Ông Lê Phước Vũ ước mong xuất gia từ năm 30 tuổi
Ông Lê Phước Vũ tuyên bố sẽ chính thức chia tay Hoa Sen vào năm 2026, nhân dịp kỷ niệm 25 năm thành lập tập đoàn.
Tại đại hội cổ đông thường niên 2021 của Tập đoàn Hoa Sen vào ngày 21/1, ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoa Sen cho biết, hiện ông ở trên núi, mỗi tháng về một lần nhưng vẫn chỉ đạo điều hành hoạt động của doanh nghiệp này.
Dù ở trên núi, ông vẫn phối hợp điều hành công việc rất nhịp nhàng, khi nào ưu tiên bán cho châu Á; châu Âu hay thị trường nội địa.
"Do có thương hiệu nên giá xuất khẩu của Hoa Sen cao hơn một số doanh nghiệp trong nước", ông Lê Phước Vũ khoe với các cổ đông, đồng thời tuyên bố sẽ chính thức chia tay Hoa Sen vào năm 2026, nhân dịp kỷ niệm 25 năm thành lập tập đoàn.
"Những việc tôi làm hôm nay, như chuyển hướng doanh nghiệp sang vật liệu xây dựng, là một trong những chuẩn bị, bởi dù tôi xuất gia nhưng Hoa Sen vẫn có đủ điều kiện trở thành tập đoàn lớn mạnh", ông Vũ trấn an nhà đầu tư, đồng thời khẳng định: "Tôi sẽ ra đi trong trách nhiệm chứ không phải ra đi với một mớ tiền. Dù ở trên núi nhưng tôi vẫn chỉ đạo hoạt động".
Ông Lê Phước Vũ trong lễ quy y Tam bảo. Ảnh: Cổng thông tin Phật giáo thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam. |
Người đứng đầu Tập đoàn Hoa Sen cũng cho hay sẽ bán hết cổ phiếu trước khi rút khỏi doanh nghiệp và nếu làm đúng những mục tiêu đề ra, doanh thu của Hoa Sen có thể đạt 5 tỷ USD trong vòng 5 năm tới, nếu điều hành tốt.
"Chắc chắn sau đó tôi sẽ xuất gia. Đây là ước mong từ năm 30 tuổi. Tôi và ban tổng giám đốc sẽ chọn người kế nhiệm", ông Vũ chia sẻ với cổ đông, đồng thời cho biết ông đã mua đất từ năm 1996 và xây chùa ở TP Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng để chuẩn bị cho kế hoạch này.
Hồi tháng 7/2020, ông Lê Phước Vũ gây xôn xao dư luận khi quy y Tam Bảo. Ông được ban hiệu là Tường Vân.
Thời điểm đó, ông Vũ xin Đức Pháp chủ cho phép ông 8 năm sau mới chính thức xuất gia, sống đời phạm hạnh với hy vọng chừng ấy thời gian ông có thể giải phóng dứt điểm "gánh nợ" của Tập đoàn Hoa Sen và sau khi ông đã "trải qua một cuộc bể dâu, những điều trông thấy mà đớn lòng".
Trước ông Lê Phước Vũ, một đại gia khác của Việt Nam là Đặng Lê Nguyên Vũ - ông chủ Tập đoàn Trung Nguyên cũng lên núi ở ẩn, ăn chay thiền định mang hơi hướng tu hành của Phật giáo.
Sau nhiều năm, ông Vũ xuất hiện mà theo cách nhìn của nhiều người về tâm tính của người đàn ông này có nhiều sự thay đổi. Chính vị đại gia này cũng từng trả lời báo chí với phong thái nghĩ mình là "người trên" với sức mệnh thay đổi loài người, chữa được bách bệnh chỉ cần theo phong cách tu tập mà vị đại gia này hướng dẫn.
Một trường hợp khác là đại gia Huỳnh Uy Dũng (còn gọi là Dũng 'lò vôi"). Ngày Phật đản 2020, ông Dũng đã thông tin về việc ông sẽ rời khỏi thương trường và bán số tài sản ông đã gây dựng suốt 40 năm qua để làm thiện nguyện.
"Bắt đầu từ ngày 8/5, trên thương trường sẽ vắng một Huỳnh Uy Dũng mà trên con đường thiện nguyện của đất nước sẽ có thêm một người thiện tâm, lấy việc giúp bá tánh làm niềm vui, niềm hạnh phúc", vị đại gia chia sẻ trên trang cá nhân.
Hay đại gia Nguyễn Xuân Trường - chủ doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường (Ninh Bình) cũng ăn chay trường và làm nhiều siêu dự án tâm linh trong nhiều năm qua.