PNJ: Giá vàng liên tục lập đỉnh nhưng vì sao giá cổ phiếu lại “cắm đầu”?
Thời gian qua, mặc dù giá vàng liên tục lập đỉnh song cổ phiếu của doanh nghiệp vàng PNJ lại liên tục giảm sâu, tạo đáy trong vòng một năm.
![]() |
Ảnh minh họa. |
Trong hơn một năm qua, giá vàng liên tục leo thang, từ quanh mức 70 triệu đồng/lượng lên sát 101 triệu đồng/lượng, tăng khảng 30%. Giao dịch vàng cũng đầy sôi động.
Dù vàng đang là "mỏ tiền" của giới đầu tư, tưởng chừng sẽ là lợi thế cho các doanh nghiệp kinh doanh vàng bạc, tuy nhiên cổ phiếu PNJ của "đại gia" kinh doanh vàng, trang sức lớn nhất sàn chứng khoán Việt Nam - Công ty cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận lại rơi vào vòng xoáy giảm giá "không phanh".
Hiện tại, cổ phiếu PNJ đang giao dịch quanh mức giá từ 82.000 đến 83.000 đồng/ cổ phiếu. Đây là mức giá thấp nhất trong vòng hơn 1 năm trở lại đây (kể từ 5/1/2024). So với đỉnh lịch sử hồi tháng 8/2024, thị giá cổ phiếu PNJ đã mất hơn 23% giá trị, vốn hóa thị trường tương ứng "bốc hơi" 8.447 tỷ còn khoảng 27.700 tỷ đồng.
![]() |
Cổ phiếu PNJ liên tục “cắm đầu”. |
Vì đâu đến nỗi?
Giá vàng bùng nổ thường được xem là lợi thế cho các doanh nghiệp kinh doanh vàng bạc. Tuy nhiên, với PNJ – doanh nghiệp dẫn đầu trong mảng bán lẻ trang sức, đây lại là một bài toán đầy thách thức. Nguyên nhân bởi mô hình kinh doanh cốt lõi của PNJ là tập trung vào mảng trang sức, thay vì kinh doanh vàng 24k.
Khi giá vàng lập đỉnh, chi phí sản xuất tăng mạnh kéo theo giá bán lẻ tăng theo. Điều này khiến người tiêu dùng trở nên e dè hơn trong việc chi tiêu cho trang sức vàng – một mặt hàng xa xỉ, không thiết yếu. Thay vì mua trang sức, họ có xu hướng ưu tiên tích trữ vàng 24k (9999 hoặc 999) để bảo toàn giá trị hoặc tiết kiệm, dẫn đến doanh thu mảng trang sức của PNJ sụt giảm và gây áp lực lên giá cổ phiếu. Kết quả kinh doanh quý IV/2024 của PNJ cho thấy doanh thu thuần chỉ đạt 8.581 tỷ đồng, giảm 12% so với cùng kỳ năm trước.
![]() |
Nguồn: BCTC Hợp nhất quý IV/2024 của PNJ. |
Không chỉ vậy, tình trạng khan hiếm nguồn cung vàng tiếp tục là một vấn đề nan giải.
Trong một báo cáo vào cuối quý III năm ngoái, VDSC cho rằng, giá vàng leo thang và việc siết chặt quản lý của Nhà nước đối với hoạt động kinh doanh vàng, PNJ không có (hoặc rất hiếm) hoạt động mua bán vàng miếng do việc thiếu hụt nguồn cung khi người dân hầu như chỉ mua, rất hiếm có việc bán lại vàng miếng.
VDSC dự phóng tình trạng thiếu hụt nguồn cung cho vàng miếng sẽ tiếp diễn cho các năm sau. Điều này dẫn đến việc PNJ sẽ không có doanh thu từ mảng vàng miếng từ 2025 trở đi.
“Đau đầu” với hàng tồn kho
Năm 2024, PNJ đặt kế hoạch đạt doanh thu thuần 37.148 tỷ đồng và lãi sau thuế 2.089 tỷ đồng. Như vậy, doanh nghiệp đã vượt 1,8% chỉ tiêu doanh thu và vượt 1,2% mục tiêu lợi nhuận cả năm.
Về tình hình tài chính, cuối năm 2024, tổng tài sản của PNJ tăng mạnh lên mức hơn 17.000 tỷ đồng. Chiếm tỷ trọng lớn trong khối tài sản là hàng tồn kho với giá trị ở mức hơn 13.000 tỷ đồng (chiếm hơn 76%).
Trong các khoản đầu tư tài chính, thuyết minh báo cáo của PNJ cho thấy doanh nghiệp vẫn đang ‘kẹt’ khoản đầu tư góp vốn vào Ngân hàng TMCP Đông Á.
![]() |
Nguồn: BCTC Hợp nhất quý IV/2024 của PNJ. |
Theo đó, PNJ nắm giữ hơn 38 triệu cổ phiếu EAB tương ứng tỷ lệ sở hữu là 7,69%. Đối với khoản đầu tư này, PNJ đã dự phòng toàn bộ với số tiền hơn 395 tỷ đồng.
Tại ngày 31.12.2024, Ngân hàng TMCP Đông Á vẫn trong diện kiểm soát đặc biệt của Ngân hàng Nhà nước và cổ phiếu EAB không được phép chuyển nhượng.
Trong cơ cấu nguồn vốn, nợ phải trả của PNJ đang ở mức hơn 5.900 tỷ đồng, tăng hơn 28% so với hồi đầu năm. Trong đó, vay nợ tài chính ở mức hơn 3.300 tỷ đồng, tập trung ở các khoản vay ngắn hạn.
Biến động cổ đông lớn
Đáng chú ý, trong bối cảnh kinh doanh suy giảm cùng giá cổ phiếu, PNJ đã có báo cáo thay đổi về sở hữu của nhóm nhà đầu tư nước ngoài có liên quan là cổ đông lớn của công ty.
Theo đó, ngày 18/3, 3 quỹ thành viên thuộc Dragon Capital là DC Developing Markets Strategies Public Limited Company, Hanoi Investments Holdings Limited và Samsung Vietnam Securities Master Investment Trust (Equity) đã bán tổng cộng 741.000 cổ phiếu PNJ.
Sau giao dịch, nhóm Dragon Capital giảm sở hữu từ 6,08% xuống còn gần 5,86%, tương đương 19,79 triệu cổ phiếu PNJ. Với mức giá đóng cửa ngày 18/3 của PNJ là 88.200 đồng/cp, ước tính Dragon Capital thu về hơn 65 tỷ đồng.
Trước đó, trong tháng 1, bà Trần Phương Ngọc Thảo, Phó Chủ tịch HĐQT PNJ đã chi ra gần 400 tỷ đồng để mua 4 triệu cổ phiếu PNJ, nâng sở hữu lên hơn 11,8 triệu cổ phần, tương ứng 3,51% vốn điều lệ. Giao dịch diễn ra từ 19/12/2024 đến 14/1/2025 theo phương thức thỏa thuận/khớp lệnh.
Bà Trần Phương Ngọc Thảo là con gái của Chủ tịch HĐQT PNJ Cao Thị Ngọc Dung. Hiện, Chủ tịch PNJ đang sở hữu hơn 9,6 triệu cổ phiếu. Bên cạnh đó, hai người con khác của bà Dung là bà Trần Phương Ngọc Giao nắm giữ gần 9,7 triệu cổ phiếu PNJ; bà Trần Phương Ngọc Hà nắm giữ hơn 12,2 triệu cổ phiếu PNJ.