Phó Chủ tịch Hoa Sen quyết bán gần hết lượng cổ phiếu HSG đang nắm giữ
Ông Trần Ngọc Chu, Phó chủ tịch HĐQT thường trực - điều hành Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoa Sen (HoSE: HSG) vừa đăng ký bán 1,5 triệu cổ phiếu HSG để giảm sở hữu tại HSG.
Giao dịch dự kiến thực hiện từ ngày 1/2 đến ngày 1/3/2024. Nếu giao dịch thành công, ông Chu sẽ giảm từ 1.781.147 cổ phiếu (0,29% vốn điều lệ), xuống 281.147 cổ phiếu (0,046% vốn điều lệ) tại doanh nghiệp.
Trước đó, từ ngày 28/12/2023 đến ngày 26/1/2024, ông Trần Ngọc Chu cũng đã đăng ký bán 1,5 triệu cổ phiếu nhưng kết thúc thời gian đăng ký không bán được cổ phiếu, lý do được đưa ra là do điều kiện thị trường không phù hợp.
Liên quan đến cổ phiếu HSG, trước đó, ông Vũ Văn Thanh, Phó tổng giám đốc thường trực cũng đã đăng ký bán ra 800.000 cổ phiếu HSG, giảm sở hữu từ 806.202 cổ phiếu (0,13% vốn điều lệ), về 6.202 cổ phiếu (0,001% vốn điều lệ), giao dịch dự kiến thực hiện từ ngày 29/1 đến ngày 27/2.
Việc các lãnh đạo HSG liên tục đăng ký bán ra cổ phiếu diễn ra trong bối cảnh mã cổ phiếu này đã tăng 41,9%, từ 16.600 đồng, lên 23.550 đồng/cổ phiếu chỉ trong 3 tháng (từ ngày 26/10/2023 đến ngày 26/1/2024).
Về tình hình kinh doanh, trong quý I niên độ tài chính 2023 - 2024 (từ ngày 1/10-31/12/2023), doanh thu của HSG ghi nhận đạt 9.073,22 tỷ đồng, tăng 14,6% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế ghi nhận đạt 103,36 tỷ đồng so với cùng kỳ lỗ 680,23 tỷ đồng, tức tăng thêm 783,59 tỷ đồng. Trong đó, biên lợi nhuận gộp cải thiện từ 2%, lên tới 10,5%.
Như vậy, ngay trong quý đầu tiên của niên độ tài chính 2023 - 2024, HSG đã ghi nhận lãi trở lại, chủ yếu do doanh thu tăng trưởng dương, đồng thời biên lợi nhuận gộp cải thiện mạnh dẫn tới lợi nhuận tăng trưởng mạnh.
Trước đó, HSG đã công bố Báo cáo thường niên cho niên độ 2022 - 2023, mặc dù không công bố kế hoạch tài chính cho niên độ mới, nhưng công ty có chia sẻ về chiến lược phát triển.
Cụ thể, đối với mảng kinh doanh phân phối vật liệu xây dựng và nội thất, công ty tiếp tục củng cố, nâng cao hiệu quả kinh doanh của hệ thống Hoa Sen Home, chuẩn bị đủ nguồn lực để lập Công ty Cổ phần Phân phối vật liệu xây dựng – nội thất Hoa Sen, đồng thời lên kế hoạch chuyển giao mảng phân phối vật liệu xây dựng – nội thất cho Công ty Cổ phần Hoa Sen Home vào một thời điểm phù hợp, dự kiến năm 2024 đến năm 2026.
Đáng chú ý, về kế hoạch đầu tư, trong niên độ tài chính 2023-2024, Hoa Sen cho biết, đối với mảng sản xuất kinh doanh nhựa, công ty sẽ tiếp tục củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của Công ty Cổ phần Nhựa Hoa Sen, từng bước triển khai phát hành lần đầu ra công chúng (IPO) khi đã chuẩn bị đủ nguồn lực và điều kiện thị trường cho phép, dự kiến trong thời gian từ năm 2024 đến năm 2026.
Hồi cuối tháng 12/2023, HSG cũng đã thông qua chủ trương đầu tư theo hình thức góp vốn với tỷ lệ 40% để thành lập Công ty Cổ phần Hoa Sen Sài Gòn. Thời gian triển khai đầu tư dự kiến trong tháng 1/2024.
Theo đó, Hoa Sen Sài Gòn dự kiến có vốn điều lệ 100 tỷ đồng, bao gồm 40 tỷ đồng vốn góp của HSG và 60 tỷ đồng của các cổ đông sáng lập khác. Dù chỉ nắm 40% vốn, công ty này vẫn mang thương hiệu Hoa Sen.
Người đại diện cho phần vốn của HSG tại Hoa Sen Sài Gòn là ông Trần Ngọc Chu. Ngành nghề kinh doanh chính của Hoa Sen Sài Gòn là kinh doanh bất động sản, kho bãi, dịch vụ lưu trú ngắn hạn, dịch vụ ăn uống, xây dựng nhà ở…
Theo HSG, việc góp vốn thành lập Hoa Sen Sài Gòn nhằm tìm kiếm bất động sản có giá trị 1.000 – 3.000 tỷ đồng để phát triển các dự án văn phòng – trung tâm thương mại – nhà ở, bố trí văn phòng làm việc cho tập đoàn, cho thuê, hoặc xem xét chuyển nhượng (nếu điều kiện phù hợp).
Trong số các công ty con, công ty liên kết của HSG, chỉ có 1 đơn vị hoạt động trong lĩnh vực bất động sản là Công ty Cổ phần Hoa Sen Yên Bái (được thành lập năm 2016). Công ty này được HSG rót thêm vốn vào tháng 2/2023, nâng vốn điều lệ từ 340 tỷ đồng lên 421 tỷ đồng. Tỷ lệ sở hữu của HSG tại Hoa Sen Yên Bái là 95,962%.
Như vậy, HSG sắp có thêm 1 công ty liên kết trong lĩnh vực bất động sản. Trong quá khứ, HSG có nhiều dấu ấn trên thị trường bất động sản. Tập đoàn chính thức lấn sân sang lĩnh vực này từ năm 2009 bằng việc đầu tư vào dự án khu dân cư Điền Phúc Thành ở quận 9, TP. HCM.
Sau đó, HSG tiếp tục đầu tư thêm 2 dự án là Hoa Sen Phước Long B và căn hộ Hoa Sen Riverside. Năm 2011, HSG tuyên bố rút khỏi lĩnh vực bất động sản vì kinh doanh không được như kỳ vọng và sẽ tập trung vào hoạt động cốt lõi là thép.
Việc thành lập Hoa Sen Yên Bái cùng 3 công ty khác là Hoa Sen Hội Vân, Hoa Sen Vân Hội và Hoa Sen Quy Nhơn vào năm 2016 đánh dấu sự trở lại của HSG trên thị trường bất động sản. Tuy nhiên, ngoại trừ Hoa Sen Yên Bái, 3 công ty còn lại đều đã bị giải thể.
Như vậy, việc rót thêm vốn vào Hoa Sen Yên Bái, thành lập Hoa Sen Sài Gòn có thể là dấu hiệu cho việc lấn sâu hơn vào lĩnh vực bất động sản của HSG.