Quảng Nam muốn chuyển đổi 1ha rừng dừa lấy đô thị: Băn khoăn
TS Chu Mạnh Trinh nhấn mạnh giá trị sinh thái to lớn của rừng dừa nước Cẩm Thanh, việc tạo sinh kế, phát triển du lịch của rừng dừa này.
Sáng 16/3, kỳ họp thứ 22 HĐND tỉnh Quảng Nam khóa IX đã diễn ra. Một trong những nội dung được xem xét trong kỳ họp này là UBND tỉnh Quảng Nam đề nghị HĐND tỉnh xem xét thông qua chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng hơn 41 ha rừng sang mục đích khác để triển khai các dự án thủy điện, đường và khu đô thị.
Trong số này, có đề nghị chuyển đổi hơn 1 ha rừng dừa nước phân tán manh mún sang mục đích khác để xây dựng dự án đầu tư xây dựng nhà ở Khu đô thị Cồn Tiến (xã Cẩm Thanh, TP Hội An).
Trong tờ trình, UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, chỉ tiêu về tỷ lệ che phủ rừng đến năm 2020 của tỉnh là 54%. Tính đến ngày 31/12/2019, tỉnh Quảng Nam có tổng diện tích rừng là 628.573ha, trong đó rừng tự nhiên là 466.113ha, độ che phủ rừng là 59,44% (tăng 5,44% so với mục tiêu đề ra).
"Diện tích rừng dừa nước chuyển đổi của dự án là khoảng 1ha phân tán manh mún (10.136,79m2) không ảnh hưởng đến độ che phủ chung về rừng của Quảng Nam", tờ trình gửi HĐND tỉnh Quảng Nam do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu ký khẳng định.
Đáng lưu ý, hồi tháng 1 năm nay, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã quyết định rút, không trình lên kỳ họp thứ 13 HĐND tỉnh đề nghị chuyển mục đích sử dụng hơn 1ha rừng dừa nước Cẩm Thanh để phát triển dự án khu đô thị Cồn Tiến, lý do là để cân nhắc kỹ hơn về những tác động cảnh quan, môi trường khi triển khai dự án.
Trao đổi với Đất Việt, TS Chu Mạnh Trinh, chuyên gia bảo tồn của Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm, TP Hội An, tỉnh Quảng Nam cho biết, về lý thuyết, rừng ven biển không chỉ có tác dụng che phủ mà còn có nhiều tác dụng khác.
Rừng dừa nước Cẩm Thanh, trước kia được người dân mang từ miền Nam về, còn có tác dụng giữ đất. Đây là vùng đất mới, đất bồi nên cần giữ đất, mà giữ đất thì mới giữ được làng.
Ngày nay, rừng dừa nước không chỉ giúp giữ đất, giữ làng mà còn giúp giảm thiểu thiên tai (gió bão, sóng gió...), giống như một bờ kè mềm để giảm thiểu tác động của biển cả. Nó cũng là hệ sinh thái giúp giữ gìn cá, tôm, đồng thời tạo cảnh quan đẹp để bà con Cẩm Thanh làm du lịch.
TS Chu Mạnh Trinh chia sẻ, sáng 16/3, có nhiều du khách ở xứ dừa Bến Tre ra thăm rừng dừa Cẩm Thanh. Bà con Cẩm Thanh đã nói nhiều về vai trò to lớn của rừng dừa đối với làng quê, là nơi nuôi sống các sinh vật biển, là các bãi đẻ của cá, tôm, đặc biệt rừng dừa nước Cẩm Thanh hiện đã trở thành khu du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng hút khách.
"Dù Bến Tre có rất nhiều dừa, song các du khách ra Cẩm Thanh, thấy người Cẩm Thanh sử dụng rừng dừa rất hiệu quả, vừa có tác dụng giữ gìn đa dạng sinh học, giữ gìn đất, giảm thiểu tác động của biển cả, thiên tai, biến đổi khí hậu, đồng thời tạo cảnh quan đẹp để bà con làm du lịch, qua đó giúp cho sinh kế của cộng đồng thêm trù phú, các du khách rất vui.
Rõ ràng, rừng dừa đóng vai trò to lớn nên phải gìn giữ cho sinh kế của cộng đồng, để cộng đồng phát triển đi lên", TS Chu Mạnh Trinh nói, từ đó ở góc độ người làm chuyên môn, ông đề nghị cần thận trọng khi xem xét chuyển đổi rừng dừa nước Cẩm Thanh.
Trước đó, vào tháng 9/2020, Công ty CP Đạt Phương Hội An có công văn đề nghị chuyển đổi mục đích sử dụng rừng dừa nước để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở khu đô thị Cồn Tiến, trong đó diện tích rừng phòng hộ đề nghị xin chủ trương chuyển mục đích sử dụng là hơn 1ha.
Dự án đầu tư xây dựng nhà ở Khu đô thị Cồn Tiến là 1 trong 4 dự án đối ứng, thanh toán vốn cho nhà đầu tư đầu tư xây dựng cầu Km0+317 trên tuyến đường dẫn phía bắc cầu Cửa Đại theo hình thức hợp đồng xây dựng-chuyển giao (BT).
Theo UBND tỉnh Quảng Nam, năm 2018, dự án đầu tư xây dựng nhà ở Khu đô thị Cồn Tiến được HĐND tỉnh cho ý kiến chấp thuận đầu tư và được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng, dùng nguồn thu từ mức thu tiền sử dụng đất của dự án để hoàn vốn đầu tư xây dựng cầu Km0+317 trên tuyến đường dẫn phía Bắc cầu Cửa Đại.
UBND tỉnh Quảng Nam khẳng định, việc đầu tư xây dựng Khu đô thị Cồn Tiến là rất cần thiết nhằm hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Hiện nay, Công ty Cổ phần Đạt Phương Hội An (chủ đầu tư) đang lập hồ sơ, thủ tục chuyển mục đích sử dụng rừng theo quy định tại Nghị định số 83/2020/NĐ-CP ngày 15/7/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018. Tỉnh Quảng Nam cũng đang xây dựng quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Đối với diện tích đất rừng bị ảnh hưởng bởi dự án, UBND tỉnh Quảng Nam đề nghị HĐND tỉnh thống nhất chủ trương cho phép chuyển mục đích sử dụng rừng (dừa nước) sang mục đích khác. UBND tỉnh sẽ chỉ đạo Sở NN-PTNT đưa ra khỏi quy hoạch 3 loại rừng đối với diện tích đất rừng bị ảnh hưởng bởi dự án trong quy hoạch của tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2021 - 2030 và phối hợp với Bộ NN-PTNT cập nhật nội dung này vào quy hoạch lâm nghiệp cấp quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050.
Sau 1 ngày làm việc, kỳ họp thứ 22, HĐND tỉnh Quảng Nam khóa IX đã hoàn thành chương trình đề ra.
Tại kỳ họp, sau khi xem xét các tờ trình, đề án và dự thảo Nghị quyết, báo cáo thẩm tra của các ban, ý kiến thảo luận trọng tâm, trách nhiệm của các vị đại biểu, HĐND tỉnh Quảng Nam đã thông qua 17 Nghị quyết với sự nhất trí rất cao.
Trong đó, kỳ họp đã đồng thuận cao về quyết định chủ trương đầu tư 24 dự án đầu tư công với tổng mức đầu tư gần 2.500 tỷ đồng, trọng tâm là các dự án tái thiết, khắc phục hậu quả thiên tai năm 2020, các dự án giao thông quan trọng đảm bảo liên kết vùng và thúc đẩy triển kinh tế - xã hội của tỉnh; cho ý kiến chấp thuận chủ trương đầu tư một số dự án xây dựng khu dân cư, khu đô thị nhằm tiếp tục thực hiện nhiệm vụ chiến lược về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ và phát triển đô thị trên địa bàn tỉnh.