Phải trích lập dự phòng nghìn tỷ nợ xấu, Sông Đà vẫn lãi lớn quý II nhờ bán vốn Sudico

Trong quý II, Sông Đà (SJG) đã hoàn tất thương vụ bán vốn Sudico, thu về trên 4.200 tỷ đồng. Vì vậy, dù phải trích lập dự phòng hơn 1.500 tỷ đồng nợ xấu, nhưng SJG vẫn công bố lợi nhuận "khủng", đạt hơn 1.000 tỷ đồng và là mức "kỷ lục" từ khi hoạt động.

Quý II, Sông Đà lãi lớn nhờ bán vốn Sudico, bất chấp trích lập dự phòng nghìn tỷ nợ khó đòi
Quý II, Sông Đà lãi lớn nhờ bán vốn Sudico, bất chấp trích lập dự phòng nghìn tỷ nợ khó đòi

Theo số liệu hợp nhất, Tổng công ty Sông Đà (UPCoM: SJG) ghi nhận doanh thu thuần quý II giảm 6% so với cùng kỳ, xuống còn 1.560 tỷ đồng. Kiểm soát chi phí giá vốn tốt giúp lợi nhuận gộp vẫn tăng trưởng 43% cùng kỳ, đạt hơn 430 tỷ đồng.

Trong quý, hoạt động tài chính đã đem về gần 3.130 tỷ đồng cho SJG, trong khi cùng kỳ chỉ đạt 76 tỷ đồng. Tuy có sự chênh lệch lớn, song doanh nghiệp không thuyết minh cụ thể về vấn đề này. Chỉ biết hồi cuối tháng 4, SJG đã "sang tên" thành công 41,7 triệu cổ phiếu của Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển Đô thị và Khu công nghiệp Sông Đà (Sudico, HoSE: SJS), tương đương 36,65% vốn điều lệ.

Khi đó, mức giá trúng bình quân là 102.000 đồng/cổ phiếu, cao hơn 100 đồng so với giá khởi điểm và cao hơn 29% thị giá hiện tại, tương đương tổng giá trị trên 4.200 tỷ đồng.

Được biết Sudico là doanh nghiệp quốc doanh thành lập ngày 12/9/2001, trực thuộc Tổng công ty Sông Đà. Đến năm 2003, Sudico chuyển đổi sang mô hình công ty cổ phần với vốn điều lệ 30 tỷ đồng. Trải qua nhiều đợt tăng vốn, hiện vốn điều lệ của Sudico đã vượt ngưỡng 1.148 tỷ đồng.

Về phía chi phí trong quý II của SJG, chi phí lãi vay tăng nhẹ lên 166 tỷ đồng, nhưng tổng chi phí tài chính lại tăng gấp 4 lần lên 583 tỷ đồng. Đặc biệt chi phí quản lý doanh nghiệp tăng thêm hơn 1.570 tỷ đồng so với quý II/2021, tương đương mức tăng gần 15 lần do phát sinh 1.536 tỷ đồng là dự phòng nợ phải thu khó đòi.

Nhìn chung với nguồn thu tài chính dồi dào, lợi nhuận sau thuế quý II của SJG đạt 1.028 tỷ đồng, tăng gần 12 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng là mức lợi nhuận theo quý cao nhất lịch sử hoạt động của SJG.

Lũy kế, 6 tháng đầu năm doanh thu thuần của SJG đạt 2.440 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 1.086 tỷ đồng, lần lượt giảm 17% và tăng gấp 11 so với cùng giai đoạn 2021. Khoản lợi nhuận đột biến quý II đã giúp doanh nghiệp vượt gấp đôi kế hoạch cả năm, trong khi doanh thu mới chỉ hoàn thành 36% kế hoạch.

Tại ngày 30/6/2022, tổng tài sản SJG đạt 25.565 tỷ đồng, tăng nhẹ so với đầu năm. Doanh nghiệp đang nắm giữ hơn 4.700 tỷ đồng tiền và tương đương tiền, và tiền gửi ngân hàng; các khoản phải thu ngắn hạn đạt 5.687 tỷ đồng, trích lập 1.866 tỷ đồng phải thu khó đòi.

Nợ phải trả của SJG ở mức 17.250 tỷ đồng, trong đó dư nợ vay tài chính hơn 9.600 tỷ đồng. Doanh nghiệp đang có 1.568 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.

Vân Oanh

Theo VietnamFinance