Ông Bolat Duisenov: ‘Ricons cũng nợ Coteccons, nhưng chúng tôi không muốn vượt quá giới hạn’

Chủ tịch Coteccons – Bolat Duisenov cho hay, Ricons cũng nợ Coteccons, song Coteccons không khởi kiện Ricons, vì “Coteccons không muốn vượt qua giới hạn. Chúng tôi muốn nhìn vào gương mỗi ngày mà không áy náy với lương tâm của mình, muốn ngủ ngon mỗi đêm mà không bị lương tâm cắn rứt”.

Ông Bolat Duisenov: ‘Ricons cũng nợ Coteccons, nhưng chúng tôi không muốn vượt quá giới hạn’
Ông Bolat Duisenov: ‘Ricons cũng nợ Coteccons, nhưng chúng tôi không muốn vượt quá giới hạn’

“Không ngại đối diện với bất kỳ vấn đề pháp lý nào”

Sự việc Ricons khởi kiện yêu cầu mở thủ tục phá sản với Coteccons hồi tháng 6 năm nay là một trong những diễn biến đáng chú ý nhất của ngành xây dựng Việt Nam năm 2023.

Căn nguyên của sự việc là Coteccons có một số khoản nợ hình thành trước năm 2019 chưa thanh toán cho Ricons. Và về quy định pháp luật, Ricons có quyền khởi kiện, yêu cầu tòa án mở thủ tục phá sản với Coteccons.

Tuy nhiên, đầu tháng 10/2023, tòa án nhân dân TP. HCM đã bác bỏ yêu cầu của Ricons.

Trên thực tế, không chỉ có Coteccons nợ Ricons mà Ricons cũng nợ Coteccons. Việc 2 bên nợ lẫn nhau là hệ quả của một thời kỳ mà cả hai cùng ở trong một hệ sinh thái gồm 7 thành viên: Coteccons, Unicons, Ricons, Newtecons, BM Windows, SOL E&C và Boho.

Cho tới năm 2020 (hoặc sớm hơn là năm 2019), hệ sinh thái này bị phân liệt thành 2 nhóm: nhóm 1 gồm Coteccons và Unicons, nhóm 2 gồm các doanh nghiệp còn lại. Từ chỗ là “đối tác”, 2 nhóm trở thành “đối thủ”. Bởi vậy, không ngạc nhiên khi Ricons khởi kiện Coteccons, mà còn khởi kiện ngay lúc 2 bên đang đấu nhau rất căng thẳng ở gói thầu 5.10 sân bay Long Thành.

Tại đại hội đồng cổ đông thường niên năm tài chính 2024 của Coteccons, tổ chức chiều 17/10, Chủ tịch Coteccons – ông Bolat Duisenov đã có những chia sẻ với cổ đông về sự việc này.

Trước tiên, ông Bolat từ chối trả lời câu hỏi của cổ đông: vì sao Ricons kiện Coteccons. “Việc đó phải hỏi Ricons”, ông nói.

Tiếp theo, ông Bolat cho hay, chính Ricons cũng đang nợ Coteccons. Song Coteccons đã không khởi kiện Ricons. Nguyên do là “Ai cũng có giới hạn. Coteccons cũng có giới hạn và chúng tôi không muốn vượt qua giới hạn đó. Chúng tôi muốn nhìn vào gương mỗi ngày mà không áy náy với lương tâm của mình, muốn ngủ ngon mỗi đêm mà không bị lương tâm cắn rứt” – ông Bolat giải thích.

“Thuyền trưởng” Coteccons cho hay, ông không thể trả lời hay cam kết với cổ đông rằng liệu Coteccons có tiếp tục bị kiện nữa hay không. “Các công ty đã từng trong một hệ sinh thái, nhưng chuyện đó đã là quá khứ. Chúng tôi muốn tập trung vào tương lai. Hiện tại, tôi rất tự tin, tự hào về những nền tảng mà tôi đã xây dựng được tại Coteccons. Những gì đã diễn ra trong quá khứ, chắc chắn chúng tôi sẽ giải quyết, bằng và với những thủ tục cần thiết. Chúng tôi minh bạch và hoàn toàn tự tin đối diện với bất kỳ vấn đề pháp lý nào”, ông nói thêm.

“Trượt dự án Long Thành không làm ảnh hưởng tới Coteccons”

Chia sẻ về việc trượt gói thầu 5.10 sân bay Long Thành, ông Bolat Duisenov nói rằng ông và Coteccons đã trải qua những ngày rất buồn, bởi công ty đã dành rất nhiều thời gian và công sức cho việc đấu thầu dự án.

Ông cho hay, gần đây ông đã trao đổi với liên danh đấu thầu từ Trung Quốc và xin đánh giá về chất lượng gói thầu của Coteccons. "Tôi có thể khẳng định chất lượng gói thầu của Coteccons đã làm trong những tháng đó rất chất lượng. Các đồng nghiệp, các liên danh khác công nhận là chúng tôi đã làm rất tốt”.

Dù kết quả không như mong đợi, song ông Bolat nhấn mạnh: thất bại này là điều bình thường trong kinh doanh và không ảnh hưởng tới tinh thần của Coteccons. “Chúng tôi khiêm tốn nhưng lì đòn, có thể thất bại nhưng không thất thế”, ông nói và khẳng định việc tham gia đấu thầu dự án Long Thành không hề lãng phí. Dự án đã giúp Coteccons phát triển năng lực để theo đuổi các dự án trong tương lai.

“Trong công ty hiện cũng có quy trình rút kinh nghiệm bài bản. Sau mỗi thành công hay thất bại, chúng tôi đều phân tích, nghiên cứu xem đã làm gì tốt, làm gì chưa tốt, đáng lẽ đừng nên làm cái gì. Và giờ chúng tôi có cả một bách khoa toàn thư từ những thành công và thất bại", ông Bolat chia sẻ.

Ông cũng tự tin rằng Long Thành chỉ là một trong nhiều dự án lớn mà Việt Nam sẽ thực hiện trong thời gian tới. Dư địa, vì vậy, vẫn là rất lớn. Mặt khác, giá trị của dự án Long Thành trong kế hoạch kinh doanh của Coteccons chỉ chiếm một tỷ lệ % nhỏ. Vì vậy “không thắng thầu dự án này cũng không ảnh hưởng tới thành bại hay tương lai của công ty. Tương lai của Coteccons không thể bị ảnh hưởng bởi 1 dự án”.

CEO Coteccons Võ Hoàng Lâm cũng chia sẻ thêm rằng, Coteccons rất hứng thú với các dự án đầu tư công lớn. Song, có lẽ cách tiếp cận của Coteccons chưa phù hợp. “Hiện tại, Coteccons đang tiếp cận theo trạng thái của một tổng thầu quốc tế, trình một biện pháp thi công tốt nhất với giá tốt nhất cho chủ đầu tư và các đơn vị liên quan. Thời gian tới, chúng tôi sẽ nghiên cứu để có đề xuất phù hợp. Tôi tin cơ hội sẽ tới với Coteccons”, ông nói.

Ngóng đợi kết quả M&A

Một vấn đề đáng chú ý khác cũng được cổ đông đặt ra với ban lãnh đạo Coteccons là việc triển khai hoạt động mua bán – sáp nhập (M&A).

Nói về vấn đề này, ông Bolat cho hay Coteccons là doanh nghiệp rất dồi dào về tiền, nên phải tính cách sử dụng sao cho hiệu quả, trong đó có bao gồm kế hoạch M&A để mở rộng quy mô, nâng cao năng lực cho công ty.

“Chúng tôi đã có những kế hoạch, vì chúng tôi muốn có thêm năng lực, công nghệ… Trong 18 tháng qua, chúng tôi luôn tìm kiếm cơ hội. Mỗi cơ hội, chúng tôi đều cân nhắc. Tất nhiên, ở thời điểm này, chúng tôi chưa nói được gì về kết quả, bởi trong M&A có nguyên tắc bảo mật khi đang trong quá trình đàm phán. Nhưng tôi nghĩ trong vòng 6 – 9 tháng tới, sẽ có những tin tức cụ thể hơn”, ông Bolat chia sẻ.

Ái Châu Tử

Theo VietnamFinance