niêm yết của VinaCapital (2006-2013), Giám đốc khối tư vấn doanh nghiệp Chứng khoán SSI (2014 - 2019), Phó tổng giám đốc Ban đầu tư Sovico Group (2019 - 2021). Ngoài ra, bà Giang còn là Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Kim Ngưu Việt Nam, công ty mẹ của Công ty TNHH Tititada, đơn vị sở hữu ứng dụng Tititada (ứng dụng đầu tư).
Thay tên, đổi chủ
Song song với những biến động về cổ đông lớn, SBBS hiện đang lên kế hoạch tổ chức ĐHĐCĐ bất thường với các nội dung về bổ sung thành viên HĐQT, đổi tên công ty, sửa đổi điều lệ.
Tên gọi hiện tại của SBBS là sự kết hợp giữa 2 cổ đông sáng lập là Saigonbank và Tập đoàn Berjaya Berhad. Với sự rút lui của Berjaya, nhiều khả năng SBBS sẽ loại bỏ “bóng dáng” của nhà đầu tư này ra khỏi tên công ty.
Đây cũng là điều thường thấy ở các công ty sau khi đổi chủ. Mới đây nhất, Công ty Cổ phần Chứng khoán Quốc tế Hoàng Gia (IRS) cũng đã chính thức đổi tên thành Công ty Cổ phần Chứng khoán UP (UP Securities Company – UPS), đồng thời sử dụng bộ nhận diện thương hiệu, website, nền tảng giao dịch, email và fanpage mới.
Sự thay đổi được thực hiện sau khi UP đổi chủ và trải qua cuộc “thay máu” nhân sự cấp cao, với sự ra đi của các thành viên HĐQT là ông Lê Thanh Tao, ông Hồ Ngọc Toàn và bà Trần Thị Thu Hương; các thành viên ban kiểm soát là ông Đoàn Danh Hưng, bà Phan Thị Mai Hương và bà Nguyễn Thị Mai Anh. Tổng giám đốc với 9 năm đương nhiệm – bà Trần Thị Thu Hương cũng đã từ nhiệm khỏi vị trí.
Ông Lê Thanh Tao, bà Trần Thị Thu Hương và ông Đoàn Danh Hưng – những cổ đông gắn bó với UP từ những năm đầu tiên cũng đã bán ra toàn bộ cổ phần nắm giữ. Trước đó, ông Tao và bà Hương là cổ đông lớn của UP, với tỷ lệ sở hữu lần lượt là 82,95% và 7,7%. Nhóm chủ mới của UP dần lộ diện khi báo cáo bán niên 2024 cho thấy tân Chủ tịch Cao Tấn Thành nắm giữ 16,5% vốn, thành viên HĐQT Lê Tuấn nắm giữ 19,5%.
Hay như Công ty Cổ phần Chứng khoán Việt Tín (VTSS) mới đây đã được ĐHĐCĐ thông qua việc đổi tên thành Công ty Chứng khoán VTG (VTGS), chuyển trụ sở công ty từ toà nhà 40 Phan Bội Châu (quận Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội) về toà nhà Bến Thành Tower (Quận 1, TP. HCM).
Đồng thời, ĐHĐCĐ cũng thông qua loạt các quyết định về nhân sự cấp cao: miễn nhiệm thành viên HĐQT Ronald Nguyễn Anh Đạt theo đơn từ nhiệm trước đó; miễn nhiệm 2 thành viên ban kiểm soát gồm bà Phạm Thị Lê Minh và ông Nguyễn Ánh Minh; bầu bổ sung thành viên HĐQT mới là ông Nguyễn Thành Phú và ông Lê Quốc Trung; bầu bổ sung 3 thành viên ban kiểm soát gồm ông Phạm Trương Tấn Đức, bà Võ Thị Lũy và bà Nguyễn Vũ Thùy Ngân.
Cùng với đó, VTGS cũng nhận được đơn từ nhiệm từ vị trí tổng giám đốc của ông Lê Quang Tiến vì lý do cá nhân.
Thay thế ông Ronald Nguyễn Anh Đạt và ông Lê Quang Tiến, bà Nguyễn Thị Thanh Thuỷ - đại diện theo uỷ quyền của Công ty Cổ phần Du lịch Minh Thành sẽ kiêm nhiệm vị trí chủ tịch HĐQT và tổng giám đốc. Du lịch Minh Thành cũng là cổ đông lớn nắm giữ 49% vốn của VTGS sau khi nhận chuyển nhượng từ bà Hoàng Ngân Hà – vợ của ông Ronald Nguyễn Anh Đạt.