Vụ bán vốn Nhà nước tại Sudico: Sudico vẫn chây ì cổ tức, ông Tổng Sông Đà hứng chịu thiệt hại?
Hậu bán vốn, Tổng công ty Sông Đà đã không còn người, không còn quyền tại Sudico. Tuy nhiên, lợi ích của Tổng Sông Đà có nguy cơ bị ảnh hưởng khi mà ĐHCĐ Sudico tiếp tục chây ì cổ tức và chuyển cổ tức 3 năm 2018-2019-2020 bằng tiền thành cổ phiếu.
Như chúng tôi đã đưa tin, trước kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5 một công ty ít người biết đến đã thâu tóm thành công Thương hiệu lớn "họ" Sông Đà là Sudico (mã chứng khoán SJS). Việc thâu tóm này diễn ra khi "ông Tổng" Sông Đà đem 41.745.862 cổ phần SJS ra bán đấu giá với giá khởi điểm 101.900 đồng/cổ phiếu thì chỉ có 2 nhà đầu tư tổ chức tham gia đấu và đều đặt mua trọn lô. Giá đấu chỉ chênh nhau vỏn vẹn 100 đồng/cổ phiếu tức một tổ chức đặt giá 101.900 đồng/cổ phiếu và tổ chức còn lại "trả chênh" 100 đồng/cổ phiếu và trúng đấu giá trọn cả lô cổ phần.
Cuộc chiến không quá cam go nhưng đủ thú vị kể trên đã chọn ra được bên thắng cuộc là Công ty An Phát với mức giá trúng 102.000 đồng/cổ phiếu SJS tức An Phát phải bỏ ra 4.200 tỷ đồng để sở hữu lượng cổ phiếu vừa trúng đấu giá. Giá này cũng cao hơn thị giá cổ phiếu SJS cùng thời điểm. SJS đạt mức giá cao nhất 96.500 đồng/cổ phiếu đóng cửa phiên giao dịch ngày 5/4/2022 và giảm về vùng giá 82.000 đồng/cổ phiếu thời điểm phiên đấu giá diễn ra.Trước đó, hồi tháng 7/2021, Tổng công ty Sông Đà từng lên kế hoạch thoái vốn Sudico với giá khởi điểm 80.000 đồng/cổ phiếu nhưng bất thành.
Lộ diện những thông tin đáng chú ý
Con số 4.200 tỷ đồng không phải là con số nhỏ còn An Phát lại là cái tên...rất mới nên nhiều nhà đầu tư đang tò mò về "tiền đâu để An Phát mua được thương hiệu lớn Sudico?".
Theo tìm hiểu của chúng tôi, An Phát mới thành lập vào cuối năm 2016 tức chỉ mới hơn 5 năm tuổi. Hiện trụ sở chính của An Phát đặt tại tòa nhà Lotus, phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Thời điểm ban đầu, doanh nghiệp xây dựng này có vốn điều lệ 40 tỷ đồng, góp bởi ba cá nhân là bà Mạc Thị Luận (1973), Võ Thị Thanh Trà (1981) và ông Quách Đức Sơn (1980), chủ tịch hội đồng quản trị và cũng là người sở hữu 92% cổ phần. Đến năm 2017, An Phát tăng vốn điều lệ lên 120 tỷ đồng. Trước khi tham dự đợt đấu giá cổ phiếu SJS khoảng 7 tháng, An Phát mạnh tay tăng vốn rất mạnh lên 1.800 tỷ đồng, cùng với đó vai trò chủ tịch hội đồng quản trị chuyển sang cho ông Phạm Thành Huy (1977). Ông Phạm Thành Huy hiện cũng đang đứng tên ở Công ty Cổ phần Mặt trời Sông Hồng (Sun Red River), pháp nhân có vốn điều lệ 700 tỷ đồng là chủ đầu tư dự án khu đô thị mới Sông Hồng Thủ đô, quy mô hơn 44ha. Theo tìm hiểu của chúng tôi, Công ty mặt trời Sông Hồng mới cuối năm 2020 cũng có giao dịch lớn với Ngân hàng TMCP Việt Á Chi Nhánh Hà Nội. Mặt trời Sông Hồng đã đem thế chấp "toàn bộ các quyền tài sản của Bên bảo đảm với tư cách là Chủ đầu tư được hưởng phát sinh từ việc đầu tư, thực hiện và kinh doanh, khai thác từ Dự án “Khu đô thị Sông Hồng” tại xã Mê Linh - xã Tiền Phong, huyện Mê Linh, TP. Hà Nội" để vay vốn tại Ngân hàng Việt Á!
Cũng phải nói thêm rằng, mối quan hệ giữa Ngân hàng Việt Á và Sudico cũng không hề...đơn giản. Sudico hiện đã thế chấp rất nhiều hạng mục tại dự án Nam An Khánh tại ngân hàng Việt Á với số hàng tồn kho hơn 3.600 tỷ đồng. Điều đáng nói là trong số hàng tồn kho đã đem thế chấp tại Ngân hàng Việt Á có phần quyền tài sản thế chấp cho hợp đồng hợp tác đầu tư với CTCP đầu tư Năng lượng An Phát và công ty Năng lượng An Phát cũng đã đem hợp đồng này đi thế chấp tại ngân hàng Việt Á.
Liên quan đến CTCP Đầu tư Năng lượng An Phát, BCTC năm 2021 của Sudico đã kiểm toán ghi nhận, ngày 12/11/2020 Năng lượng An Phát góp vốn hợp tác đầu tư với Sudico số tiền 350 tỷ đồng thời hạn 1 năm để thực hiện kinh doanh tại Dự án Khu đô thị mới Nam An Khánh và các mục đích kinh doanh khác. Theo điều khoản hợp đồng, Sudico phải trả lãi suất bằng lãi suất cho Năng lượng An Phát. Tài sản đảm bảo cho hợp đồng này là các khu đất với tổng diện tích 36.497m2 bao gồm 9.344m2 các lô tháp tầng TT121, TT122, Tt123, Tt124 và 27.153m2 lô đấ cao tầng tại dự án Nam An Khánh. Tài sản này cũng được sử dụng cho khoản vay của CTCP Đầu tư Năng lượng An Phát từ Ngân hàng TMCP Việt Á Chi nhánh Hà Nội.
Những thông tin trên để thấy, đằng sau việc bán vốn chóng vánh tại Sudico của Sông Đà vẫn còn khá nhiều điểm khiến giới đầu tư băn khoăn.
"Ông Tổng" Sông Đà ra đi, Sudico vẫn đang bị nợ cổ tức nhiều năm
Ngày 16/6 vừa qua Sudico đã tổ chức Đại hội cổ đông thường niên năm 2022. Ngoài những nội dung thông thường được thông qua, có 2 điểm đáng chú ý: Sudico bầu bổ sung 2 Thành viên HĐQT và 2 Thành viên BKS. Trước đó ngày 16/5/2022 có 2 Thành viên HĐQT là ông Nguyễn Văn Tùng và ông Trần Anh Đức gửi đơn từ nhiệm. Có 2 Thành viên Ban kiểm soát là ông Nguyễn Minh Sơn và ông Bùi Đình Đông cũng gửi đơn từ nhiệm. Đây là các đại diện của Tổng Công ty Sông Đà.
Sau Đại hội, ông Dương Phú Nam và bà Chu Thị Thu Hương được bầu bổ sung vào HĐQT; Bà Trần Thị Thanh Huyền và bà Lê Thị Thuỳ được bầu bổ sung vào Ban kiểm soát nhiệm kỳ 2020-2025.
Đồng thời Sudico đề xuất thông qua việc thay đổi phương thức trả cổ tức các năm 2018, 2019, 2020 cho cổ đông từ tiền mặt sang trả bằng cổ phiếu. Đồng thời công ty cũng thông qua phương án phát hành hơn 126 triệu cổ phiếu trả cổ tức các năm trên cho cổ đông nhằm giảm “nợ” cổ tức kéo dài. Nếu hoàn thành, Sudico vẫn còn “ghi nợ” số cổ tức các năm 2016, 2017 đối với cổ đông.
Hoạt động kinh doanh của Sudico không có nhiều nổi bật trong những năm gần đây. Công ty đã rất nhiều lần xin lùi lịch trả cổ tức của năm 2016, 2017 và đáng chú ý nhất là ngay trước thềm bán vốn của Tổng công ty Sông Đà thì Sudico vẫn xin lùi cổ tức đến tận hết năm 2022. Tức là, Tổng Sông Đà "ra đi" mà vẫn chưa lấy được cổ tức của nhiều năm trước. BCTC quý 1/2022 ghi nhận đến 31/3/2022 Sudico còn khoản lợi nhuận, cổ tức phải trả lên đến 475 tỷ đồng - trong đó của năm 2016 là 99 tỷ đồng, năm 2017 gần 114 tỷ đồng,năm 2018 gần 114 tỷ đồng, năm 2019 gần 114 tỷ đồng và năm 2020 là hơn 34 tỷ đồng theo Nghị quyết Đại hội cổ đông các năm đã thông qua.
Như vậy có nghĩa là, hậu bán vốn tại Sudico, Tổng công ty Sông Đà đã không còn người tại Sudico. Tuy nhiên, thành quả cổ tức nhiều năm tại Sudico lại đang bị nợ nần và khất lần. Thậm chí, ĐHCĐ (bây giờ đã không còn quyền biểu quyết của Tổng Sông Đà) đã chuyển cổ tức bằng tiền thành cổ tức bằng cổ phiếu cho các năm 2018, 2018, 2020. Điều này đặt ra dấu hỏi: Liệu, Nhà nước có bị thiệt hại cho khoản bán vốn mà chưa tất toán được cổ tức cũ và cũng không còn quyền lực cổ đông trong việc đòi lại cổ tức vốn dĩ thuộc về mình?
Phần lớn tài sản Sudico nằm ở các dự án dở dang
Về Sudico, đây từng là một trong những doanh nghiệp bất động sản lớn trên sàn chứng khoán những năm 2007-2010 với dự án tên tuổi Khu đô thị Mỹ Đình - Mễ Trì quy mô 36 ha. Dự án có tổng vốn đầu tư 4.500 tỷ đồng, một trong những dự án lớn nhất Hà Nội những năm đầu thập niên 2000.
Sau thành công trên, Sudico đã triển khai nhiều dự án đô thị, dân cư và du lịch sinh thái như: Dự án khu đô thị mới Nam An Khánh và phần mở rộng (tổng diện tích 280 ha), dự án khu nhà ở Văn La – Văn Khê (12ha), dự án khách sạn Sông Đà – Hạ Long; dự án Khu dân cư Long Tân – Nhơn Trạch – Đồng Nai (65ha); Các dự án đang trong quá trình đầu tư, như dự án khu đô thị mới Tiến Xuân (1.115ha), dự án Hòa Hải – Đà Nẵng (12ha), dự án Khu du lịch sinh thái Sông Đà Ngọc Vừng (39ha)… Dù vậy một số dự án trong số này đã gặp những vướng mắc pháp lý và được dư luận nhắc tới nhiều.
Tại thời điểm 31/12/2021, Sudico có tổng tài sản hơn 6.900 tỷ đồng, chiếm phần lớn là là chi phí sản xuất kinh doanh dở dang và tài sản dở dang dài hạn tại 3 dự án Khu đô thị mới Nam An Khánh (3.489 tỷ đồng) và Khu đô thị mới Hòa Hải – Đà Nẵng (1.164 tỷ), Dự án La Văn - Đông Khê - Hà Đông (534 tỷ đồng).
Doanh thu năm 2021 cũng giảm 34% so với năm 2020 về mức 747 tỷ đồng. Nhờ giảm chi phí vốn nên lợi nhuận sau thuế gấp đôi năm 2020 lên trên 84 tỷ đồng. Còn quý 1/2022 doanh thu đạt chưa đến 192 tỷ đồng và lãi sau thuế hơn 13 tỷ đồng.
BCTC quý 1/2022 của Sudico còn ghi nhận đến 31/3/2022 Sudico còn khoản phải trả ngắn hạn khác tổng cộng hơn 1.257 tỷ đồng, trong đó ngoài số nợ cổ tức các năm lên đến 475 tỷ đồng đã trình bày ở trên, còn khoản nợ phải trả 404,3 tỷ đồng đối với Công ty TNHH MTV Land Hoà Hải. BCTC năm 2021 thuyết minh, đây là khoản công ty đã nhận ứng trước từ đối tác nhận chuyển nhượng Dự án Khu đô thị mới Hoà Hải – Đà Nẵng theo hợp đồng chuyển nhượng ngày 1/11/2017. Tại ngày 31/12/2021 việc chuyển nhượng dự án này vẫn chưa được hoàn thành, Công ty đã đệ đơn kiện đối tác ra Toà án Nhân dân quận Ngũ Hành Sơn để xin tuyên bố huỷ hợp đồng do đối tác này vi phạm các điều khoản đã cam kết. Tuy vậy vụ kiện vẫn đang trong thời gian chờ phiên xử phúc thẩm.
Theo hồ sơ vụ án, vào tháng 8/2017, Sudico có nhu cầu chuyển nhượng 2 lô đất có tổng diện tích hơn 12ha tại khu đô thị mới Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn với hình thức đấu giá công khai. Land Hà Hải đã mua hồ sơ chào giá và trúng giá với số tiền là 1.810 tỉ đồng. Tuy vậy sau khi chuyển tạm ứng 404,3 tỷ đồng cho Sudico, Land Hoà Hải phát hiện dự án có một số vướng mắc nên không tiếp tục chuyển tiền theo cam kết. Phiên phúc thẩm vụ kiện giữa Sudico và Land Hoà Hải được dư luận chú ý khi ngay tại phiên toà Giám đốc Công ty Land Hoà Hải đã dùng thuốc diệt côn trùng tự sát nhưng may mắn được cấp cứu kịp thời.
Nhiều dự án vẫn còn vướng thủ tục
Tại Đại hội cổ đông thường niên năm 2022 của Sudico, cổ đông đã đặt nhiều câu hỏi liên quan đến các dự án hiện công ty đang thực hiện, chủ yếu xoay quanh các thủ tục pháp lý và tiến độ thực hiện. Trả lời các câu hỏi này, Ban lãnh đạo Sudico chọn trả lời theo nhóm vấn đề, tập trung vào từng dự án. Và điểm chung có thể nhận thấy, nhiều dự án của Sudico đang vướng vấn đề về thủ tục, pháp lý.
-Đối với dự án Nam An Khánh là dự án giao cho Sudico để phát triển hạ tầng nên tất cả các dự án trên đất này đều là dự án thành phần, muốn triển khai đầu tư phải thực hiện các công việc theo quy định, do vậy thủ tục triển khai đầu tư bị kéo dài và ảnh hưởng đến việc kinh doanh, thu hồi vốn của công ty.
-Đối với dự án Văn La – Văn Khê, dự án này sau thời gian tạm dừng để chờ quy hoạch phân khu, Thành phố Hà Nội đã cho phép triển khai. Dự án nhà ở thấp tầng đang tiếp tục triển khai phần thân. Dự án khu cao tầng thời gian qua chưa được triển khai vì vướng thủ tục, nếu triển khai thì kinh doanh sẽ không đạt hiệu quả cap.
-Dự án Khu đô thị mới Tiến Xuân, dự ands được Thủ tướng Chính phủ cấp chủ trương đầu tư và có quyết định giao đất, sau khi được giao đất thì dự án lại nằm trong ranh giới điều chỉnh địa giới tỉnh Hoà Bình về Hà Nội và sau đó lại bị tạm dừng để chờ quy hoạch chung Thành phố vệ tinh khu vực Láng Hoà Lạc. Đến năm 2021 dù đã có quy hoạch chung Thành phố vệ tinh khu vực Láng Hoà Lạc nhưng dự án vẫn tiếp tục chờ quy hoạch chi tiết vùng để đấu nối hạ tầng.
-Dự án Hoà Hải Đà Nẵng đã kết thúc quá trình tranh tụng, chờ các thủ tục nguyên tắc được thực hiện.
Mới đây Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội vừa quyết định thành lập Đoàn thanh tra để tiến hành thanh tra việc chấp hành pháp luật đất đai đối với 33 tổ chức sử dụng đất tại 11 quận, huyện, gồm: Bắc Từ Liêm, Đống Đa, Hoàng Mai, Tây Hồ, Ba Đình, Đông Anh, Hoài Đức, Ba Vì, Thạch Thất, Chương Mỹ và Quốc Oai. Trong đó Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển đô thị và Khu công nghiệp Sông Đà (Sudico) được nhắc tên ở ở dự án phần mở rộng khu B (huyện Hoài Đức).