Ông Lê Hoàng Châu đắc cử Chủ tịch HoREA lần thứ 4
Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) vừa tổ chức đại hội lần thứ IV (nhiệm kỳ 2022 - 2027). Ban Chấp hành HoREA đã bầu ông Lê Hoàng Châu giữ chức Chủ tịch.
Ban Chấp hành HoREA có 29 thành viên với một Chủ tịch và 9 Phó Chủ tịch, gồm: ông Nguyễn Xuân Quang, ông Nguyễn Đình Trung (Phó Chủ tịch thường trực), bà Đỗ Thị Loan, bà Trương Thị Hòa, ông Nguyễn Hoàng Tuấn, bà Lưu Thị Thanh Mẫu (kiêm Tổng Thư ký), ông Nguyễn Văn Đồi, ông Nguyễn Cao Trí và ông Lê Hữu Nghĩa.
Nhiệm kỳ vừa qua (2017 - 2022), HoREA đã có 380 văn bản đề xuất, kiến nghị gửi tới Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, UBND TP.HCM và các sở ban, ngành… nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách điều chỉnh thị trường bất động sản. HoREA đã có nhiều ý kiến phản biện, đề đạt, xây dựng pháp luật.
Chủ đề nhiệm kỳ IV của HoREA là đoàn kết, hợp tác, vượt khó, phát triển bền vững. Hiệp hội tiếp tục thực hiện vai trò phản biện xã hội, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách điều chỉnh thị trường bất động sản.
Đánh giá về thị trường bất động sản giai đoạn hiện nay, ông Lê Hoàng Châu cho rằng, thị trường đang rất khó khăn, phát triển chưa lành mạnh, chưa ổn định, chưa bền vững do bị lệch pha cung cầu; lệch pha phân khúc thị trường, lệch về phân khúc nhà ở cao cấp và rất thiếu nhà ở vừa túi tiền; lệch pha tín dụng về phân phân khúc nhà ở cao cấp.
Nhưng với định hướng của Nghị quyết 18-NQ/TW yêu cầu “đến năm 2023 phải hoàn thành sửa đổi Luật Đất đai 2013 và một số Luật có liên quan, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất” và sự vào cuộc quyết liệt của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trực tiếp là Chính phủ, Thủ tướng, các bộ, ngành, địa phương để tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn của thị trường bất động sản nhằm hỗ trợ hoanh nghiệp, người mua nhà, nhà đầu tư.
Trước hết là tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn về thể chế pháp luật, quy trình đầu tư xây dựng, thủ tục hành chính, trách nhiệm thi hành công vụ của cán bộ công chức. Tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp, người mua nhà, nhà đầu tư trong việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng, nguồn vốn trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ, đi đôi với việc cộng đồng doanh nghiệp bất động sản phải nâng cao trách nhiệm đối với khách hàng, đối tác và trách nhiệm xã hội theo nguyên tắc đảm bảo hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp, người dân và Nhà nước đại diện cho lợi ích công cộng.
Trong đó, các tập đoàn và doanh nghiệp bất động sản tiếp tục thực hiện tái cấu trúc doanh nghiệp, tái cơ cấu đầu tư, cơ cấu lại sản phẩm theo hướng phục vụ nhu cầu thực về nhà ở của đa số người có thu nhập trung bình, thu nhập thấp đô thị, công nhân lao động và người nhập cư.
Đồng thời vẫn phát triển hợp lý bất động sản, nhà ở cao cấp phục vụ nhu cầu của người có thu nhập cao, giàu, siêu giàu thì các doanh nghiệp bất động sản có thể sớm vượt qua khó khăn và có thể ngăn chặn được nguy cơ thị trường bất động sản trượt vào suy thoái.