Phát triển năng lượng tái tạo: Cảnh báo "nóng" điện mặt trời

Việt Nam được đánh giá là quốc gia có nhiều tiềm năng để phát triển năng lượng tái tạo.

Các dạng năng lượng tái tạo ở Việt Nam

Theo ông Mai Xuân Huyên – Trung tâm Phát triển Xanh cho biết, về năng lượng tái tạo trước tiên phải nói tới năng lượng mặt trời, tổng số giờ nắng trong năm tại Việt Nam giao động trong khoảng 1.400 – 3.000 giờ, tổng lượng bức xạ trung bình năm vào khoảng 230-250 lcac/cm2/ngày tăng dần từ Bắc vào Nam.

Theo EVN, tính tới ngày 30/5/2019 đã có 47 dự án điện mặt trời với tổng công suất lắp máy 2.300 MW được đấu nối vào lưới điện quốc gia.

Tiếp đến là năng lượng gió, hiện Việt Nam có tiềm năng gió lớn với tổng tiềm năng điện gió của Việt Nam ước đạt 513.360 MW tức là bằng hơn 200 lần công suất của thủy điện Sơn La và hơn 10 lần tổng công suất dự báo ngành điện vào năm 2020, ông Huyên cho biết.

Phát triển năng lượng tái tạo: Cảnh báo "nóng" điện mặt trời - Ảnh 1
Nhiều dự án điện gió, điện mặt trời đang được xây dựng ở Việt Nam.

Năng lượng địa nhiệt, theo khảo sát ở Việt Nam có thể khai thác đến trên 300 MW, khu vực có khả năng khai thác hiệu quả là miền Trung.

Trong khi nước và than đang ngày càng cạn kiệt thì nhu cầu năng lượng của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng cao do sự phát triển của kinh tế cũng như nhu cầu của xã hội. Điều này sẽ có những tác động đến an ninh năng lượng và an ninh quốc gia.

Chính vì thế Việt Nam đang chú trọng vào phát triển năng lượng tái tạo cho sản xuất điện, từng bước tăng tỷ trọng của điện năng từ sản xuất từ nguồn năng lượng này từ mức 3,5% năm 2010, lên 4,5% tổng điện năng sản xuất vào năm 2020 và đạt 6% vào năm 2030.

Đưa tổng công suất nguồn điện gió từ mức không đáng kể hiện nay lên khoảng 1.000 MW vào năm 2020 và khoảng 6.200 MW vào năm 2030. Điện năng sản xuất từ nguồn điện gió chiếm từ 0,7% năm 2020 lên 2,4% vào năm 2030, ông Huyên cho biết.

Theo dự báo, tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục tăng cao trong những năm tới, mức tăng từ 6,5-7%; đời sống của người dân ngày càng tăng, nhu cầu sử dụng các thiết bị sử dụng năng lượng tăng…

Việt Nam có vị trí địa lý, đường bờ biển dài, đặc thù khí hậu nhiệt đới gió mùa và nền kinh tế nông nghiệp, có nguồn năng lượng tái tạo dồi dào và đa dạng, cho nên có thể khai thác cho sản xuất năng lượng như thủy điện, điện gió, điện mặt trời, sinh khối, địa nhiệt, nhiên liệu sinh học...

Tính đến cuối năm 2018, Việt Nam phát triển thành công nhiều dự án năng lượng tái tạo với 285 nhà máy thủy điện nhỏ, tổng công suất khoảng 3.322 MW; 08 nhà máy điện gió, tổng công suất 243 MW và 10 nhà máy điện sinh khối, tổng công suất nối lưới khoảng 212 MW. Về điện mặt trời, hơn 100 dự án đã ký hợp đồng mua bán điện (PPA) với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

Tiềm năng phát triển điện gió

Nằm trong khu vực nhiệt đới gió mùa và bờ biển dài hơn 3.200 km, hơn nữa còn có cả gió mùa Tây Nam thổi vào mùa hè, tốc độ gió trung bình ở biển Đông Việt Nam khá mạnh. Vì vậy, nhờ vào vị trí địa lý mà tiềm năng về năng lượng gió ở Việt Nam là rất triển vọng. Việt Nam là nước có tiềm năng năng lượng gió tốt nhất trong 4 nước (Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam) với 39% lãnh thổ có tốc độ gió lớn hơn 6m/s tại độ cao 65 m, tương đương với 513 GW. Đặc biệt, hơn 8% lãnh thổ, tương đương 112 GW được đánh giá là có tiềm năng năng lượng gió tốt.

Ngoài ra, theo quy hoạch phát triển điện gió giai đoạn đến 2020, có xét đến năm 2030, tiềm năng công suất dự kiến hơn 22.000 MW, chi tiết của một số tỉnh như sau: Bình Thuận 1.570 MW, Ninh Thuận 1.429 MW, Cà Mau 5.894 MW, Trà Vinh 1.608 MW, Sóc Trăng 1.155 MW, Bạc Liêu 2.507 MW, Bến Tre 1.520 MW, Quảng Trị 6.707 MW.

Tuy nhiên, từ tiềm năng đến hiện thực luôn có khoảng cách, nhưng khoảng cách về điện gió ở Việt Nam lại “quá xa” mà nguyên nhân do có quá nhiều rào cản, khó khăn về pháp lý, kỹ thuật, tài chính, nhân lực và chủ đầu tư dự án.

Phát triển năng lượng tái tạo: Cảnh báo "nóng" điện mặt trời - Ảnh 2
Phát triển ồ ạt điện mặt trời có thể dẫn tới nhiều nguy cơ khác nhau.

Tiềm năng điện mặt trời

Tiềm năng năng lượng mặt trời cũng được đánh giá cao khi Việt Nam là quốc gia có thời gian nắng nhiều trong năm với cường độ bức xạ lớn ở các khu vực miền Trung, miền Nam. Các tỉnh Tây Bắc (Lai Châu và Sơn La) số giờ nắng trong năm khoảng 1897 - 2102 giờ/năm. Các tỉnh phía Bắc còn lại và một số tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Bình khoảng 1400 - 1700 giờ/năm. Các tỉnh từ Huế vào miền Nam khoảng 1900 - 2700 giờ/năm.

Theo đánh giá, những vùng có số giờ nắng từ 1.800 giờ/năm trở lên thì được coi là có tiềm năng để khai thác sử dụng. Đối với Việt Nam, thì tiêu chí này phù hợp với nhiều vùng, nhất là các tỉnh phía Nam.

Theo EVN, tính đến giữa tháng 4/2019, toàn hệ thống điện chỉ có 4 nhà máy điện mặt trời với tổng công suất chưa tới 150 MW. Chỉ trong vòng hơn 2 tháng, đến 30/6/2019 đã có trên 4.464 MW điện mặt trời đã hòa lưới, trong số đó có 72 nhà máy điện mặt trời thuộc quyền điều khiển của Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) với tổng công suất 4.189 MW và 10 nhà máy điện thuộc quyền điều khiển của các Trung tâm điều độ miền với tổng công suất 275 MW.

Như vậy, nguồn điện mặt trời đã chiếm tỷ lệ 8,28% công suất đặt của hệ thống điện Việt Nam.

Dự kiến, từ nay đến cuối năm 2019, A0 sẽ tiếp tục đóng điện đưa vào vận hành thêm 13 nhà máy điện mặt trời, với tổng công suất 630 MW, nâng tổng số nhà máy điện mặt trời trong toàn hệ thống lên 95 nhà máy.

Đây là sự bổ sung quý giá đối với hệ thống trong điều kiện nguồn điện đang khó khăn, tuy nhiên một số lượng lớn các nhà máy điện mặt trời đi vào vận hành trong thời gian ngắn đã và đang gây không ít khó khăn, thách thức cho công tác vận hành hệ thống điện.

Nguyên nhân là do tính chất bất định, phụ thuộc vào thời tiết của loại hình nguồn điện này. Bên cạnh đó, việc phát triển nóng và ồ ạt các dự án điện mặt trời tập trung tại một số tỉnh như Ninh Thuận, Bình Thuận, Đắk Lắk đã gây ra hiện tượng quá tải lưới 110 kV, 220 kV tại các khu vực trên.

Tiềm năng năng lượng sinh khối

Là một nước nông nghiệp, Việt Nam có tiềm năng rất lớn về nguồn năng lượng sinh khối (NLSK). Các loại sinh khối chính là gỗ năng lượng, phế thải - phụ phẩm từ cây trồng, chất thải chăn nuôi, rác thải ở đô thị và các chất thải hữu cơ khác. Nguồn NLSK có thể sử dụng bằng cách đốt trực tiếp, hoặc tạo thành viên nhiên liệu sinh khối. Tiềm năng nguồn sinh khối từ phế thải nông nghiệp, chất thải chăn nuôi và rác thải hữu cơ có tổng công suất khoảng 400 MW.

Khả năng khai thác bền vững nguồn sinh khối cho sản xuất năng lượng ở Việt Nam đạt khoảng 150 triệu tấn mỗi năm. Một số dạng sinh khối có thể khai thác được ngay về mặt kỹ thuật cho sản xuất điện, hoặc áp dụng công nghệ đồng phát năng lượng (sản xuất cả điện và nhiệt) đó là: trấu ở Đồng bằng sông Cửu Long, bã mía dư thừa ở các nhà máy đường, rác thải sinh hoạt ở các đô thị lớn, chất thải chăn nuôi từ các trang trại gia súc, hộ gia đình và chất thải hữu cơ khác từ chế biến nông - lâm - hải sản.

Một số nhà máy đường đã sử dụng bã mía để phát điện, nhưng chỉ bán được với giá khoảng hơn 800 đồng/kWh (4 cent/kWh).

Cuối năm 2013, Bộ Công Thương đã trình Chính phủ xem xét cơ chế hỗ trợ sản xuất điện từ năng lượng sinh khối. Theo đó, mức giá cao nhất mà ngành điện mua lại điện được sản xuất từ nguồn nguyên liệu sinh khối lần lượt là 1.200 - 2.100 đồng/kWh. Mức giá như đề xuất trên sẽ góp phần tạo động lực cho việc phát triển nguồn điện từ nguồn nguyên liệu sinh khối ở nước ta.

Việc xây dựng các nhà máy điện đốt rác thải cũng đang được quan tâm với mục tiêu giảm thiểu ô nhiễm môi trường, đặc biệt tại các thành phố, đô thị lớn. Hiện nay, tại nước ta đã có một số dự án điện đốt rác đã đi vào hoạt động, hoặc đang được triển khai xây dựng tại thủ đô Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Hà Nam…

Quốc Hương

Theo Báo Đất Việt